"Vậy là đội bóng Hà Tĩnh đã sắp ra đời. Mình là dân Hà Tĩnh nhưng ít mặn mà với đội bóng quê hương được xây dựng kiểu này vì chẳng có chút truyền thống nào..." - một độc giả báo mạng đã bình luận sau khi đọc được thông tin trên.
Thương hiệu của một đội bóng được đánh giá trên nhiều tiêu chí, như: sân vận động, số lượng thành viên, giá trị đội bóng, các sản phẩm truyền thông, thành công trên sân cỏ, mức độ làm hài lòng CĐV... Trong đó, tất nhiên không thể thiếu tiêu chí truyền thống và bề dày lịch sử.
Không phải ngẫu nhiên mà bóng đá được ví như là tôn giáo, là cuộc sống. Có môn thể thao nào đủ sức mạnh như bóng đá khi có thể khiến hàng triệu triệu người cùng cười hoặc cùng khóc, cùng hồi hộp, cùng căng thẳng và cùng hòa quyện vào nhịp đập của đội bóng mà họ yêu thích?
Với các CĐV trung thành, họ gửi khát vọng và tình yêu vào tên gọi của đội bóng. Với họ, bóng đá được cấu thành từ máu, mồ hôi và nước mắt. Do đó, đội bóng của họ nhiều khi cũng chính là gia đình thứ hai. Vì vậy, tên gọi của đội bóng là giá trị những cảm xúc, tình cảm mà CĐV dành cho.
Khi đã là tình yêu thì giá trị không nằm ở chỗ đội bóng đó, tên gọi đó đáng giá bao nhiêu tiền mà là bạn phải đến với nó bằng cả trái tim. Nói đơn giản, tên gọi của một đội bóng không phải là cái để mua, để bán. Tên gọi đó là giá trị lịch sử, là linh hồn. Thế nhưng, bóng đá Việt gần đây chứng kiến nhiều cuộc sang nhượng, thay tên đổi họ hiếm khi vì tình yêu bóng đá chân chính mà là tham vọng kiếm tìm thị trường mới!
Tình yêu không có lỗi nhưng những ai tạo ra những cuộc tình tréo ngoe được nảy sinh từ những cuộc mua bán mới có lỗi! Người hâm mộ thừa thông minh để cảm nhận và biết được rằng những toan tính tiền bạc này không xuất phát từ trái tim. Vì sao tên gọi của đội bóng và trái tim luôn song hành? Vì tên gọi của đội bóng đặt ngay vị trí trái tim ở phía trước mặt áo thi đấu của đội bóng. Cho nên, sẽ mất hầu như tất cả khi làm điều ngược lại.
Lịch sử bóng đá Việt Nam kể từ khi chuyển qua cái gọi là bán chuyên nghiệp rồi chuyên nghiệp đã chứng kiến không ít sự tan vỡ từ những câu chuyện mua bán tên gọi đội bóng như thế này, khi các ông chủ chỉ lợi dụng bóng đá để kinh doanh và không xây dựng từ gốc.
Trong 2 tháng 8 và 9-2018, theo thống kê từ Deportes & Finanzas (Tây Ban Nha), HAGL có lượng người xem trên YouTube nhiều nhất châu Á với 5,7 triệu lượt. Thậm chí, đến tháng 9, HAGL còn lọt vào tốp 8 thế giới. Vì sao lại thế khi thành tích của đội HAGL không thể so sánh với sức mạnh tuyệt đối của đội vô địch V-League cũng như các đội xếp phía trên?
Đơn giản vì ông Đoàn Nguyên Đức, ông chủ đội HAGL, là người làm bóng đá với cái tâm, làm vì người dân, vì tỉnh nhà Gia Lai nói riêng và Việt Nam nói chung. Những gì ông Đức nói về bóng đá dưới 2 tên gọi HAGL và Việt Nam là bằng trái tim và lời nói của ông luôn đi đôi với hành động.
Ông Đỗ Quang Hiển, ông chủ đội Hà Nội, sẽ chiếm một vị trí trang trọng hơn trong tim của người hâm mộ bóng đá Việt Nam nếu như chỉ tập trung đầu tư, xây dựng duy nhất tên gọi T&T Hà Nội rồi đưa nó lên đỉnh ở khu vực, châu lục sau khi đã giúp đội thực hiện liên tục những cú nhảy ngoạn mục: Từ đội ở Giải Hạng ba lên Hạng nhì, Hạng nhất và giờ đây là đội đương kim vô địch Việt Nam, đồng thời cung cấp bộ khung cho các đội tuyển Việt Nam từ U23, Olympic cho đến quốc gia.
Vậy tại sao ông Hiển chưa có được vị trí tương xứng trong tim người hâm mộ dù công lao của ông là không thể phủ nhận? Không khó để có câu trả lời nhưng rất khó để cho VFF và VPF giải quyết khi cả hai tổ chức này không tạo ra được hành lang pháp lý nhằm xóa bỏ nạn "mua, bán" trong môi trường còn toan tính của bóng đá Việt Nam.
Theo Hoàng Tú (Nld.com.vn)