Lễ bốc thăm chia bảng AFF Cup 2024 vừa diễn ra không lâu. Theo đó, bảng A gồm Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia và đội thắng ở cặp play-off giữa Đông Timor với Brunei. Bảng B gồm Việt Nam, Indonesia, Philippines, Myanmar và Lào.
Trước cục diện này, không ít người tỏ ra lo lắng cho tuyển Việt Nam, rằng chúng ta có thể chỉ đứng nhì bảng B, rồi phải đọ sức với đội nhất bảng A là Thái Lan tại Bán kết. Khi đó, khả năng ĐT Việt Nam bị loại ở Bán kết, không hoàn thành được chỉ tiêu vào Chung kết của VFF là rất cao.
Bình luận về điều này, BLV Quang Tùng nói:
"Tôi nghĩ những lo lắng đó là có cơ sở. Chúng ta phải chấp nhận thực tế là có thể cần xây lại ĐTQG từ đầu. Khi đó, nếu chúng ta chỉ có vị trí thứ ba tại Đông Nam Á thì là phản ánh thực tế trật tự bóng đá khu vực, khi chúng ta đứng dưới Thái Lan với Indonesia. Đấy là thực tế hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, bóng đá còn nhiều tình huống khác có thể xảy ra. Đâu phải lúc nào các đội hàng đầu cũng luôn đạt được lợi thế? Và một trận đấu ở vòng bảng cũng sẽ khác nhiều với một trận loại trực tiếp. Nên cũng không chắc là chúng ta sẽ thua Indonesia và chỉ đứng nhì ở bảng B. Ở giai đoạn đấu bảng thì trận đấu phụ thuộc vào nhiều thứ, không chỉ là năng lực, phong độ.
Còn nếu chúng ta gặp Thái Lan hay Indonesia ở đấu loại trực tiếp thì nguy cơ thất bại là rất cao. Đấy là thực tế mà chúng ta đã từng trải qua trong quá khứ mà bây giờ có xu hướng trở lại. Thực tế ngay cả dưới thời HLV Park Hang-seo, chúng ta cũng đâu thắng được Thái Lan lần nào.
Bây giờ, nguy cơ chúng ta thất thế trước Thái Lan, Indonesia chỉ là một sự lặp lại quá khứ thôi, cũng không có gì bất ngờ quá đâu, không có gì mới".
Một chi tiết đáng chú ý là dù rơi vào bảng đấu khó, HLV Kim Sang-sik lại tuyên bố ông muốn vô địch AFF Cup, tức vượt hẳn chỉ tiêu VFF đề ra. Liệu đấy chỉ là cách nói xã giao của HLV người Hàn Quốc hay ông thật sự quyết tâm và có nắm chắc?
"Yếu tố nào cũng có trong câu trả lời của ông Kim. Nhưng yếu tố xã giao có lẽ ít thôi. Việc muốn chứng tỏ năng lực nhiều hơn. Tại sao ông Kim lại tự đặt ra mục tiêu vượt cả chỉ tiêu của VFF? Vì ông ấy chưa làm được bất cứ việc gì tại bóng đá Việt Nam cả song từ giờ tới AFF Cup 2024 còn gần nửa năm nữa. Với thực lực của bóng đá Việt Nam và mặt bằng bóng đá Đông Nam Á, mọi thứ vẫn trong tầm để chúng ta có thể xoay sở.
Mà mục tiêu của chúng ta là vào trận Chung kết thì thêm vào mục tiêu vô địch cũng có gì đâu? Chỉ là thắng ở trận cuối cùng hay không thôi. Nếu đã hoàn thành chỉ tiêu vào Chung kết thì ông Kim muốn vượt chỉ tiêu bằng cách thắng trận cuối cùng rất dễ hiểu.
Tất nhiên, về cơ hội vô địch của chúng ta thì nhìn tổng thể vẫn kém Thái Lan, Indonesia nhưng không phải quá nhiều, không phải sự chênh lệch như giữa chúng ta với Nhật Bản, Hàn Quốc. ĐT Việt Nam gặp Nhật Bản, Hàn Quốc thì gần như không thể thắng song trước Thái Lan, Indonesia, chưa phải như vậy.
Cơ hội vẫn chia cho các đội, ví dụ như Thái Lan là 40% thì Indonesia là 32% còn chúng ta là 28%. Chúng ta đang chưa được tốt, còn đối thủ như Indonesia thì tốt lên nhưng không có nghĩa ta không thể đá với họ.
Và chúng ta cũng nên nhớ, xếp hạng hạt giống cho lễ bốc thăm chia bảng AFF Cup 2024, chúng ta vẫn là top 2 Đông Nam Á cơ mà!" – BLV Quang Tùng tiếp.
