Alexander Đặng có lẽ chính là trường hợp được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua. Cầu thủ sinh năm 1990 này sở hình tốt với chiều cao 1m85, từng giành danh hiệu Vua phá lưới hạng nhất Na Uy mùa bóng trước. Alexander Đặng có bố là người Việt Nam tên Đặng Duy Hiếu, mẹ người Na Uy theo họ chồng là Dang June Larsen. Cầu thủ này cũng có tên tiếng Việt là Trường.
Theo ông Hiếu, có ít nhất 2 CLB chuyên nghiệp ở giải VĐQG Na Uy ngỏ lời và Nest-Sotra IL cũng muốn bán vì chỉ còn 1 năm hợp đồng nhưng con trai ông chỉ muốn gần gia đình và hướng về quê hương khoác áo ĐT Việt Nam.
“Tôi đã nói với Trường lâu rồi, nếu về việt nam đá cho đội tuyển quốc gia thì phải chơi cho tốt vì phải hòa nhập với môi trường mới, còn không thì đừng về. Đó là ấp ủ của tôi từ lâu và rất hy vọng con mình cống hiến cho màu cờ sắc áo quê hương, bởi đó là điều rất thiêng liêng”, ông Hiếu chia sẻ với Thanh Niên.
Về phần mình, chàng trai từng học taekwondo giống siêu sao Ibrahimovic khẳng định sẵn sàng đổ máu vì chiếc áo đấu có cờ đỏ sao vàng trên ngực.
“Về thi đấu cho ĐT Việt Nam là giấc mơ lớn của tôi và cũng là điều ba tôi mong đợi lâu nay. Tôi cũng chưa được ai đề nghị về điều này, nhưng tôi cảm nhận là cơ hội đang mở ra. Ba và tôi ít nói chuyện về bóng đá nhưng tôi đem chuyện có phóng viên Việt Nam muốn kết nối kể với ba, lúc đó tôi nhận ra ông thực sự hào hứng.
Tôi biết ĐT Việt Nam luôn có đông fan hâm mộ, tôi cũng muốn trở thành một phần của tập thể đó. Vòng loại World Cup sắp đến, tôi rất mong được cùng Việt Nam thi đấu. Số lượng đội dự VCK World Cup có thể lên đến 48, tại sao không nghĩ rằng chúng ta có thể lần đầu tiên đá ở sân khấu vĩ đại này nhỉ? Tôi đã xem tuyển Việt Nam chơi rất hay tại Asian Cup 2019 với thứ bóng đá rất hiệu quả. Điều đó giúp tôi có thêm động lực để trở về Việt Nam”, Trường nói chắc nịch với Thanh Niên.
Trong khi đó, thủ môn đang chơi rất hay tại giải VĐQG Czech là Filip Nguyễn cũng rất khát khao được khoác áo ĐT Việt Nam và sẵn sàng cạnh tranh cùng Đặng Văn Lâm.
Từng về Việt Nam thử sức năm 2016 nhưng không thành công, Filip Nguyễn đang thi đấu vô cùng xuất sắc trong màu áo CLB Liberec Slovan. Thủ môn sinh năm 1992 có thể hình đẹp (cao 1m91) và được đào tạo bài bản tại Học viện Bóng đá ABC Branik Praha trước khi được đăng ký trong đội 1 của Sparta Praha.
Trên chuyên trang chuyển nhượng Transfermarkt, Filip Nguyễn được định giá 450.000 euro. Sau 19 trận cho Liberec Slovan, anh chỉ để thủng lưới 12 bàn và có đến 10 trận giữ sạch mành lưới.
“Tôi vẫn muốn được trao cơ hội khoác áo ĐT Việt Nam. Tôi đang cố gắng xin được quốc tịch Việt Nam và lên kế hoạch trở về quê hương vào tháng 6 tới. Hy vọng cánh cửa lần này sẽ mở ra”.
Ngoài ra, Filip Nguyễn cũng nhận được sự tư vấn của người bạn Mạc Hồng Quân và có sự chuẩn bị tâm lý sẵn sàng về khác biệt văn hóa có thể gặp phải khi về nước thi đấu.
Filip Nguyễn có quê nội ở Hải Phòng và cũng đã vài lần đi khắp dọc chiều dài Tổ quốc để cảm nhận văn hóa và con người Việt Nam.
Anh chia sẻ trên Thanh Niên: “Chưa bao giờ tôi khát khao được thử sức ở đội tuyển như lần này. Tôi tin là mình đã vững vàng và đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với Đặng Văn Lâm. Chính bố tôi đã dạy tiếng Việt và khơi dậy giấc mơ tìm về quê hương chơi bóng và giúp tôi lấy quốc tịch Việt Nam. Tôi rất mong HLV Park Hang-seo cho tôi một cơ hội để tự khẳng định mình”.
