CLB Bình Định đang nợ số tiền 38,5 tỷ đồng, trong đó có khoảng 20 tỷ là nợ lương, thưởng các trận thắng, thưởng thành tích cuối mùa… của các cầu thủ.
Do những khó khăn về kinh tế tác động sâu rộng đến tài chính của các doanh nghiệp nên 2 nhà tài trợ chính của CLB buộc phải cắt giảm tài trợ khiến cho công ty không đủ nguồn chi trả số tiền kể trên.
Phía CLB Bình Định đã gửi công văn đề nghị Tỉnh vào cuộc, hỗ trợ 15 tỉ đồng từ ngân sách hoặc kêu gọi các đơn vị tài trợ khác để chi khen thưởng đội bóng. Ngoài ra, CLB còn đề nghị tỉnh vận động thêm các nhà tài trợ đồng hành khác chung tay hỗ trợ tối thiểu 50% kinh phí hoạt động đội bóng (khoảng 60 tỉ đồng), từ mùa bóng tới.
Trong trường hợp không tìm được nguồn vốn để vận hành trong mùa giải 2023, CLB Bình Định có khả năng đội bóng. Cách đây một năm, Than Quảng Ninh đã không thể tham dự V.League 2022 vì lý do tương tự.
Nếu nợ lương, thưởng cầu thủ quá hạn, đội bóng có biệt danh "PSG Việt Nam" có thể bị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) không cấp phép cho tham dự V.League 2023. Bên cạnh lựa chọn giải thể, CLB Bình Định có thể lựa chọn xuống chơi ở giải hạng 3.
Tuy nhiên, để tiếp tục tồn tại - dù là thi đấu ở V.League hay giải hạng 3 - thì CLB Bình Định bắt buộc phải thanh toán đủ tiền, hoặc thương lượng được với các cầu thủ và nhân viên.
Thông thường, các CLB sẽ đàm phán, chi trả một phần lương, thưởng cho các nhóm này để có thể tiếp tục tồn tại, "bắt đầu lại từ đầu" ở giải hạng 3. Nếu không thể chi trả lương cho cầu thủ và nhân viên, CLB Bình Định bắt buộc phải tuyên bố giải thể.
Topenland Bình Định lên hạng năm 2020. Sau đó, đội chiêu mộ nhiều ngôi sao, như Đặng Văn Lâm, hậu vệ Hồ Tấn Tài, Hà Đức Chinh, Trần Đình Trọng, Mạc Hồng Quân, Adriano Schmidt, Lý Công Hoàng Anh hay Rafaelson.
Hồng Duy (Nguoiduatin.vn)