Có những bàn thắng mà đặt thủ môn đối phương vào thế chỉ biết ngẩn ngơ mà ngắm nhìn. Bàn thắng mở tỷ số Cheryshev vào lưới thủ thành Subasic ở phút 31 là một bàn thắng như thế.
Nhận đường đập tường của Dzyuba, cầu thủ số 6 của Nga mất một nhịp gạt bóng chếch sang trái khiến cầu thủ phòng ngự đối phương lỡ đà rồi tung một cú sút từ cự ly khoảng 25m. Bóng vẽ một đường cong nhẹ trên không trung, đi vào góc cao bên trái khung thành Croatia trong sự ngẩn ngơ của thủ thành Subasic. Một bàn thắng tuyệt đẹp.
Trên khán đài, nữ tổng thống Croatia - Kolinda Grabar-Kitarovic nhoài người chìa tay sang bắt tay thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Đơn giản, cả hai vị lãnh đạo ngoài sự lịch sự mang tính ngoại giao, còn là sự thán phục một bàn thắng đơn giản mà đẹp, như nét đẹp chân thực của bóng đá vậy.
Pha ghi bàn ấy không phải là vẻ đẹp duy nhất trên sân Fisht đêm nay. Sau những màn ăn vạ tai tiếng của Neymar, của Mbappe - những siêu sao hàng đầu thế giới, người ta thấy ở đây sự mã thượng, tinh thần fair play đúng nghĩa của bóng đá. Bị phạm lỗi, cầu thủ hai đội lập tức đứng lên, giữa họ chỉ có những cái bắt tay cảm thông, chứ chẳng hề có những màn gào thét, lăn lộn điên cuồng.
Nói vậy, không có nghĩa trận đấu này không chứa đựng nhiều sự căng thẳng, nhưng nó là sự căng thẳng ở sự toan tính theo chuyên môn thuần túy. Croatia chơi chậm, nhưng kiểm soát bóng chắc để tạo dựng thế trận áp đảo từ từ, đẩy người Nga về phía khung thành của mình. Và khi đội Nga có bàn thắng trước trong tình huống xuất thần ấy, cũng là lúc Croatia đẩy nhanh nhịp độ.
Tám phút sau, bàn gỡ hòa đến. Đấy cũng là một bàn thắng đơn giản, nhưng đẹp. Chỉ có Mandzukic và Kramaric trong pha tấn công đối đối với 5 cầu thủ phòng ngự của Nga, nhưng đơn giản là Mandzukic có một cú căng ngang quá chuẩn xác, và Kramaric cũng chạy chọn vị trí quá tốt để đánh đầu cận thành tung lưới đối phương.
Hiệp thi đấu đầu tiên, Croatia nắm tỷ lệ kiểm soát bóng lên đến 67%. Và trong 15 phút đầu hiệp hai, đội khách cũng chủ động ép sân không kém, với tỷ lệ kiểm soát bóng chỉ thấp hơn có vỏn vẹn 1%. Và đáng lý ra bàn thắng đã đến với họ khi cú sút của Ivan Perisic trong vòng cấm địa đã đánh bại cả hậu vệ lẫn thủ môn Nga, nhưng lại tìm đến đúng cột dọc trái thay vì đi vào lưới.
Trận đấu với Tây Ban Nha hẳn đã cho các tuyển thủ Nga khá nhiều kinh nghiệm khi phải đối phó với một đối thủ cầm bóng nhiều hơn hẳn, và rình rập uy hiếp khung thành của họ bằng rất nhiều đường chuyền đan bóng trước vòng cấm địa.
Tính đến giữa hiệp 2, Croatia đã có số đường chuyền nhiều hơn gấp đôi so với Nga, số đường chuyền thành công gần gấp 3. Nhưng quãng đường đi chuyển của các cầu thủ Nga lại hơn khá nhiều, bởi họ dùng sự di chuyển tích cực để hóa giải miếng đánh bằng kiểm soát bóng của đối phương.
