Tại Olympic Tokyo 2020, Philippines gây bất ngờ khi trở thành đoàn thể thao có thành tích tốt nhất Đông Nam Á, với 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ. Thành tích này giúp Philippines phá thế độc tôn của Thái Lan, đoàn luôn dẫn đầu khu vực ở các kỳ Olympic trước đó trong thế kỷ 21.
Và tới Paris 2024, dù số VĐV không bằng một nửa Thái Lan (22 so với 51), tuy nhiên Philippines một lần nữa dẫn đầu Đông Nam Á với 2 HCV và 2 HCĐ.
Thứ hạng của Philippines ở Olympic khác hoàn toàn so với SEA Games. Cách đây hơn 1 năm, quốc gia này chỉ xếp hạng 5 chung cuộc với 58 HCV. Con số này khiến Philippines xếp dưới Campuchia (81 HCV), Indonesia (87 HCV), Thái Lan (108 HCV) và Việt Nam (136 HCV).
Tại SEA Games 31 trước đó, Philippines cũng chỉ giành 52 HCV, xếp thứ 4 toàn đoàn và bị Việt Nam bỏ xa với số HCV gấp gần 4 lần (205 HCV).
Vậy điều gì khiến Philippines lại có được vị thế đáng nể như vậy tại 2 kỳ Olympic gần nhất?
Thành công của Philippines trong 2 kỳ Thế vận hội vừa qua đến từ 3 môn thể dục dụng cụ, boxing và cử tạ. Carlos Yulo (TDDC) giành 2 HCV ở Paris 2024, Hidilyn Diaz (cử tạ) mang về 1 HCV tại Tokyo 2020, trong khi các võ sĩ boxing của Philippines giành tới 2 HCB, 3 HCĐ.
Philippines có thể không mạnh ở SEA Games bởi thua thiệt về những môn có nhiều bộ huy chương như điền kinh, bơi, vật, judo…, tuy nhiên họ vẫn luôn duy trì được vị thế tốp đầu thể giới ở những môn thể thao thế mạnh của mình. Số VĐV của dự Olympic Paris của Philippines chỉ nhiều hơn Việt Nam 6 người, nhưng thành tích đạt được lại lớn hơn rất nhiều.
Thành công của Carlos Yulo không đến một sớm một chiều. VĐV này bắt đầu được chú ý từ năm 2019 khi 19 tuổi với chức vô địch thế giới đầu tiên ở nội dung thể dục tự do, rồi từ đó trở thành niềm hi vọng vàng của Philippines trong mọi giải đấu lớn mà anh tham dự.
Để có thành công đó, Carlos Yulo đã bắt đầu tập TDDC từ năm 7 tuổi, rồi sang Nhật Bản tập luyện từ năm 16 tuổi trong 7 năm ròng rã. Tiềm năng của VĐV này được nhận thấy từ sớm, sau đó sự đầu tư xứng đáng đã mang đến trái ngọt cho thể thao Philippines.
Cùng với bóng rổ và TDDC, boxing cũng là môn thể thao quốc dân tại Philippines. Và rõ ràng nhìn vào thành tích ở 2 kỳ Olympic gần nhất, đây sẽ tiếp tục là "mỏ huy chương" của quốc gia này nếu được duy trì nguồn lực ngân sách tương xứng với tiềm năng.
Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore là những đoàn thể thao Đông Nam Á giành được huy chương tại Olympic Paris 2024.
Với Thái Lan, họ có Panipak Wongpattanakit (taekwondo, vừa bảo vệ thành công HCV hạng 49kg), có cử tạ, boxing, lại thêm sự bùng nổ của Kulavut ở môn cầu lông để giành HCB đơn nam.
Trong khi đó, Malaysia và Indonesia ở Olympic nào cũng có huy chương ở môn cầu lông. Đặc biệt, Indonesia năm nay còn "đi tắt đón đầu" với việc đầu tư cho môn leo núi thể thao để giành HCV trong lần đầu tiên môn này được đưa vào Olympic.
Còn với Singapore, đua thuyền buồm tiếp tục trở thành điểm tựa của thể thao nước này, với 14 HCV từng giành được ở Asiad (nhiều nhất trong số các đội thể thao Singapore), và giờ là tấm HCĐ Olympic.
Rõ ràng, những quốc gia này ngoài việc duy trì thành tích ở SEA Games còn luôn có được nội dung thế mạnh để tranh tài ở đẳng cấp châu lục và thế giới. Đây là điều mà thể thao Việt Nam còn thiếu, và có lẽ cần sớm nhìn nhận thật nghiêm túc. SEA Games vẫn là đấu trường nền tảng và quan trọng, tuy nhiên đi cùng với đó, việc tìm ra và đầu tư trọng điểm cho những nội dung đủ sức vươn tầm Asiad và Olympic cũng là điều hết sức cần thiết.
Theo Linh Đan (Nguoiduatin.vn)