Xin chào Tuyết Dung. Thời điểm chúng ta trao đổi với nhau cũng là lúc không khí của ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 đang vô cùng rộn ràng ở khắp mọi nơi. Đối với phái nữ, những dịp như thế này chắc hẳn luôn rất đặc biệt. Không biết với cầu thủ bóng đá nữ thì ngày mùng 8/3 có điều gì khác biệt hơn hay không?
“Trước hết, nhân ngày 8/3, em xin gửi lời chúc đếc các mẹ, các cô cùng toàn thể chị em phụ nữ Việt Nam có một ngày vui vẻ và ý nghĩa.
Còn với cầu thủ nữ bọn em, mùng 8/3 sáng chiều vẫn ra sân tập luyện như bình thường thôi. Nhưng cũng có niềm vui là Ban huấn luyện, các thầy, bố Chung (HLV Mai Đức Chung - PV) và các bác có tặng hoa các cô và các chị em trong đội. Bản thân em cảm thấy rất vui và phấn khởi.”
Mùng 8/3 vẫn phải ra sân tập luyện bình thường. Cảm giác chắc hẳn cũng đặc biệt lắm nhỉ? Dù hiểu theo nghĩa nào đi chăng nữa.
“Thực sự chị em trong đội cũng quen rồi. Năm nào cũng thế thôi. Bất kể 8/3 hay 20/10 rồi lễ, Tết vẫn phải ra sân tập luyện bình thường. Đối với em đó là một niềm vui. Tất cả mọi người đều rất vui vẻ, thoải mái khi ra sân. Bên cạnh đó chị em cũng vẫn nhận được sự quan tâm động viên của mọi người, từ bố Chung, thầy cô đến các bác lãnh đạo liên đoàn. Đó là một niềm vui không quá lớn thì cũng là sự động viên nho nhỏ với tất cả chị em trong đội.”
Nhìn nhận thẳng thắn, chơi bóng vốn đã rất vất vả, phụ nữ chơi bóng lại càng vất vả hơn. Vậy vì sao Tuyết Dung và các chị em trong đội lại lựa chọn theo đuổi bóng đá, mà không phải là một công việc khác nhẹ nhàng hơn, phù hợp hơn với phái nữ?
“Em nghĩ đơn giản làm việc gì cũng cần phải có đam mê. Ngay từ nhỏ bản thân em đã rất thích bóng đá. Có rất nhiều môn thể thao em có thể lựa chọn, nhưng vì sao em lại chọn bóng đá? Bởi vì em thích.
Từ bé em đã thích đá bóng rồi, hay đá cùng với tất cả các bạn nam ở xóm, ở trường. Em nhảy vào chơi hết và chỉ có mình em là nữ thôi. Và để trải qua đến mười mấy năm đá bóng đến tận bây giờ thì bản thân em có thể nói rằng em đam mê với nghề của mình, yêu thích cái nghề của mình. Đối với em, ngay từ ngày đầu tiên lựa chọn theo bóng đá, em đã biết mình sẽ không bao giờ ân hận.”
Nhưng có một thực tế mà chúng ta cần phải thắng thắn nhìn nhận với nhau, rằng bóng đá nam luôn rất được quan tâm, trong khi bóng đá nữ dù cũng có những thành công nhất định nhưng lại không đang nhận được sự quan tâm lớn giống như vậy. Bản thân Dung là một tuyển thủ bóng đá nữ, có bao giờ em cảm thấy chạnh lòng vì chuyện đó hay không?
“Thực sự mà nói, bản thân Dung và các chị em nhiều khi cũng thấy có phần chạnh lòng, cũng thấy buồn lắm chứ. Trải qua những năm vừa qua, mọi người cũng đều biết rằng bóng đá nam đang có một lứa cầu thủ trẻ rất tốt. Em cũng mong muốn bóng đá nữ sẽ được quan tâm hơn, nhận được sự đầu tư cho thế hệ trẻ để có lứa kế cận cho ĐTQG.
Ngoài ra, bóng đá nam hiện tại có rất nhiều CLB và nhiều trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Em hi vọng cũng sẽ có nhiều trung tâm đào tạo trẻ để môi trường bóng đá nữ Việt Nam ngày một tốt hơn. Ai quan tâm theo dõi chúng em cũng biết giờ cả nước chỉ có 6, 7 CLB thi đấu với nhau, sự cạnh tranh và cọ sát thực sự rất ít.”
