Lukaku đã gây sức ép để được rời Inter Milan và trở lại Chelsea trong thương vụ 135 triệu USD vào mùa hè 2021. Anh phải hối hận khi rời Chelsea, bây giờ phải về lại Inter Milan vào mùa hè năm nay.
Một trong những lý do khiến cho Lukaku không thành công là anh thiếu sự hoà nhập ở Chelsea. Sự mâu thuẫn ngầm cũng là yếu tố quan trọng khiến cho Lukaku phải cuốn gói rời Chelsea sau một năm đầy thất vọng.
Federico Pastorello - người đại diện của Lukaku là nhân tố góp phần tạo ra sự mâu thuẫn. Ông lên báo chỉ trích Chelsea, qua đó châm ngòi cho sự việc ngôi sao người Bỉ có khoảng cách lớn với đội bóng, ban huấn luyện và người hâm mộ ở Chelsea.
Cách hành xử của Federico Pastorello rõ ràng chẳng giúp được gì cho Lukaku dù nhìn vào giống như sự bảo vệ. Tác dụng ngược đã xảy ra và kết quả Lukaku rời Chelsea để về lại Inter Milan bằng bản hợp đồng cho mượn vừa qua.
Một ví dụ để thấy rằng, ngay đến các ngôi sao thế giới cũng bị ảnh hưởng từ người đại diện. Họ có thể dễ dàng chửi, chỉ trích theo kiểu như muốn tất cả biết rằng: Tôi đang làm mọi cách bảo vệ cho cầu thủ. Nhưng vế còn lại là gì?
Cầu thủ bị ghét thì sự tiêu cực lây lan đến đội bóng. Vì hình ảnh cầu thủ là một phần của đội bóng, đặc biệt ngôi sao càng dễ khiến cho đội bóng bị kéo theo những hệ luỵ xấu. Không ông chủ CLB, hay HLV nào muốn có một “quả bom nổ chậm” trong đội bóng.
Đó là lý do khi một cầu thủ bị ghét vì lý do ngoài chuyên môn. Ví dụ anh ta mắc sai lầm thì ngay lập tức trở thành chủ đề cho dư luận khai thác theo nhiều hướng và tạo ra áp lực lớn. Đơn giản, cầu thủ này là tâm điểm của sự tranh cãi, tranh luận và thu hút người hâm mộ về mặt trái.
Dĩ nhiên, cầu thủ càng ồn ào thì dễ nổi tiếng. Đồng nghĩa có yếu tố thương mại với các bản hợp đồng quảng cáo. Nhưng sự nghiệp một cầu thủ phải khẳng định bằng chuyên môn. Anh ta đá hay thì được khen, dở phải dự bị và sai lầm bị chê. Đó là quy luật cho người nổi tiếng chứ không phải riêng giới cầu thủ.
Câu chuyện kể trên phản ánh một vấn đề lớn của cầu thủ, đặc biệt là các cầu thủ trẻ mới nổi tiếng và chưa trải nghiệm về áp lực dư luận. Nếu họ không đủ tỉnh táo sẽ giao mọi thứ cho người đại diện và những rắc rối bên ngoài sẽ đánh sập, hoặc kéo lùi sự nghiệp. Đây là trường hợp dành cho các cầu thủ có những người đại diện thích dựng chuyện, gây chuyện và tạo ra sự xung đột làm ảnh hưởng đến cầu thủ.
Đúng hơn, một người đại diện tạo ra nhiều tác động tiêu cực thì dễ xảy ra một cuộc chiến ngầm với truyền thông, người hâm mộ lẫn đội bóng. Nhưng họ không phải là người trực tiếp đương đầu và bị ảnh hưởng, còn cầu thủ chính là nhân vật bất đắc dĩ phải tham chiến.
Một nhà môi giới lâu năm - ông Nguyễn Minh Châu đúc kết: “Làm đại diện cho những cầu thủ nổi tiếng thì dễ lắm, ai làm cũng được cả. Xe ôm, xe thồ, ba gác, bà bán cháo lòng… vào làm cũng được. Bởi các cầu thủ này đã có tên tuổi, có đẳng cấp, có thương hiệu rồi… Dễ lắm, dễ đàm phán, dễ giao ước, dễ ký kết.
Cái khó của nghề đại diện cầu thủ là làm sao tìm được công việc cho các cầu thủ đã luống tuổi, đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp.
Chưa có một cái nghề nào trên thế giới mà khi con người ta sau 30 tuổi bị gọi là già, chỉ có nghề cầu thủ bóng đá mà thôi. Bạc lắm”.
Lukaku là một bài học lớn mà ngay đến các cầu thủ Việt Nam cũng cần tham khảo. Bởi không phải ai cũng bảo vệ cầu thủ theo kiểu nghĩ cho thân chủ, khi công việc của họ về bản chất là kiếm tiền từ chính các bản hợp đồng và giá trị hình ảnh cầu thủ.
Theo Hoài Anh (Saostar.vn)