“Tôi đã đặt vé máy bay về Việt Nam đầu tháng 6, bất chấp khả năng được tuyển Czech gọi còn cao hơn về Việt Nam. Tôi rất hy vọng một cú phone hay một lá thư gửi qua email từ VFF cho tôi cơ hội thử sức cống hiến cho quê hương. Nếu tôi chơi không tốt thì cũng chẳng có gì phải hối hận cả”.
Một trường hợp cầu thủ Việt kiều hiện đã trở về nước và thi đấu cho CLB Phố Hiến ở giải hạng Nhất. Đó là Việt kiều Úc Martin Lô, sinh năm 1997, lớn lên ở Úc nhưng có bố mẹ đều là người Việt Nam.
Dù chỉ cao 1m68, nhưng tiền vệ Martin Lô được HLV Hứa Hiền Vinh của Phố Hiến đánh giá rất cao cả về kỹ thuật lẫn tư duy chơi bóng.
“Chỉ cần cho Martin thêm ít thời gian, cậu ấy sẽ đạt phong độ cao vì cũng mới từ Úc sang Việt Nam. Trong lăng kính của tôi, Martin hoàn toàn có khả năng cạnh tranh vị trí tiền vệ trung tâm với các tuyển thủ U.22 Việt Nam khác. Hãy cho Martin một cơ hội. HLV Park Hang-seo đã tận mắt xem Martin thi đấu và biết đâu ông ấy nhìn ra ở Martin điều gì đó phù hợp. Dĩ nhiên, Martin còn phải cải thiện về thể lực để thích ứng được với khí hậu Việt Nam, vốn rất khác Úc”, ông Vinh cho biết.
Về phía Martin, cầu thủ này cũng có tự trải lòng về mình: “Tôi họ Lô, bố tôi là Lô Văn Hùng còn mẹ mang họ Nguyễn. Gia đình tôi có 5 anh chị em. Tôi sinh ra, lớn lên tại Úc, chơi bóng đá nghiệp dư từ năm 7 tuổi. Năm tôi 11 tuổi, có một số đội bóng ở Úc thấy tôi đá tốt nên có ý định đưa tôi lên đá ở giải vô địch quốc gia Úc là A-League. Nhưng bố lại hướng tôi về Việt Nam, yêu cầu tôi xem đội U.19 Việt Nam và U.23 Việt Nam thi đấu ở các giải quốc tế. Công nhận là các bạn cùng trang lứa chơi rất ấn tượng và lại được khán giả Việt Nam ủng hộ nhiệt tình nên tôi quyết định trở về Việt Nam thi đấu với hy vọng một ngày nào đó lọt vào mắt xanh của BHL đội tuyển quốc gia hoặc U23”.
Martin kể tiếp: “Hồi mới về, các HLV nước ngoài từng làm việc ở Việt Nam bảo tôi đến PVF vì ở đây có cơ ngơi quá lý tưởng để phát triển sự nghiệp. Tôi thực sự hứng thú khi nhanh chóng được tập luyện ở môi trường quá lý tưởng này và được chọn đá giải hạng nhất Việt Nam. Tôi đã cố gắng hoàn tất mọi thủ tục để được mang quốc tịch Việt Nam song song với quốc tịch Úc. Vì thế nếu được một lần khoác áo đội U22 Việt Nam, tôi sẽ vô cùng sung sướng và tự hào. Tôi biết cơ hội sẽ không dễ dàng mà cực kỳ khó khăn nên đòi hỏi tôi càng phải nỗ lực hết mình, phải phát huy năng lực một cách tốt nhất, ghi được nhiều bàn thắng hơn. Qua đó sẽ lọt vào mắt xanh của thầy Park”.
Ngoài các trường hợp trên, còn rất nhiều tài năng Việt khác đang chơi bóng tại châu Âu như Jason Quang Vinh Pendant (Sochaux, hạng nhất Pháp), Florentin Pham (Phạm Huy Tiến, Steaua Bucharest, Romania), Danny Nguyen (Willem II, Hà Lan)... hoặc đã tìm về quê hương như Davide Nguyễn (Bình Dương), Adriano Schmidt (Hải Phòng), Boby Lương Nguyên Bảo (Viettel)... đều bắt đầu quan tâm khả năng cống hiến cho đội tuyển. Dù vậy, việc bóng đá Việt Nam có tận dụng nguồn lực dồi dào này hay không sẽ còn phải chờ câu trả lời ở tương lai.
Âu Bằng (SHTT)