Sự cạnh tranh ở Giải ngoại hạng Anh (Premier League) ngày càng khốc liệt, thách thức đến từ đầu chí cuối bảng xếp hạng. Ngày càng khó có chuyện HLV ngay mùa đầu tiên đến đây để giành vinh quang, họ đều cần ít nhất một mùa giải “quá độ”.
HLV Guardiola cần thêm thời gian ở Manchester City. Ảnh: REUTERS |
4/7 đội hàng đầu Premier League có HLV mới mùa bóng 2016-17 là Chelsea, Manchester City, Manchester United và Everton đều có thứ hạng tốt trên bảng xếp hạng Premier League tính đến thời điểm này. Xen giữa họ là những đội vẫn giữ nguyên HLV, là Liverpool, Arsenal và Tottenham.
Nếu Chelsea vô địch mùa này, HLV Antonio Conte sẽ là một hiện tượng. Trong 20 mùa bóng qua, mới có vài HLV vô địch ngay mùa đầu tiên dẫn dắt đội bóng: Jose Mourinho (Chelsea), Carlo Ancelotti (Chelsea), Manuel Pellegrini (Manchester City). Nhưng vẫn còn sớm để khẳng định Conte sẽ lập kỳ tích với Chelsea mùa này.
Với Mourinho thì ông luôn tuyên bố rằng mùa giải thứ hai của ông ở một đội bóng mới là mùa giải “vàng son”, tức là các cầu thủ đạt phong độ cao nhất và đội bóng trở thành một thể thống nhất. Điều này đã được thể hiện khi Mourinho cầm quân ở Inter Milan, Real Madrid và Chelsea (vào lần thứ hai). Với một Manchester United cần tái thiết lại rất nhiều sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu vào năm 2013, người hâm mộ chưa đặt sức ép nhiều lắm lên Mourinho.
Người mới bị đặt sức ép lớn nhất là Pep Guardiola, một phần bởi nguồn lực của Man City quá rộng. Không HLV nào đến nước Anh mà có nhiều CĐV như Pep, ông không chỉ được kỳ vọng mang về danh hiệu vô địch cho Man City, mà phải mang nó về với một phong cách chơi bóng lịch lãm.
Man City khởi đầu không thể tốt hơn, 10 trận thắng liên tiếp trên các giải đấu. Rồi ở trận Champions League với Celtic, khi HLV Brendan Rodgers đẩy cao đội hình, chơi áp sát các cầu thủ Man City ở trung tuyến, Man City trở nên rối, tỉ số 3-3. Và cả Premier League có bài học mới để khắc chế Man City, họ chỉ thắng 1/5 trận Premier League kế tiếp.
Pep phải thừa nhận mình đã sai, đặc biệt trong cách thay đổi sang hệ thống phòng thủ 3 người, trận thua muối mặt 2-4 trước Leicester ở Premier League hồi tháng trước đã cho Pep một bài học về phòng ngự, ông học được bài đó, thắng 4/5 trận Premier League tiếp theo.
Man City giàu nguồn lực nhưng Pep không thừa hưởng đội bóng đủ hay để đối đầu với các đội bóng giỏi nhất châu Âu. Hàng thủ thì cầu thủ tốt nhất Vincent Kompany liên tục bị chấn thương, những hậu vệ cánh của họ không đủ xuất sắc theo tiêu chuẩn của Pep.
Ông cố gắng thực hiện sự thay đổi trong lối chơi của Man City bằng những thói quen tốt hơn, những đường di chuyển thông minh, nhưng cần phải có thời gian các cầu thủ mới ngấm hết ý tưởng của Pep. Nhiều trận đấu, Pep không dám thử nghiệm vì sợ ảnh hưởng đến kết quả. Tại Premier League, không như Tây Ban Nha hay Đức, nơi Pep từng làm việc, tất cả các đối thủ đều đem đến những thử thách rất lớn.
Man City kém Chelsea 7 điểm. Nếu 3 trận hòa 1-1 trước Everton, Southampton và Middlesbrough trên sân nhà của Man City được chuyển hóa thành những trận thắng, thì khoảng cách giữa Man City và Chelsea chẳng còn là bao. Nhưng Pep vẫn còn đang “học” Premier League, Man City còn phải chờ để Pep “tốt nghiệp”. Một mùa giải “quá độ” không quá nhiều.
Theo Thái Hà (Tuổi Trẻ)