Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ chỉ ra hầu hết thành phố trên thế giới sẽ có nhiệt độ cao tới mức không thể tổ chức Olympics vào mùa hè sau 70 năm nữa do hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Lễ rước đuốc Olympics Rio 2016 vào hôm 19/6. Ảnh: Bruno Kelly/Reuters. |
Theo Business Insider, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học California, Mỹ kết luận, trong vòng 70 năm tới, chỉ còn 8 thành phố ở Bắc bán cầu, bên ngoài Tây Âu có nhiệt độ phù hợp để làm chủ nhà Thế vận hội mùa hè. Đó là các thành phố St. Petersburg (Nga), Riga (Latvia), Bishkek (Kyrgyzstan), Ulaanbaatar (Mongolia), Calgary (Canada), Vancouver (Canada), và San Francisco (Mỹ), làm tăng thêm khó khăn cho công tác tổ chức.
"Biến đổi khí hậu sẽ ngăn cản Olympics phát triển", trưởng nhóm nghiên cứu Kirk Smith cho biết. "Nguyên nhân không chỉ vì mực nước biển dâng cao".
Smith và cộng sự rút ra kết luận này bằng cách phân tích bức xạ nhiệt, độ ẩm, nhiệt độ và dữ liệu gió từ hai mô hình khí hậu riêng biệt tập trung vào các khu vực có thể tổ chức Olympics. Từ đó, họ tạo ra một mô hình kết hợp gọi là nhiệt độ toàn cầu wetbulb (WBGT).
Sử dụng WBGT, các nhà nghiên cứu dự đoán nhiệt độ của những thành phố khác nhau ở Bắc bán cầu trong những thập kỷ tới. Những thành phố này đều có dân số trên 600.000 người, một trong những tiêu chuẩn bắt buộc để đăng cai Olympics mùa hè. Sau đó, nhóm nghiên cứu xem xét thành phố nào sẽ rơi vào nhóm 10% có nguy cơ phải hủy bỏ môn chạy marathon ngoài trời do nhiệt độ không an toàn trong tương lai.
Hiện tại, tiêu chí 10% đang được sử dụng để lựa chọn thành phố đăng cai vì marathon là môn thi đấu phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Việc hủy bỏ môn chạy marathon sẽ tác động mạnh đến các môn thi đấu khác.
"Nếu đã lên kế hoạch chi hàng tỷ USD để tổ chức một sự kiện, bạn chắc chắn không muốn phải hủy bỏ nó vào phút chót", Smith nói.
Từ những cơ sở này, nhóm nghiên cứu kết luận chỉ có 8 trong số 543 quốc gia ở Bắc bán cầu có điều kiện phù hợp để đăng cai tổ chức vào năm 2085.
"Tới 2085, Istanbul, Madrid, Rome, Paris và Budapest, các thành phố đang cạnh tranh để đăng cai Thế vận hội mùa hè năm 2020 và 2024 sẽ không đáp ứng đủ điều kiện", nhóm nghiên cứu nhận định. "Tokyo, thành phố đạt tiêu chuẩn tổ chức Olympics 2020 cũng sẽ trở nên quá nóng để đảm bảo an toàn cho các vận động viên vào thời điểm đó".
Ngoài 8 thành phố trên, 25 thành phố nhỏ hơn ở Tây Âu cũng đủ điều kiện. Các thành phố khác ở Mỹ Latinh và châu Phi hoàn toàn không thể đăng cai.
Theo nhóm nghiên cứu, kết quả này không chỉ cho thấy biến đổi khí hậu tác động tới riêng Olympic thế nào, mà còn có khả năng tác động tới đời sống xã hội.
"Biến đổi khí hậu buộc chúng ta phải thay đổi hành vi quen thuộc hàng ngày, bao gồm cả những việc nhỏ như cho trẻ nhỏ ra ngoài đá bóng hay chạy bộ. Về căn bản nó đang thay đổi thế giới", Smith nói.
Đây không phải là nhóm duy nhất nghiên cứu đề tài này. Vào tháng 5/2016, một nhóm nghiên cứu quốc tế khác tìm thấy bằng chứng chỉ ra biến đổi khí hậu có thể thúc đẩy một cuộc di cư ồ ạt từ Trung Đông và Bắc Phi vào năm 2065 bởi nhiệt độ khi đó sẽ đạt đến mức nguy hiểm.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là nghiên cứu lý thuyết qua mô hình và cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để kết luận chính xác hơn về thế giới trong tương lai.
Theo Thành Minh (VnExpress.net)