Những hình ảnh phi thể thao đã biến trận chung kết bóng đá nam SEA Games 32 trở thành trận đấu nhiều bạo lực nhất trong lịch sử các kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á. Hàng loạt tờ báo, không chỉ ở Đông Nam Á đã phải ngỡ ngàng vì loạt diễn biến không tưởng trên sân Olympic.
Sự căng thẳng giữa được – mất (HCV) khiến không còn chỗ cho vẻ đẹp bóng đá, nhất lại là sân chơi trẻ. Thay vào đó là những cái đầu nóng của U22 Indonesia và Thái Lan sẵn sàng lao vào nhau ăn thua đủ, cả thầy lẫn trò tạo nên màn hỗn chiến khó tin ở một trận chung kết.
Và đây dường như đã trở thành một nét đặc trưng trong những lần chạm trán giữa hai nền bóng đá nhiều duyên nợ này. Trước đó trong quá khứ, Indonesia và Thái Lan cũng từng không ít lần ẩu đả với nhau ở chung kết hoặc bán kết các giải đấu cấp khu vực.
Gần đây nhất, tại bán kết SEA Games 31 năm ngoái, U23 Thái Lan và Indonesia cũng có trận đấu nhuốm màu bạo lực khiến trọng tài chính Al Mulla phải rút tổng cộng 4 thẻ đỏ, trong đó 3 thẻ dành cho Indonesia và 1 thẻ dành cho Thái Lan.
Chứng kiến các học trò của HLV Shin Tae-yong "thi triển kungfu" trên sân Thiên Trường, chính các CĐV Indonesia cũng phải thừa nhận những pha vào bóng thô thiển không cần thiết của đội nhà là "đáng xấu hổ".
Xa hơn nữa, tại bán kết bóng đá nam SEA Games 1977 diễn ra ở Malaysia, trọng tài Othman Omar truất quyền thi đấu 2 cầu thủ Indonesia vì vào bóng thô bạo với đồng nghiệp Thái Lan. Nhưng chừng đó là chưa đủ tính răn đe để làm nguội đi những cái đầu nóng.
Đến phút 60, bạo lực leo thang khi cầu thủ hai đội lao vào đánh nhau, buộc trọng tài Othman Omar phải cho dừng trận đấu. Ủy ban kỷ luật giải sau đó xử Thái Lan thắng cuộc vì Indonesia đã có những hành động phi thể thao trong trận đấu.
Nhưng tất cả đều phải "chào thua" về mức độ bạo lực trước trận chung kết năm nay. 7 thẻ đỏ và 12 thẻ vàng cũng là kỷ lục về số thẻ trong một trận chung kết môn bóng đá nam, kể từ khi môn bóng đá nam SEA Games giới hạn độ tuổi U22 hoặc U23.
Bảo Ngọc (SHTT)