Tất cả các phòng ban liên quan đến đội tuyển đều nằm trong tay Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn. Thế nhưng nhân vật này lại đi họp ở nước ngoài và đi làm giám sát nhiều hơn điều hành bộ máy bóng đá trong nước.
|
Ông Tuấn đang giữ cùng lúc 14 chức vụ
|
Sẽ rất nhiều người ngạc nhiên nếu liệt kê đầy đủ các chức danh của ông Trần Quốc Tuấn gồm 14 ghế sau:
1. Phó Chủ tịch thường trực VFF
2. Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia
3. Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần bóng đá VPF
4. Phó ban chiến lược VFF
5. Trưởng ban bóng đá chuyên nghiệp
6. Phó ban tiếp thị và tạo nguồn tài chính
7. Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, phụ trách Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ
8. Chủ tịch Ủy ban thi đấu AFC
9. Phó ban trách nhiệm xã hội AFC
10. Ủy viên tầm nhìn châu Á
11. Ủy viên Hội đồng AFF
12. Ủy viên ban các vấn đề khẩn cấp
13. Ủy viên ban thi đấu AFF
14. Ủy viên ban Futsal FIFA
Đó là chưa kể cách đây không lâu Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng còn chỉ đạo ông Dương Vũ Lâm thôi ghế Phó Chủ tịch AFF để đưa ông Trần Quốc Tuấn ra ứng cử ở AFF sau khi mới bị trượt ghế tại AFC.
14 ghế như thế và ghế nào cũng quan trọng nhưng ông Trần Quốc Tuấn đã làm được gì?
Ở cấp đội tuyển thì chỉ thấy ông xoay quanh vị trí trưởng đoàn bóng đá rồi đòi tiền thưởng cho đội tuyển sau trận thắng "rùa" Đài Loan - nói theo cách bầu Đức. Tất nhiên là khi đội tuyển được thưởng thì trưởng đoàn cũng có phần và có khi là phần A++. Vừa qua sau trận thắng Đài Loan, ông Tuấn xin thưởng cho đội tuyển nhưng bị Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ từ chối thẳng thừng với phản ứng: “Đá như thế mà thưởng thì có phải là trêu ngươi và xúc phạm đến người hâm mộ không. Tôi không đồng ý!”. Ủy viên thường trực Trần Anh Tú cũng đồng quan điểm với ông Gụ khi không đồng ý thưởng trong tình trạng đội tuyển thi đấu như thế.
Nếu chuyện tiền thưởng ông Tuấn sốt sắng như thế thì những phần cần kíp cho sự phát triển của một nền bóng đá như chiến lược của bóng đá Việt Nam hay sản phẩm V-League tác động đến bộ mặt đội tuyển thì ông Tuấn lại rất thờ ơ. Thậm chí là đến nay khi hỏi về chiến lược bóng đá Việt Nam thì chẳng ai có thể trả lời đâu là chiến lược cả. Nói như bầu Đức thì nghị quyết ra một đàng, đội tuyển chạy một nẻo thế mà ông Tuấn vẫn nô đùa với ông Miura và thậm chí là chỉ đạo cả ông Miura làm trái với chuyên môn.
Trước SEA Games 28, ông Miura chịu trách nhiệm cùng lúc hai đội là đội tuyển và đội U.23. Lần tập trung cho đội tuyển và gút danh sách đi Thái Lan đá vòng loại World Cup với đội này, ông Miura chọn tên Công Phượng nhưng ông Tuấn đã can thiệp vào danh sách đấy đề nghị ông Miura để Công Phượng ở nhà phục vụ cho trận giao hữu thương mại giữa U.23 Việt Nam và U.23 Myanmar.
Sở dĩ ông Tuấn can thiệp sâu như vậy là vì ông “đạo diễn” trận đấu trên và hứa hẹn với ban tổ chức sân Cẩm Phả (do công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh đứng ra thực hiện) sẽ có Công Phượng ra sân và đá chính trong thành phần đội U.23 Việt Nam nhằm tạo ra cơn sốt vé và thu hút người hâm mộ đến sân.