Ngày 21/6/1941, anh lính trẻ Nikolai Pluzhnikov được điều tới Pháo đài Brest , tiền đồn của Hồng quân nằm ở biên giới Đức-Xô. Tại đây, khi các đồng đội lần lượt ngã xuống, anh lính trẻ dựa vào hệ thống hầm hào cuộc pháo đài để tiếp tục kháng cự với kẻ thù.
Sau 9 tháng một mình kháng cự lại với binh đoàn đông đảo của kẻ thù, rốt cuộc Pluzhnikov - người lính duy nhất còn lại của Hồng quân ở Brest, cũng bị bắt. Khi các sĩ quan Đức Quốc xã hỏi anh về tên tuổi, cấp bậc, chức vụ, Nikolai Pluzhnikov chỉ trả lời rằng: "Tôi, người lính Nga".
Câu chuyện có thật ấy, 33 năm sau là cảm hứng để nhà văn Nga - Boris Vasilyev viết nên tiểu thuyết ngắn "Tên anh chưa có trong danh sách", và 54 năm sau được dựng thành bộ phim điện ảnh với tựa đề "Tôi, người lính Nga" (Я - русский солдат).
Sự kiên cường của các cầu thủ Nga đã đẩy được Croatia vào hai hiệp phụ, với những bước chân khập khiễng bởi cuộc tra tấn cả về thể lực lẫn ý chí. Cả Croatia lẫn Nga đều phải thay đủ 4 cầu thủ.
Và người Nga vẫn thế, cho đến những phút cuối cùng. Bên cạnh ý chí kiên cường là sự mã thượng đến khó tin thể hiện từ đầu trận, ngay khi ngã trong vòng cấm đối phương, thì Smolov cũng chỉ lặng lẽ đứng dậy, thay vì vùng vằng đòi trọng tài một quả penalty. Trên băng ghế huấn luyện, HLV Cherchesov vung tay xin các cổ động viên cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa cho các cầu thủ của mình.
Bất ngờ, bàn thắng đến từ pha đánh đầu đưa bóng đi sát cột dọc tung lưới thủ thành Akinfeev của Domagij Vida ở phút 101 tưởng chừng đã đem về chiến thắng cho Croatia, nhưng vẫn còn đó tinh thần kiên cường của người Nga, như anh lính trẻ Nikolai Pluzhnikov ngày nào.
Khi hiệp phụ thứ hai chỉ còn 5 phút nữa là kết thúc, pha đá phạt của Dzagoev đưa bóng vào vòng cấm để Mario Fernandes bật cao đánh đầu tung lưới Subasic. Trên khán đài, những cổ động viên Nga khóc nức nở vì xúc động. Cảm xúc vỡ òa trên những gương mặt nhạt nhòa vì những dòng lệ vui sướng.
Các cầu thủ Nga thực hiện đủ cả 5 lượt sút luân lưu, để rồi phải nhìn Rakitic sút thành công cút sút 11m cuối cùng đem về chiến thắng cho Croatia, khi người hùng ghi bàn thắng gỡ hòa 2-2 cho các cầu thủ Nga sút bóng ra ngoài ở loạt sút thứ 3.
"Moskva không tin những giọt nước mắt" là bộ phim Nga được rất nhiều thế hệ người Việt biết đến. Ngày hôm nay, ở Sochi, những giọt nước mắt đã rơi đầy tiếc nuối, nhưng dẫu cho rời World Cup 2018, thì những cầu thủ của ông Cherchesov có thể ngẩng cao đầu mà dõng dạc: "Tôi, cầu thủ Nga!".
Tỷ số: Nga 1-1 Croatia (hiệp phụ 2-2, luân lưu 3-4)
Đội hình thi đấu
Nga: Akinfeev; Fernandes, Ignashevich, Kutepov, Kudryashov; Zobnin, Kuzyaev; Samedov, Golovin, Cheryshev; Dzyuba.
Croatia: Subasic; Vrsaljko, Vida, Lovren, Strinic; Rakitic, Modric; Rebic, Kramaric, Perisic; Mandzukic.
Ghi bàn
Nga: Cheryshev (31'), Mario Fernandes (115')
Croatia: Kramaric (39'), Domagij Vida (101')
Theo Tâm Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)