Truyền thông, báo chí và dư luận xã hội cũng đã nhiều lần lên tiếng, cũng như có sự so sánh về việc đầu tư giữa bóng đá nam và bóng đá nữ. Sau những luồng ý kiến như vậy, lãnh đạo ngành thể dục thể thao đã có sự quan tâm hay những thay đổi như thế nào với bóng đá nữ?
“Hiện tại, những thế hệ cầu thủ trẻ như U14, U16 đều đã được tập trung và nhận được những sự đầu tư. Nhưng trong tương lai, em mong muốn mọi thứ sẽ còn nhiều hơn thế. Như em đã nói, mong rằng sẽ có thêm nhiều CLB hơn, sự cọ xát không chỉ dừng lại ở việc 7 CLB đá với nhau năm này qua năm khác, để giải VĐQG có sự cạnh tranh khốc liệt hơn, qua đó tích lũy được kinh nghiệm thi đấu. Có những bạn ở CLB chưa được thi đấu, lên đội tuyển thì mới được thi đấu. Đó là sự thiệt thòi rất lớn.”
Vậy thì Tuyết Dung có thể chia sẻ những mục tiêu mà bản thân và các đồng đội tại ĐT bóng đá nữ Việt Nam đặt ra trong năm nay?
“Là một cầu thủ chuyên nghiệp, trước mỗi giải đấu ai cũng đều cần đặt ra mục tiêu riêng cho cá nhân mình. Tuy nhiên bóng đá không phải môn chơi cá nhân, thành tích của tập thể vẫn phải là trên hết. Em hi vọng trước mắt toàn đội sẽ vượt qua vòng loại thứ 2 để tiến vào vòng loại thứ 3 của Olympic 2020. Và tất nhiên mục tiêu quan trọng nhất của ĐTQG trong năm 2019 này vẫn sẽ là SEA Games.
Mong rằng tất cả chị em trong đội từ chị lớn đến em bé cùng bảo ban nhau tập luyện và thi đấu thật tốt để có một năm trọn vẹn với bóng đá nữ. Bóng đá nam đã có rất nhiều thành công rồi, hi vọng năm nay sẽ là năm thành công của bóng đá nữ.”
Đặt ra mục tiêu thì chắc hẳn sẽ có áp lực đi kèm. Bản thân Tuyết Dung lại là một ngôi sao, trụ cột ở đội tuyển. Có khi nào những điều nói trên cộng dồn lại với nhau và tạo ra cho em những áp lực quá lớn ở các giải đấu từng tham dự hay chưa?
“Em nghĩ ai cũng phải đặt mục tiêu cho riêng mình thôi. Phải có áp lực để có động lực vượt qua nó. Quan trọng khi ra sân mình phải cố gắng làm được những điều gì tốt nhất thì mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến.”
Xin cảm ơn Tuyết Dung về cuộc trò chuyện!
Đôi nét về tuyển thủ Nguyễn Thị Tuyết Dung
Sinh ngày: 13/12/1993
CLB: Phong Phú Hà Nam (gia nhập đội trẻ: 2006; lên đội một: 2013)
Vị trí thi đấu: Tiền vệ
Tuyết Dung góp mặt trong thành phần ĐT bóng đá nữ Việt Nam từ năm 2011, với dấu ấn đáng nhớ khi ghi bàn quyết định trong trận gặp Thái Lan giúp bóng đá nữ Việt Nam lần đầu góp mặt tại vòng bán kết ASIAD vào năm 2014.
Đặc biệt, Tuyết Dung là cầu thủ Việt Nam hiếm hoi lập kỷ lục thế giới ghi 2 bàn bằng hai chân từ chấm phạt góc trong cùng một trận đấu – trận Việt Nam thắng Malaysia 7-0 tại giải vô địch Đông Nam Á ngày 5-5-2015. Trận này Tuyết Dung lập hat-trick.
Ngoài ra, Tuyết Dung cũng từng được chọn vào danh sách 100 phụ nữ truyền cảm hứng 2017 của BBC và từng được FIFA thực hiện bài phỏng vấn độc quyền.
Ảnh: Đinh Huy - Ngọc Tú
Kiều Phong (SHTT)