Họ có lần thứ 3 đăng cai Thế vận hội sau các năm 1900 và 1924. Nhờ vậy, thủ đô nước Pháp là thành phố thứ hai đăng cai tới 3 kỳ Thế vận hội sau London.
Thế vận hội tại Pháp sẽ chào đón 206 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng tham gia tranh tài. Dự kiến, sẽ có khoảng 10.500 vận động viên xuất hiện tại đây.
32 môn thể thao được đưa vào thi đấu ở kỳ đại hội năm nay, gồm nhiều môn tổ chức sớm. Từ ngày 24/7, các môn bóng đá , bóng bầu dục 7 người, bóng ném và bắn cung đã diễn ra.
Năm nay, có 1 môn thể thao mới là breakdance. Đây môn duy nhất ra mắt ở Paris. 16 VĐV nam tham gia nội dung B-Boy và 16 VĐV nữ tham gia nội dung B-Girl. Sẽ có 2 HCV cho môn này, với mỗi huy chương cho một hạng mục.
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự 10 môn thi đấu. Hiện tại, đã có lịch thi đấu cụ thể của 16 vận động viên.
Môn thi đấu sớm nhất là bắn cung. Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Lê Quốc Phong sẽ tranh tài vào ngày 25/7. Đó cũng là lý do Đỗ Thị Ánh Nguyệt trao lại vinh dự cầm cờ đoàn Việt Nam cho VĐV Nguyễn Thị Thật vì thời điểm cô thi đấu quá sát lễ khai mạc Thế vận hội.
Ngày 27/7, Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát sẽ thi đấu vòng bảng cá nhân. Tại môn Judo, Hoàng Thị Tình thi đấu vòng loại hạng dưới 48kg nữ; Phạm Thị Huệ thi đấu vòng loại môn rowing. Trịnh Thu Vinh thi đấu vòng loại 10m súng ngắn hơi nữ. Võ Thị Kim Anh và Hà Thị Linh thi vòng loại hạng 54kg, 60kg nữ môn boxing.
Sau đó 1 ngày, Lê Thị Mộng Tuyền thi vòng loại 10m súng trường hơi nữ môn bắn súng, trong khi Võ Thị Mỹ Tiên thi vòng loại 200m tự do nữ ở môn bơi.
Ngày 29/7 tiếp tục là môn bơi khi Nguyễn Huy Hoàng thi vòng loại 800m tự do nam. Đây là đại diện duy nhất của Việt Nam thi đấu trong ngày này.
Ngày 2/8, VĐV Trần Thị Nhi Yến thi vòng loại 100m nữ ở môn điền kinh. Trong khi đó ngày 4/8, Nguyễn Thị Thật tham gia nội dung đường trường cá nhân nữ môn xe đạp.
Và đến ngày 8/8, Trịnh Văn Vinh thi đấu hạng dưới 61kg môn cử tạ còn Nguyễn Thị Hương thi đấu vòng loại 200m thuyền đơn nữ môn canoeing.
Theo Đặng Lai (Tiền Phong)