Nga tìm cách tạo “siêu sao” chinh phục EURO và World Cup

14/04/2016 14:08:01

Giới khoa học Nga đang hoàn thiện phương pháp đặc biệt để cải thiện khả năng tập luyện của cầu thủ nhà nghề nhằm biến nước nhà thành cường quốc bóng đá.

Giới khoa học Nga đang hoàn thiện phương pháp đặc biệt để cải thiện khả năng tập luyện của cầu thủ nhà nghề nhằm biến nước nhà thành cường quốc bóng đá.

Với mục tiêu biến Nga trở lại thành quyền lực của bóng đá thế giới, các nhà khoa học nước này đang cố gắng hoàn thiện phương pháp đặc biệt để cải thiện khả năng tập luyện của cầu thủ nhà nghề. Mới đây trong kỷ yếu của “Hội nghị Quốc tế về Khoa học và bóng đá: Hình ảnh, truyền thông đa phương tiện và công nghệ mới”, các nhà tâm lý học của Đại học bang Moscow Lomonosov vừa tiết lộ phát hiện về việc làm thế nào cải thiện khả năng của cầu thủ, không chỉ đơn giản bằng cách nhồi thể lực, mà còn thông qua phân tích quan điểm cá nhân và các hành vi đặc thù của họ.

Nhân dịp này, các nhà khoa học ở Đại học bang Moscow Lomonosov trình bày kết quả quá trình quan sát khả năng các cầu thủ tập trung vào trận đấu thay đổi trong suốt một mùa bóng như thế nào. Cơ sở nghiên cứu được dựa vào các thông số như sức tập trung, khả năng ghi nhớ và thời gian phản ứng. Tập hợp mọi dữ liệu ấy, các nhà tâm lý học, các bác sĩ và các HLV có thể thiết lập giáo án huấn luyện đạt hiệu quả tối ưu.


Quá trình nghiên cứu của giới khoa học Nga càng thuận lợi do hồi tháng 03/2016, các nhà nghiên cứu của nhiều quốc gia vừa gặp gỡ tại Valenciennes (Pháp) nhằm chia sẻ những kinh nghiệm quan sát được trong lĩnh vực bóng đá. Đối với người Nga, tham gia vào các sự kiện như thế cực kỳ quan trọng do Tuyển Nga sắp tranh ngôi vô địch châu Âu tại Pháp ở Hè 2016 và chuẩn bị tổ chức World Cup 2018 trên sân nhà.

Tại hội nghị này, một chuyên gia tâm lý học thể thao Nga hiện là nghiên cứu sinh đã trình bày chi tiết quá trình và kết quả nghiên cứu. Theo đó, các nhà khoa học đã mời 2 đội bóng tham gia: một đội gồm toàn cầu thủ nhà nghề, đội kia gồm các cầu thủ bán chuyên nghiệp. Các nhà nghiên cứu đặc biệt tập trung quan sát các khả năng của họ như tập trung, ghi nhớ và phản ứng, song cũng không quên thu thập dữ liệu về tình trạng thể lực của từng cầu thủ.

Cùng với các nhà sinh lý học đến từ Moskomsport, các nhà tâm lý ở Đại học bang Moscow Lomonosov đã theo dõi những thay đổi ở từng cầu thủ khi họ tập luyện và hoạt động trong tình trạng thiếu khí. Qua đó, các nhà khoa học không chắc chắn rằng có mối tương quan giữa thể hình cầu thủ với khả năng tập trung, phản ứng và phối hợp.

Và nhằm kiểm tra được các kỹ năng của cầu thủ, các nhà nghiên cứu phải dùng tới những thiết bị đặc chế. Ví dụ như màn hình cảm biến ánh sáng có đèn nhấp nháy liên tục trên bề mặt và nhiệm vụ của cầu thủ là phản ứng ngay bằng cách ấn ngay vào nút tương ứng trong lúc máy đo thời gian. Để kiểm tra khả năng tập trung, các nhà khoa học sử dụng giải pháp “biểu đồ đỏ và đen” với ý tưởng cụ thể: Trên một tờ giấy, họ đánh các số màu đỏ từ 1 tới 10 và những con số màu đen từ 1 đến 24 được phân bố ngẫu nhiên. Sau đó, các nhà khoa học sẽ tính thời gian từng cầu thủ sử dụng để chỉ ra các con số màu đen theo thứ tự tăng dần và các con số màu đỏ theo thứ tự giảm dần.

Sau khi tiến hành nghiên cứu phức tạp như vậy, các nhà khoa học rút được kết luận từ các dữ liệu có được: Cầu thủ có khả năng quan sát kém hoặc thiếu tập trung vẫn có thể đạt được kết quả tập luyện tốt nếu thuộc loại “không phổi”, nghĩa là có sức bền, cũng như khả năng bứt tốc hoặc tốc độ cao. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng thấy được một chi tiết: Bằng cách tập trung vào tập luyện, cầu thủ có thể bù đắp cho điểm yếu về tốc độ. Từ đó, các nhà nghiên cứu xác định: Đối với những cầu thủ có tốc độ cao như tiền đạo và cầu thủ chạy cánh, ưu tiên hàng đầu là phát triển khả năng quan sát.

Cũng trong quá trình nghiên cứu này, các nhà khoa học Nga nhận thấy tính cách của cầu thủ có mối quan hệ với vai trò thi đấu của họ. Thông thường, hậu vệ và thủ môn quy tụ những người hướng nội, còn tiền đạo và tiền vệ cánh phần nhiều là người hướng ngoại. Các nhà khoa học còn kết luận rằng hầu hết cầu thủ đều là người lạc quan, dễ tính và… bồng bột! Họ còn cho biết: “Nếu một tiền đạo ‘bùng nổ’ và phản ứng nhanh được đào tạo để quan sát và đưa ra quyết định thật nhanh thì số động tác chính xác của người này sẽ tăng lên, trực tiếp ảnh hưởng tới kết quả trận đấu”.

Nhân dịp này, các nhà nghiên cứu gửi tới giới “quần đùi, áo số” lời khuyên: Nếu muốn duy trì khả năng quan sát nhạy bén, đừng dành quá nhiều thời gian xem bóng đá như World Cup, Champions League… qua truyền hình hoặc các tiện ích khác, vì thói quen ấy rất dễ gây mất ngủ, dẫn tới suy giảm khả năng tập trung và phản ứng.

Theo Minh Châu (Webthethao.com.vn)

Nổi bật