Mới đây, Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic Paris 2024 đã chính thức khai mạc. Nhiều câu chuyện của những VĐV tham gia Thế vận hội dành cho người khuyết tật mang ý nghĩa truyền cảm hứng rất lớn về ý chí mạnh mẽ vượt lên nghịch cảnh, những khiếm khuyết về thể chất để tỏa sáng ở thể thao đỉnh cao. Chẳng hạn như chuyện của VĐV bơi lội Ali Truwit - người đã tìm lại tình yêu với đường đua xanh sau tai nạn kinh hoàng khi cô bị cá mập cắn đứt một chân.
Vào ngày 24/5/2024, Truwit khi ấy 24 tuổi, đã cùng bạn bè đi lặn biển ở vùng biển ngoài khơi Turks và Caicos. Dù lặn ở khu vực được cho là không có cá mập nhưng Truwit bất ngờ bị một con cá mập cắn đứt chân trái. Trong thời khắc kinh hoàng, Truwit đã cố gắng bơi khoảng 70m về hướng con thuyền cứu hộ. Cô được đưa đến bệnh viện nhanh chóng và máy bay trực thăng đưa về Miami, Mỹ. Truwit đã trải qua 2 ca phẫu thuật chống nhiễm trùng. Ca phẫu thuật thứ 3 được thực hiện tại New York vào đúng ngày sinh nhật 23 tuổi của nữ VĐV xinh đẹp, cô phải cắt cụt chân từ phần dưới đầu gối trở xuống, trở thành người khuyết tật.
Vì vụ tai nạn khủng khiếp đó, Truwit từ một VĐV bơi lội chuyên nghiệp đã trở nên sợ nước. Tuy nhiên, vượt qua những trở ngại tâm lý và cả thể chất, cô bắt đầu tìm lại tình yêu với đam mê bơi lội bằng việc bắt đầu lội nước ở hồ bơi sau nhà. Truwit cũng được đào tạo sử dụng chân giả và tập các bài tập sức mạnh, làm việc với các nhà trị liệu chấn thương. Nữ VĐV viết lại câu chuyện cuộc đời cô và chống lại những cơn ác mộng và nhờ sự quyết tâm của mình, hơn 1 năm sau, Truwit đã đủ điều kiện tham gia bơi tự do 100m, bơi tự do 400m và bơi ngửa 100m ở Thế vận hội Paralympic Paris 2024.
Truwit chia sẻ: "Ý nghĩ đầu tiên của tôi là liệu mình có bị điên không khi mình không có chân. Tôi đã nhìn vào câu chuyện của những VĐV khuyết tật khác để nuôi hy vọng táo bạo và phi thực tế - chiến đấu với cá mập, sống sót và mất đi một chân và rồi tham gia Thế vận hội dành cho người khuyết tật trong vòng một năm. Tôi không muốn nỗi sợ hãi chi phối cuộc sống của mình. Tôi đã mất mát đủ nhiều rồi và bất cứ thứ gì có thể lấy lại được, tôi đều sẽ chiến đấu để giành lại. Tôi không muốn mất đi một chân lại mất cả tình yêu của tôi với nước. Tôi càng cố gắng thì những hồi tưởng càng ít đi và nỗi đau cũng vơi đi. Tôi nghĩ việc nghe tên mình trong đội tuyển chỉ là lời nhắc nhở rằng: "Chúng ta đều mạnh mẽ hơn chúng ta nghĩ"".
Theo Thanh Hà (Phụ Nữ Mới)