Năm 1965, nhà văn Duyên Anh từng dùng hình mẫu của Đại Ca Thay để làm nên nhân vật Trần Đại trong tiểu thuyết "Điệu ru nước mắt" của mình. Cuốn tiểu thuyết ra mắt, Đại Ca Thay đọc xong nổi giận đùng đùng, ra lệnh cho đàn em đi "luộc" nhà văn, làm Duyên Anh phải sợ mất mật, còn không kịp xếp quần áo, dông thẳng một mạch lên Đà Lạt trốn, mãi đến khi Đại Ca Thay bị tống giam ra đảo Phú Quốc thì mới dám quay về.
Sở dĩ như vậy, là bởi theo Chà Và Hương - vốn là bạn chí thân của Đại Ca Thay, kể vào những ngày cuối đời, thì cái kết dành cho nhân vật Trần Đại trong tiểu thuyết của Duyên Anh là chết do bị điện giật khi trèo tường vào thăm người yêu. Chi tiết ấy đã lấy không biết bao nhiêu nước mắt của độc giả lẫn khán giả sau khi tác phẩm văn học ấy được dựng thành phim, song với những giang hồ thứ thiệt như Đại Ca Thay hay Chà Và Hương, nó là điều không thể chấp nhận được.
Là bởi, giang hồ nghĩa khí thì không chết "lãng xẹt" như vậy được. Hai năm sau ngày cuốn tiểu thuyết ấy được xuất bản, nhân vật của nhà văn Duyên Anh - Đại Ca Thay, chết thật. Cái chết ấy đến khi tay trùm giang hồ Sài Gòn này vược ngục Cửa Sừng ở Phú Quốc. Cái chết ấy rất bí hiểm, bao trùm quanh nó là rất nhiều giai thoại được thêu dệt. Cái chết ấy được huyền thoại hóa, đúng chất của một giang hồ nghĩa khí thứ thiệt.
Đấy mới là cái chết mà không những Đại Ca Thay hay Chà Và Hương, mà cả giới giang hồ xưa đã hình dung ra kể từ khi chọn đặt chân vào con đường "hắc đạo".
Một người bạn thân khác từ thuở thiếu thời của Chà Và Hương là Cà Na - võ sĩ lừng danh một thời, hay Sáu Nhỏ - người anh em thân thiết của "lãng khách" một thời này, cũng chọn cho mình những cái chết đậm chất giang hồ, khi ngã xuống trước họng súng của đối phương.
Chà Và Hương sống nghĩa khí, giang hồ. Dù cho đã rút chân khỏi giới giang hồ, rửa tay gác kiếm, nhưng ông luôn ý thức được cái chết của mình không thể "lãng xẹt" như nhân vật Trần Đại trong "Điệu ru nước mắt" được.
Ông không chọn con đường vượt biên, bởi yêu quê hương mình, nhưng cũng là bởi không thể chấp nhận một cái chết chìm nghỉm giữa biển khơi như không ít những đồng môn, học trò cùng thời của mình. Khi vợ ông đã xuất cảnh, muốn đưa ông sang Mỹ, ông cũng nhất mực từ chối, bởi không chấp nhận nổi cảnh gửi nắm xương tàn nơi đất khách quê người.
Từng có lần ở Đà Lạt, khi Đại Ca Thay bị đánh, đuổi chém suýt mất mạng, Chà Và Hương thân quấn nửa cái chăn - để chống bị dao đâm, dắt cây mã tấu 6 tấc trong người một mình đi tìm kẻ thù để thanh toán. Nhát dao ngày ấy vung lên, thì máu phải đổ.
Nhát dao cuối cùng võ sư Ngô Văn Hương - lão giang hồ Chà Và Hương, vung lên cuối cùng, máu đã đổ. Nhưng lần này là máu của chính ông. Nhát dao ấy đã đưa cuộc đời ông vào cái kết bi thương, nhưng đậm chất giang hồ như chính dòng máu chảy trong người ông vậy.
Có rất nhiều sự đồn đoán xung quanh cái chết của Chà Và Hương - cái chết vì tự vẫn. Sự thật là gì?
Sự thật chỉ có một, đó là những ngày cuối đời, cơn bạo bệnh không chỉ khiến Chà Và Hương đau đớn, mà còn tốn rất nhiều tiền. Trung bình mỗi ngày, tiền thuốc của ông lên đến con số hơn 2 triệu đồng.
Người con nuôi, cũng là dân võ mà ông đang ở cùng phải bán lắc tay bằng vàng đi, để mua thuốc cho ông, rồi bán chiếc xe hơi 7 chỗ để chữa bệnh cho ông. Và đúng lúc người con nuôi ấy đang tính bán cả bãi xe - là nơi ông đang tá túc, cũng là nơi các đệ tử của ông dạy võ, ông đã vung con dao thủ sẵn dưới gối để kết liễu cuộc đời, để người con nuôi đầy nghĩa tình, nghĩa khí không phải tán gia bại sản vì mình.
Giới võ thuật TP.HCM sững sờ, rồi tiếc thương cái chết của Chà Và Hương. Họ tiếc một võ sĩ đấu đài bất bại, một võ sư tâm huyết với võ thuật Việt Nam. Nhưng vẫn còn những người từng đi qua những ngày cũ trước 1975, từng được biết, được đọc về giang hồ Sài Gòn, họ tiếc thương ông, và cảm động về cái nghĩa khí giang hồ chảy trong huyết quản của ông.
Với bức màn bí mật xung quanh cái chết của mình, cái chết được huyền thoại hóa, Đại Ca Thay được giới giang hồ Sài Gòn ví với con phượng hoàng bất tử. Với cú vung dao cuối cùng của mình, Chà Và Hương hôm nay cũng là một con phượng hoàng bất tử vậy.
Theo Kim Thiền (Pháp luật và Bạn đọc)