Nếu nhìn thẳng vào nền bóng đá xứ bạch dương cùng những kỳ vọng mà các quan chức cấp cao đổ xuống ĐT Nga, câu trả lời là không.
Kỳ World Cup hoành tráng nhất
Cách đây 4 năm, khi Brazil chi 16 tỷ USD cho công tác chuẩn bị World Cup 2014 con số bằng tổng tiền tổ chức của World Cup 2006 và World Cup 2010. Người dân đất Brazil đã được dịp than trời vì kinh phí quá đắt đỏ này sẽ ảnh hưởng mạnh tới an sinh xã hội, giáo dục, y tế…
Một trong những hình ảnh quen thuộc tại mùa hè Brazil cách đây 4 năm là những người dân đổ ra đường biểu tình phản đối World Cup. Họ e ngại rằng nguồn thu mà Brazil có được từ World Cup không đủ để khỏa lấp những kinh phí đã bỏ ra và sẽ khiến các vấn đề ở quốc gia này càng trở nên trầm trọng.
Năm nay, Nga chi ra tới 30 tỷ USD để tổ chức World Cup, bằng cả ba kỳ World Cup trước đó cộng lại. Nhưng không một người dân Nga nào lên tiếng, ngay cả khi hãng tư vấn McKenzie tính toán được rằng Nga chỉ thu lại được 15 tỷ USD từ các hoạt động xung quanh World Cup như du lịch, dịch vụ…
Nói cách khác, Nga nghiễm nhiên sẽ lỗ 15 tỷ USD vì đứng ra tổ chức World Cup. Song con số này không thấm tháp là bao so với nền kinh tế có quy mô lên tới 1,3 nghìn tỉ USD. Điều mà nước Nga muốn là tổ chức một kỳ World Cup hoành tráng nhất trong lịch sử.
Kỳ vọng gì ở ĐT Nga?
Hồi tháng 4 vừa qua, hãng thông tấn AFP đã có cuộc khảo sát với người dân Nga và kết quả cho ra rằng không mấy ai tin đội tuyển Nga sẽ vô địch World Cup, thậm chí phân nửa số người tham gia trả lời khẳng định họ không có kế hoạch xem dù chỉ một trận đấu World Cup.
Public Opinion Foundation (Tổ chức thăm do công luận của chính phủ Nga) đi sâu hơn và cho ra một con số khác. 43% người khẳng định họ sẽ không xem trận nào tại World Cup. 4% người được hỏi trong nhóm có theo dõi bóng đá tin rằng Nga vô địch. 86% số người được hỏi tin rằng Nga có thể vượt qua vòng bảng.
Rõ ràng sự thờ ơ là điều người ta có thể thấy ở người dân Nga về World Cup. Bởi ĐT Nga đang suy yếu, vị trí thứ 66 trên bảng xếp hạng FIFA hiện tại là vị trí thấp nhất lịch sử của bóng đá Nga.
Chưa cần việc trở lại hình ảnh đội tuyển Liên Xô hùng mạnh trong quá khứ với Lev Yashin, Rinat Dasaeyv, Igor Belanov hay Oleh Kuznetsov, việc Nga 2018 có thể trình diễn thứ bóng đá như tại Euro 2008 đã là một thành công ngoài tưởng tượng tại World Cup lần này.
Đội hình ĐT Nga năm nay vẫn còn những cựu binh từ kỳ Euro cách đây 10 năm như Yuri Zhirkov, Sergey Ignashevich hay Igor Akinfeev. Ngôi sao sáng nhất cửa “Những chú gấu Nga”, Alan Dzagoev vẫn giữ nguyên vị thế “thần đồng” trong suốt 6 năm kể từ Euro 2012.
HLV của họ, ông Stanislav Cherchesov sau gần hai năm huấn luyện chỉ giúp ĐT Nga thắng được 5 trong 19 trận, đạt tỉ lệ 26,31%, thua tới 9 trận. Trong 8 tháng gần nhất, ĐT Nga không giành chiến thắng dù chỉ 1 trận.
Với thành tích thảm họa này cùng đội ngũ èo uột, việc Nga có thể vượt qua vòng bảng nơi có mặt những đối thủ như Uruguay, Ai Cập hay Saudi Arabia như kỳ vọng của đa số CĐV có theo dõi bóng đá tại Nga, rõ ràng cũng cần phải xem xét. Uruguay hay Ai Cập không phải những đối thủ dễ chơi. Lợi thế lớn nhất mà những người Nga có là yếu tố sân nhà, hoặc thậm chí là trọng tài.
Trong lịch sử các VCK World Cup, những đội chủ nhà mới chỉ có đúng một lần không thể vượt qua vòng bảng, đó là Nam Phi tại World Cup 2010. Nhưng đó là kỳ World Cup mà người Nam Phi không đặt quá nhiều kỳ vọng như kiểu phải lọt vào vòng bán kết cho đội bóng con cưng.
Bản chất Nam Phi không phải một đội tuyển giàu truyền thống, và kỳ World Cup 2010 đó là một nỗ lực của FIFA trong việc tạo ra sự cân bằng tới các lục địa trên toàn thế giới. Nga thì khác, họ từng vô địch Euro trong quá khứ (năm 1960) và giờ chi những khoản tiền kỷ lục để tổ chức một kỳ World Cup hoành tráng nhất lịch sử.
Đội tuyển yếu ớt, HLV kém cỏi cùng với áp lực thành tích khủng khiếp từ cấp trên đổ xuống, viễn cảnh ĐT Nga thảm bại ngay trên sân nhà là hoàn toàn có cơ sở.
Theo Nhật Anh (Tri Thức Trực Tuyến)