Tất nhiên ông Miura không thể không nghe “ông chủ” của mình dù rất bực bội vì bị can thiệp thẳng thừng. Ông dẫn thành phần đội tuyển Việt Nam sang Thái Lan mà không có Công Phượng để phục vụ cho ý đồ của mình. Ngược lại thì HLV Nguyễn Thanh Sơn thay mặt ông Miura ở nhà sắp đội hình U.23 ra sân và đã để Công Phượng đá đủ trong đó có bàn thắng so lo tuyệt đẹp của Công Phượng vào lưới U.23 Myanmar. Đấy cũng là trận đấu mà Myanmar đã biết con bài tẩy Công Phượng nên khi gặp lại ở bán kết SEA Games 28, Myanmar đã phong tỏa Công Phượng bằng cả một phương án được lên đấu pháp rất kỹ và rất hoàn hảo.
Vì thế mà bán kết SEA Games 28, khi U.23 Việt Nam bị Myanmar bắt bài trong đó có chiến dịch bắt chết Công Phượng, ông Miura đã rất đau nhưng phải ngậm bồ hòn vì không lẽ lại đi tố cáo “ông chủ” của mình.
Cũng cần biết là sau trận đấu giao hữu thương mại vé bán hết sạch và kín sân Cẩm Phả, ban tổ chức sân (do công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh đứng ra thực hiện) đã “lại quả” 500 triệu đồng lại cho LĐBĐ VN với danh nghĩa là tài trợ bóng đá nhưng lạ một chỗ là tiền tài trợ đấy lại chuyển về Công ty Cổ phần Truyền thông Đời Sống Việt chứ không vào tài khoản VFF theo đúng danh nghĩa tài trợ bóng đá.
|
Sau trận đấu do ông Tuấn “đạo diễn” trên sân Cẩm Phả, Quảng Ninh, công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh đã “lại quả” tiền tài trợ cho bóng đá Việt Nam nhưng lại chuyển vào tài khoản khác chứ không phải tài khoản VFF (!?) |
Thật buồn khi ở Việt Nam thì có một quan chức chuyên đi săn ghế (và tất nhiên là nhận đủ phần từ những chức danh đấy) trong khi ở Thái Lan, cựu Tổng thư ký LĐBĐ Thái Lan Ong Art Kosingkha khi đương chức thấy giải vô địch quốc gia Thái Lan èo uột và ông này đã từ quan bỏ ghế để qua Anh học những nhà tổ chức Premier League suốt 2 năm trời rồi về lập công ty Thai-League (giống VPF ở Việt Nam) chịu trách nhiệm tổ chức Thai-League để rồi chỉ vài năm sau thì Thai-League thành một giải số 1 Đông Nam Á với mô hình như Premier League.
Cũng cần biết là chính nhờ Thai-League phát triển (cùng với điều kiện bắt buộc là mỗi CLB phải phát triển đúng tầm và đúng quy định bao gồm hệ thống đào tạo trẻ và các hệ thống chuẩn hóa của một CLB chuyên nghiệp) mà Thái Lan có nền tảng chắc chắn cùng những đội trẻ quốc gia vững mạnh lẫn đội tuyển chắc chắn.
Cứ so từng chức danh ở từng cái ghế mà ông Tuấn đang ngồi sẽ thấy vì sao những mảng đấy bóng đá Việt Nam không phát triển. Ông phụ trách ban bóng đá chuyên nghiệp mà giải chuyên nghiệp đá trên bàn và mua bán để trụ hạng khiến khán giả quay lưng, nhà tài trợ nản đòi chấm dứt hợp đồng; Ông phụ trách đội tuyển, phụ trách chiến lược nhưng bóng đá Việt Nam chẳng có chiến lược gì cả; Ông làm Chủ tịch Hội đồng HLV nhưng nhiều HLV giỏi có tay nghề đều rút lui không hợp tác vì ông áp đạt và không trọng chuyên môn của người có nghề…
Thế thì tại sao ông vẫn tại vị và cứ ngày càng nhiều ghế?
>> Bầu Đức lại gây sốc: VFF phạt bao nhiêu, tôi nộp bấy nhiêu
>> Nghi án hối lộ ở VFF: Cơ quan điều tra đã vào cuộc
Theo Huy Hoàng (Một Thế Giới)