Khát khao cháy bỏng
Qua nhiều kỳ dự tranh, bóng đá Việt Nam vẫn chưa một lần được hưởng niềm vui trọn vẹn ở các kỳ SEA Games. Thành tích cao nhất tới nay mới chỉ là chiếc HCB tại SEA Games 2009 (Lào). Trên đất Vientianne, đoàn quân của HLV Henrique Calisto đã tiến một mạch vào chung kết với phong độ ấn tượng, nhưng cuối cùng nhận thất bại đau đớn trước Malaysia, đội từng thua Việt Nam ở vòng đấu bảng.
Đấy là một kỷ niệm buồn chưa phai nhoà với nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Nguyên Chủ tịch LĐBĐVN (VFF) Nguyễn Trọng Hỷ, trong lúc “trà dư, tửu hậu” vẫn nói vui rằng, ông khi đó đã “mang cả bịch tiền thưởng” sang Lào chỉ để đợi thưởng cho đội tuyển U23 Việt Nam và ông Calisto.
Dù chỉ là cấp trẻ, nhưng môn bóng đá nam ở SEA Games luôn có sức cạnh tranh rất quyết liệt giữa các đội bóng. Chẳng phải thế mà rất nhiều đời HLV trưởng đội tuyển Việt Nam đã “bay” ghế sau thất bại tại các kỳ SEA Games. Có thể dẫn chứng như HLV Hoàng Văn Phúc ở SEA Games 2013 (Myanmar), hay trước đó là ông Falko Goetz vì thất bại ở SEA Games 2011 (Indonesia). HLV Falko Goetz khi ký hợp đồng với VFF đã được mô tả là “HLV ngoại hay nhất trong lịch sử” bóng đá Việt Nam.
Trước mỗi kỳ SEA Games, lãnh đạo ngành thể thao luôn đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm với VFF và đội tuyển U23 Việt Nam. Gần nhất tại SEA Games 29 (Malaysia), dù chỉ đặt ra chỉ tiêu vào tới trận Chung kết, nhưng lãnh đạo ngành thể thao không quên “nhắc” VFF, rằng mơ ước lớn nhất của người hâm mộ vẫn là chiếc HCV. Tuy nhiên sau đó, U22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Hữu Thắng đã bị loại ngay từ vòng bảng, dẫn tới việc ông Thắng phải từ chức ngay trên đất Mã.
Thầy Park né “lửa”?
Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam đã trải qua một năm thành công rực rỡ. Trong vòng hơn 12 tháng, ông Park đã đưa các ĐTQG đi từ hết thành công này tới thành công khác. Đầu tiên là vị trí Á quân VCK U23 châu Á 2018, rồi tới Bán kết Asiad 2018. Đỉnh cao chiến thắng của bóng đá Việt Nam là cúp vô địch AFF Cup 2018, đăng quang ngay tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, trước khi thầy trò ông Park tạo ấn tượng mạnh ở Asian Cup 2019 (UAE).
Tài năng của ông Park đã được khẳng định và hiển nhiên, giới hâm mộ ai cũng muốn ông Park tiếp tục đưa U22 Việt Nam giành thắng lợi ở SEA Games 30. Với việc VFF quyết định chấp thuận đề xuất của ông Park, để trợ lý Lee Young-jin nắm đội U22 Việt Nam tại SEA Games 30, đây có thể xem như một “canh bạc” mới.
Ông Lee Young-jin được mô tả là “cánh tay phải”, hay “khối có” của HLV Park Hang Seo. Ở cương vị trợ lý, ông Lee đã hỗ trợ đắc lực cho HLV Park Hang Seo ở các giải đấu nói trên, từ đánh giá đối thủ, lên kế hoạch tác chiến tới rèn quân…Tuy nhiên, trợ lý Lee lại thiếu yếu tố quan trọng nhất của người cầm quân, là tính chính danh.
Quyết định của VFF có thể giúp HLV Park Hang Seo, vốn đã gặt hái nhiều thành công suốt năm qua, giảm được áp lực của SEA Games 30. Theo giải thích của một quan chức VFF, ông Park trên thực tế vẫn hỗ trợ ông Lee ở SEA Games 30 với tư cách GĐKT đội. Như vậy về căn bản, U22 Việt Nam vẫn được dẫn dắt bởi một “team” cũ, không có gì thay đổi. Sự phân chia công việc này chỉ là cách để giải quyết kế hoạch hoạt động chồng chèo giữa U22 Việt Nam và ĐTQG, vốn phải dự tranh Vòng loại World Cup 2022 gần trùng thời điểm diễn ra SEA Games 30.
Nói là vậy nhưng rõ ràng, VFF cần một kế hoạch chi tiết để đảm bảo HLV Park Hang Seo vẫn phải chịu trách nhiệm chính với đội tuyển U22 Việt Nam. Đây là điều khoản trong hợp đồng và quan trọng hơn, ông Park mới chính danh để có thể quản lý tốt đội bóng.
Theo Nguyên Phong (Tiền Phong)