Có một chi tiết đáng chú ý khác đấy là thái độ của phía Indonesia khi biết sẽ gặp Việt Nam tại vòng bảng AFF Cup. Từ ông trưởng đoàn Sumardji tới ông Shin Tae-yong đều tỏ ra khá thoải mái:
"Khi biết nằm chung bảng Việt Nam, ông ấy (Shin Tae-yong) chỉ cười. Biết nói gì đây, chúng tôi nghĩ đây là bảng đấu thú vị. Và chúng tôi nghĩ rằng sẽ thật tuyệt khi gặp lại họ. Vì ĐT Indonesia lúc này đã mạnh hơn trước nhiều rồi" – ông Sumardji nói.
Theo BLV Quang Tùng, sự tự tin của người Indonesia là có cơ sở: "Tôi nghĩ đó là phản ứng cũng đúng thôi. Thực tế trong khoảng sáu tháng vừa rồi, Indonesia đã có sự tiến bộ vũ bão, với một loạt những sự tiến bộ ở các giải đấu cấp ĐTQG và U23. Thái độ đó bộc lộ đầy đủ sự tự tin của Indonesia. Nhưng bóng đá vẫn có chỗ cho những thứ thuộc về cơ hội của các đội bị đánh giá thấp hơn. Còn sự tự tin của Indonesia là quyền của họ".
BLV Quang Tùng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, đang có sự đảo chiều về tinh thần giữa bóng đá Việt Nam – Indonesia, điều có thể ảnh hưởng tới kết quả trên sân bóng. Bởi thế, bóng đá Việt Nam cần tìm lại sự tự tin.
"Đó là một thực tế có thật. Đã xuất hiện những tâm lý e ngại nào đó trong lòng bóng đá Việt Nam. Trong khi Indonesia tự tin lên, ta lại thiếu tự tin đi. Đó là thực tế. Nhưng chúng ta thắng Indonesia bây giờ thì khó chứ cũng chưa tới mức sẽ thua người ta. Câu chuyện chưa tới mức độ chúng ta sẽ luôn thua Indonesia. Nên chúng ta cứ phải chờ thời gian, công việc của HLV Kim Sang-sik bắt đầu đã thì mới nói chính xác được tiêu chuẩn của 2 đội ở chỗ nào. Chúng ta mới thua Indonesia vài trận mà đã cho rằng chúng ta sụp đổ cả nền bóng đá thì hơi vội vàng.
Tất nhiên chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận đang có sự tự ti, đang có sự chững lại, nếu không nói là tụt lùi. Còn họ thay đổi bằng nhiều cách, rất tích cực. Nhưng nếu nói bóng đá Indonesia đã hơn hoàn toàn và muốn đá thế nào thì đá trước Việt Nam thì không hẳn. Khi bóng đá trong khu vực còn sàn sàn nhau, một đội này chưa ở cái tầm muốn thế nào làm thế nấy trước đối thủ, thì mọi chuyện đều xảy ra được.
Vấn đề còn là chúng ta lựa chọn cách tiếp cận thế nào. Nếu HLV Troussier chọn cách tiếp cận khác, chưa chắc Indonesia đã hình thành được sự tự tin như hiện tại trước chúng ta đâu. Indonesia tự tin là chuyện của người ta, họ có quyền tự tin vì đã phấn đấu hết mình hòng vượt lên. Đây là lúc họ có quyền tận hưởng thành quả. Nhưng thành quả đó có kéo được tới AFF Cup 2024 hay không thì chúng ta còn gần nửa năm để âm thầm chuẩn bị, để quay trở lại".
Khi được hỏi tại AFF Cup 2024, liệu ngoài Thái Lan, Indonesia, ĐT Việt Nam còn cần e ngại địch thủ nào không, BLV Quang Tùng kết lại câu chuyện:
"Thực ra với các đội khác thì không vấn đề gì đâu. Như Philippines cũng cố gắng nhập tịch nhưng giờ không còn hiệu quả, các cầu thủ của họ quá lớn tuổi rồi. Vấn đề quan trọng nhất là phụ thuộc vào bản thân chúng ta. Chúng ta nên lo ngại cho chính mình hơn là các đối thủ.
Có thể Indonesia là vấn đề chúng ta cần tính toán vì họ đã vượt lên, nhưng chính chúng ta cũng có vấn đề là đứng lại, tụt lùi. Với các đội khác ngoài Thái Lan, Indonesia thì không phải vấn đề lớn lắm. Nếu chúng ta không còn là chính mình nữa, thì các đội trước đây vốn yếu cũng sẽ trở nên mạnh mẽ so với chúng ta thôi. Nên chúng ta cần làm là cải thiện chính mình".
Theo Đoàn Dự (Nguoiduatin.vn)