Hai ngày liên tiếp gặt vàng, Nguyễn Thị Oanh khép lại SEA Games 31 với 3 HCV cá nhân: 1.500 m, 5.000 m và 3.000 m. Riêng HCV cuối cùng thì Oanh phá kỷ lục SEA Games với thành tích 9 phút 52 giây 46. Kỷ lục cũ do chính Nguyễn Thị Oanh nắm giữ là 10 phút 00 giây 02.
Ba kỳ SEA Games với 8 HCV, Nguyễn Thị Oanh thực sự làm rạng danh điền kinh Việt Nam ở khu vực. Oanh còn có 1 huy chương đồng ASIAD, 1 HCV và 1 HCB Asia Beach Games.
Bảng vàng trong sự nghiệp và những tấm HCV SEA Games của Nguyễn Thị Oanh được ví như câu chuyện cổ tích. Khi cô gái này có biệt danh “hạt tiêu” với chiều cao khiêm tốn 1,53 m. Nhưng Oanh đã làm dậy sóng đường chạy trong suốt 7 năm qua.
Cô gái sinh năm 1995 có gia cảnh nghèo khó. Oanh sinh ra trong gia đình có tới 8 anh chị em ở Bắc Giang. Nhà Oanh nghèo nên em phải làm nhiều việc ngay từ nhỏ để giúp đỡ bố mẹ.
Cuối năm 2014, Nguyễn Thị Oanh đối diện với biến cố trong sự nghiệp khi mắc bệnh viêm cầu thận. Ở tuổi 21, Oanh đang đầy khát vọng hướng đến những thành công thì sự nghiệp phải gián đoạn, thậm chí có nguy cơ bỏ đường chạy.
Bằng ý chí và nghị lực phi thường thì Nguyễn Thị Oanh trở lại với đường chạy trước sự thán phục của mọi người. Oanh gây sốt với cú đúp HCV ở hai nội dung 1.500 m và 5.000 m. Lúc đó, giới chuyên môn nhận xét là sự phi thường của cô gái Bắc Ninh.
Hai năm sau, SEA Games 30 dậy sóng với cú hattrick vàng của Oanh. Khi cô gái cao 1,53 m thắng cả 3 nội dung và phá kỷ lục 3.000 m với thành tích 10 phút 00 giây 02.
Sau hai kỳ SEA Games làm rạng danh điền kinh Việt Nam ở khu vực, Nguyễn Thị Oanh tái khẳng sự phi thường với 3 HCV ở SEA Games 31 ngay tại Việt Nam. Oanh nói rằng, đây là cột mốc lớn trong sự nghiệp và niềm vui lớn nhất là khi vượt qua được chính bản thân mình.
Với Nguyễn Thị Oanh, đường chạy là đường đời. Và chiến thắng lớn nhất là Oanh vượt qua bệnh tật để tiếp tục chạy, sau đó bước qua giới hạn bản thân để trở thành “nữ hoàng” Đông Nam Á.
Xin được ngả mũ với cô gái “hạt tiêu”, tuy không cao nhưng khiến cả Đông Nam Á ngước nhìn. Sự thành công của Oanh chính là tấm gương vượt qua chính mình trong thể thao, đúng với câu nói “ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.
Theo Văn Nhân (Saostar.vn)