Thoạt nhìn vào tỷ lệ kiểm soát bóng 56,5% - 43,5% nghiêng về phía U23 Iraq, có lẽ nhiều người không theo dõi trận đấu này sẽ nghĩ rằng U23 Thái Lan chơi phòng ngự phản công như cái cách mà HLV Park Hang-seo từng cùng U23 Việt Nam lẫn đội tuyển Việt Nam dùng để đối đầu với những đội bóng hàng đầu châu Á. Song không phải vậy, tỷ lệ kiểm soát bóng ấy thậm chí là... hơi nhiều với Thái Lan, trong trận đấu mà họ dẫn trước đối thủ từ khá sớm.
Thực tế diễn biến trên sân cho thấy U23 Thái Lan nhập trận với lối chơi kiểm soát bóng bằng sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1, như cái cách mà HLV Troussier dùng với đội tuyển Việt Nam. Cùng chọn lối chơi kiểm soát, song sự khác biệt rõ ràng nhất của U23 Thái Lan là họ triển khai được bóng trên phần sân đối phương, thay vì chỉ kiểm soát tốt ở phần sân của mình như các học trò của HLV Troussier.
Dĩ nhiên trước đối thủ mạnh, sau khi có bàn thắng dẫn trước, "Voi chiến" chọn lối chơi lùi lại, buộc đối phương phải dâng cao tấn công để tạo ra những cơ hội phản công cho mình là điều hoàn toàn hợp lý, và nó được cụ thể hóa bằng bàn thắng ấn định tỷ số 2-0 ở phút 65, song điểm nhấn của trận đấu chính là hàng thủ của U23 Thái Lan chơi cực tốt, đồng thời hàng tiền vệ giữ vững được khu vực giữa sân trước sức ép của đối phương, trong khi hàng công quá xuất sắc ở những pha kết thúc.
Với trận thắng này, U23 Thái Lan cho thấy trước các đối thủ mạnh, không nhất thiết phải chọn lối chơi có phần "tiêu cực", mang nặng tính may rủi mà HLV Park Hang-seo từng làm nên tên tuổi cùng bóng đá Việt Nam. Quả tình, HLV Troussier cũng đã chọn cách chơi hiện đại như của bóng đá Thái Lan hiện tại, và từng suýt nữa thành công.
Trận đội tuyển Việt Nam gặp Iraq ở vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, trước đối thủ nằm trong top 5 châu Á, các học trò của HLV Troussier đã chơi một trận cực kỳ kiên cường, và chỉ cách một trận hòa xuất thần chỉ tính bằng giây. Bàn thua ở phút 90+7 khiến đội tuyển Việt Nam phải nhận trận thua sít sao nhưng đau đớn, và quan trọng nhất là che mờ đi những gì ông thầy người Pháp đang làm được cho bóng đá Việt Nam.
Dù vậy, không thể nói rằng HLV Troussier đã đúng. Cái sai lớn nhất của ông là khoác lên người các học trò của mình một "chiếc áo" quá rộng so với trình độ của cầu thủ Việt Nam đang chơi ở đấu trường V.League - giải đấu có trình độ còn tụt lại khá xa so với Thai League của Thái Lan.
Cái cách mà ông thầy người Pháp loại Hoàng Đức, rồi Quang Hải trong những trận cầu quan trọng, thậm chí mang tính "sinh tử" của đội tuyển Việt Nam cho thấy với những cầu thủ được coi là trụ cột của bóng đá nước nhà này, có vẻ như triết lý bóng đá kiểu "cửa dưới" của HLV Park Hang-seo còn ảnh hưởng khá sâu, để rồi sẽ bị "lệch pha" khi ghép vào chiến thuật và triết lý của HLV Troussier. Và điều quan trọng nhất là sự kém cỏi của lứa cầu thủ trẻ hiện tại.
Dưới triều đại của nhà cầm quân người Pháp, các học trò của ông - nhất là các cầu thủ trẻ, thường xuyên phạm phải những lỗi cá nhân ở những tình huống quyết định của những trận đấu quan trọng. Từ pha kéo áo của Thanh Bình trong trận gặp Indonesia, cho đến cú phi chân vào gáy đối thủ của Khuất Văn Khang, rồi quả phạt đền hay sai lầm ấu trĩ ngay trước vạch vôi cầu môn của Minh Trọng đều cho thấy sự non nớt và mất tập trung, nghiệp dư của các cầu thủ trẻ Việt Nam. Trong khi đó Đình Bắc với bàn thắng ghi được vào lưới Nhật Bản, đã vội cho rằng mình sánh ngang Quang Hải, Hoàng Đức.
Suốt cả triều đại huy hoàng của HLV Park Hang-seo, chưa một lần đội tuyển Việt Nam thắng nổi Thái Lan ở một giải đấu chính thức, và ở hai kỳ AFF Cup gần nhất, các học trò của nhà cầm quân người Hàn Quốc đều chịu thua "tâm phục khẩu phục" trước đối thủ hàng đầu khu vực này.
Cũng khá dễ hiểu bởi không chỉ Thai League vẫn hơn V.League vài bậc, mà còn bởi trong khi các cầu thủ Thái Lan đang thành công với những chuyến xuất ngoại "ra biển lớn" của mình, thì bóng đá Việt Nam vẫn đang thất bại toàn tập từ châu Âu cho đến chính Thai League. Trong khi đó cầu thủ duy nhất của Việt Nam đang thi đấu ở nước ngoài thì vẫn miệt mài mài đũng quần trên ghế dự bị suốt hơn một năm qua.
Tiếc khi vì sức ép của dư luận, VFF đã sai lầm khi để HLV Troussier phải ra đi khi đang nỗ lực định hình lối chơi hiện đại, giúp bóng đá Việt Nam thoát khỏi tư tưởng "cửa dưới" với lối chơi rình rập, bất chấp vì thành tích. Song nói cho cùng với một nền bóng đá còn rất thiếu sự chuyên nghiệp và nỗ lực như Việt Nam hiện tại, cuộc chia tay với ông thầy người Pháp chỉ là sớm muộn mà thôi, bởi phải còn một khoảng cách rất dài mà "cuộc cách mạng" của HLV Troussier không thể lấp đầy để đưa bóng đá Việt Nam đuổi kịp Thái Lan.
Theo Vân Phong (Nguoiduatin.vn)