1. Một thực tế buồn
Sau thất bại 0-5 trước Liverpool, một trong những thất bại tệ hại nhất mà Man United phải nhận trong lịch sử, đội bóng của HLV Ole Gunnar Solskjaer đã rớt xuống vị trí thứ 7, cùng được 14 điểm như Everton, Leicester và Arsenal nhưng xếp trên nhờ hơn về hiệu số bàn thắng-bại. Quỷ đỏ như vậy đã không thắng trong 4 trận gần nhất ở Premier League, và thua tới 3 trong số đó. Viễn cảnh HLV Solskjaer có được danh hiệu đầu tiên với Man United là rất nhạt nhòa.
Thảm bại trước Liverpool cũng tố cáo một thực tế phũ phàng là Man United không còn chơi tốt trước các đối thủ trực tiếp nữa. Trong 26 cuộc đối đầu các đối thủ trong nhóm “Big Six”, Man United chỉ có được 34 điểm. Thành tích này vẫn tốt hơn Arsenal (32 điểm sau 28 trận) và Tottenham (23 điểm/28 trận), nhưng kém xa hai đối thủ đã cạnh tranh danh hiệu vô địch Premier League trong những năm gần đây là Man City (52 điểm/29 trận) và Liverpool (57 điểm/28 trận).
2. Mua bán không hiệu quả
Vẫn còn một nhóm không nhỏ CĐV Man United chỉ trích giới chủ - nhà Glazer - keo kiệt và chỉ biết hút máu đội bóng. Thực tế thì không hẳn. Đúng là nhà Glazer vẫn thường tranh thủ bán cổ phiếu của đội kiếm lời, nhưng họ cũng đầu tư không ít. Trong những năm qua, họ đã chi gần nửa tỷ bảng để HLV Solskjaer tăng cường lực lượng.
Cụ thể hơn, kể từ thời điểm Solskjaer được bổ nhiệm, Man United chính là đội bóng có mức âm lớn nhất trên thị trường chuyển nhượng. Họ âm tới 312,1 triệu bảng. Riêng mùa này, Man United chi ra 134 triệu bảng cho ba tân binh là Jadon Sancho (73), Raphael Varane (41) và Cristiano Ronaldo (19,7). Nhưng rõ ràng là tiền không mua được thành công. Để rõ hơn, hãy nhìn sang Liverpool. Kể từ mùa Đông năm 2019, Liverpool của Juergen Klopp thậm chí còn tạo ra lợi nhuận trên thị trường chuyển nhượng (3,6 triệu bảng). Mùa Hè vừa rồi, họ chi 36 triệu bảng mua Konate, nhưng đã cân đối được bằng số tiền thu về từ các vụ bán Harry Wilson, Xherdan Shaqiri...
3. Chạy quá ít
Tính về tổng quãng đường di chuyển ở Premier League mùa này, Man United chỉ xếp thứ 14 (gần 940 km cả đội). Thực tế thì con số này không nói lên nhiều điều. Chelsea, ví dụ, chạy ít hơn Man United (tổng quãng đường là 936,55km), nhưng những thể hiện của họ là ấn tượng hơn hẳn, cả về kết quả lẫn lối chơi.
Tuy nhiên, vấn đề sẽ lộ ra khi chúng ta đi sâu vào từng trận đấu của Man United. Trong 9 trận Premier League từ đầu mùa, có tới 7 trận Man United chạy ít hơn đối thủ. Hai trận mà họ chạy nhiều hơn, là các trận gặp Wolves và Newcastle, khoảng cách thực ra cũng không đáng kể (hơn 0,08km ở trận gặp Wolves và 0,81km ở trận gặp Newcastle).
Điều thú vị là trong Top 10 cầu thủ chịu khó chạy nhất của Man United, chỉ có 4 người (gồm McTominay, Bruno Fernandes, Fred và Wan-Bissaka) là có khả năng thường xuyên xuất hiện trong đội hình xuất phát. Dẫn đầu danh sách là 2 cầu thủ dự bị, tiền vệ Jesse Lingard (chạy 15,4km mỗi 90 phút) và tiền đạo Edinson Cavani (12km/90 phút). Ronaldo (9,3km mỗi 90 phút) chỉ chạy nhiều hơn trung vệ Maguire (9,0km/90 phút) và thủ môn De Gea (3,5km/90 phút).
4. Pressing thiếu hiệu quả
Khả năng gây sức ép một cách đồng bộ và quyết liệt để đoạt lại bóng đang bị xem là vấn đề lớn nhất của Man United, và những con số ủng hộ nhận định này. Tính về số lần gây sức ép một cách có hệ thống, Man United hiện đang đứng thứ 5 từ dưới lên ở Premier League. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi những chỉ số phòng ngự của họ cũng đứng trong nhóm cuối, thậm chí đội sổ. Man United đang đứng bét Premier League về số lần tắc bóng (104), số lần tranh chấp thành công (376), đứng thứ 18 về số lần cắt bóng (68) và số lần tranh chấp bóng bổng thành công (108). Họ cũng chỉ đứng thứ 15 về số lần đoạt bóng (507).
Một lần nữa, những cầu thủ chịu khó pressing nhất của Man United lại là những người không được đá chính. Lingard hiện đang bỏ xa phần còn lại với trung bình 60,5 lần gây sức ép với cầu thủ đối phương mỗi 90 phút. Con số này tất nhiên sẽ giảm đi nếu Lingard được thi đấu nhiều hơn, nhưng nó phản ánh đúng xu hướng chơi bóng của cầu thủ người Anh. Tương tự, Cavani với 36 lần gây sức ép mỗi 90 phút cũng vượt trội so với người đá chính là Ronaldo - 13 lần.
5. Thảm họa phòng ngự
Solskjaer bắt đầu tái thiết Man United từ hàng thủ, nhưng sau những kết quả ban đầu khá tích cực, ông đang đánh mất chính mình. Trung bình mỗi trận đấu dưới thời Solsa, Man United để thủng lưới tới 1,13 lần, tức chỉ còn hơn được mỗi Man United của David Moyes (1,18). Những vấn đề trong hàng thủ của Man United thường được che giấu bởi khả năng lội ngược dòng của họ. Nhưng đó là ở các mùa giải trước. Mùa này, Man United đã đánh rơi 5 điểm từ vị trí dẫn bàn, chỉ hơn có 7 đội Premier League ở chỉ số này.
Một trong những nguyên nhân gió đổi chiều là các hậu vệ của Man United đang mắc quá nhiều sai lầm cá nhân. Từ đầu mùa, các cầu thủ của họ đã phạm tới 7 sai lầm dẫn tới cú dứt điểm của đối thủ, nhiều nhất ở Premier League. Riêng đội trưởng Harry Maguire phạm tới 3 sai lầm. Đấy là chúng ta còn chưa nói tới những lần các tiền vệ mất bóng và mở ra cơ hội tấn công cho đối thủ, như tình huống Pogba để Henderson cướp bóng rồi chuyền cho Salah ấn định tỉ số 5-0 ở trận đấu vừa rồi.
Theo Tùng Lâm (Bongdaplus.vn)
https://bongdaplus.vn/ngoai-hang-anh/phong-do-cua-man-united-qua-nhung-con-so-quy-am-3483982110.html