Từ Kazan với Buenos Aires, vũ điệu ăn mừng đã tạm gác lại. Sau nhiều đêm say men chiến thắng trước Nigeria, người Argentina phải trở về thực tại phũ phàng. Đêm nay, đội bóng của họ sẽ ra sân để đối đầu với Pháp - một trong những ứng viên sáng giá nhất cho danh hiệu vô địch ở vòng 1/8.
Pháp sở hữu một "bầu trời sao" trong đội hình với những Antoine Griezmann, Paul Pogba, Kylian Mbappe, Ousmane Dembele, N'Golo Kante, Raphael Varane, còn với Argentina, nhìn đi nhìn lại chỉ có Lionel Messi. Một cuộc chiến không cân sức.
"Chúa đã ở đây và chúng tôi biết Ngài sẽ không để Argentina chịu thất bại". Đó là phát biểu của Messi sau 90 phút nghẹt thở và trải qua những khúc cua sinh tử trước Nigeria.
Khoảnh khắc Messi khống chế bóng gọn gàng, đẩy một nhịp qua hậu vệ đối phương và dứt điểm chân phải hạ gục thủ môn Francis Uzoho, anh giơ hai ngón tay lên trời, miệng thì thầm những lời cầu nguyện. Messi giành tặng bàn thắng này cho Chúa, nhưng với người Argentina, anh chính là "Chúa cứu thế" của lữ đoàn trắng - xanh tại kỳ World Cup lần này.
Đêm nay, Argentina sẽ lại trông cậy vào vị Chúa của mình. Những chiếc mặt nạ Messi, những bức tường tràn ngập họa hình của chàng trai bé nhỏ mang chiếc áo số 10 đang hướng tay lên trời cầu nguyện,... là gam màu chủ đạo của lực lượng cổ vũ.
Cả Argentina sẽ nguyện cầu và chất chồng kỳ vọng lên đôi vai Messi, vốn vừa mới nhẹ đi đôi chút sau chiến tích vượt qua vòng bảng (với tình cảnh của Argentina sau hai lượt đầu, vượt qua vòng bảng đã xứng đáng gọi là chiến tích rồi).
Messi cầm nhịp lối chơi, Messi đi bóng, Messi kiến tạo, Messi ghi bàn,... người Argentina muốn vậy, và muốn vượt qua địch thủ khổng lồ như Pháp, chỉ Messi mới có thể làm vậy.
Tuy nhiên, vào giờ phút cân não và căng thẳng thế này, tiếp tục tạo áp lực lên đôi vai Messi là điều tối kỵ. Thiên tài của Barcelona chỉ có thể chơi bóng với thể trạng và tinh thần tốt nhất, cần có không gian lý tưởng và cảm hứng cao nhất để phát huy trọn vẹn tinh hoa.
Cảm hứng ấy không thể xuất hiện trong gã trai bé nhỏ, chỉ biết bóp mũi, nhăn trán và cúi đầu lặng lẽ sau khi bản quốc ca Argentina vang lên.
Cảm hứng ấy không thể sản sinh từ đôi chân phải đeo cục chì nặng tới 100 kg trong mỗi trận đấu. Bàn thắng vào lưới Nigeria là ánh sáng le lói cuối đường hầm ở kỳ World Cup mà Messi phải chịu vô vàn áp lực. Argentina không thể đánh cược niềm tin vào một thiên tài mong manh, dễ dàng đổ vỡ trước niềm tin mù quáng của cả dân tộc.
Argentina cần có tinh thần của những "cảm tử quân". HLV Jose Pekerman - người dẫn dắt "những vũ công Tango" tham dự World Cup 2006 từng đúc kết "chất Argentina" trong vài câu ngắn gọn:
"Chúng tôi dạy cho cầu thủ hiểu giá trị của màu áo đội tuyển và niềm vinh dự khi được đại diện cho Argentina. Toàn đội phải cố gắng và thậm chí là "chết" vì nó". Chết theo nghĩa bóng, nhưng là đổ máu theo nghĩa đen.
Và tinh thần ấy, chỉ có thể tìm thấy ở Javier Mascherano.
"Mascherano có thể mất đi đôi chân, chứ trái tim nhiệt huyết thì không" - đó là tựa đề của bài viết trên The Guardian.
Thành thực mà nói, Mascherano đang là một trong những cầu thủ chơi... tệ nhất Argentina ở World Cup năm nay. Cựu tiền vệ Barcelona đánh rơi phong độ do phải đá trung vệ quá lâu, đồng thời ở tuổi 34, Mascherano không đủ sức theo kịp những diễn biến cực nhanh trên sân.
Trong trận gặp Nigeria, Mascherano là người khiến Argentina chịu phạt đền. Mỗi khi đối phương bứt tốc, anh luôn ở lại phía sau.
Nhưng Mascherano sở hữu thứ mà 10 cầu thủ Argentina còn lại đang mải miết kiếm tìm, đó là lòng dũng cảm. Chỉ có Mascherano là người dám "chiến đấu" đúng nghĩa trong tập thể Argentina tê dại vì áp lực.
Chỉ có Mascherano là người lao vào mọi cuộc tranh chấp và di chuyển không ngừng khi đội nhà cần gây sức ép đòi lại thế trận. Và cũng chỉ có Mascherano là người đứng bật dậy sau pha va chạm và tiếp tục thi đấu với gương mặt đổ máu ròng ròng.
Mascherano đổ máu đúng nghĩa và "cháy" đúng nghĩa trong kỳ World Cup cuối cùng, bởi nếu Argentina phải dừng bước ngay ở vòng bảng, cầu thủ này sẽ không còn cơ hội nào để sửa chữa lỗi lầm.
Điều đáng quý nhất ở Mascherano là tinh thần tập thể và không mưu cầu lợi ích cá nhân. Theo cây bút Jonathan Wilson, không phải Messi, mà chính Mascherano mới là thủ lĩnh thực sự ở Argentina.
Mascherano là người hô hào và khích lệ tinh thần đồng đội, đứng ra dàn xếp tình hình khi tin đồn nội bộ Argentina bị báo chí thêu dệt và sở hữu "bronca" - thứ nhuệ khí ngông nghênh giúp người Argentina đứng vững khi bị cả thế giới quay lưng.
Nếu trên đời có những người hùng không mặc áo choàng, Mascherano chính là đội trưởng không cần băng thủ quân. Nhìn anh chiến đấu đến bật máu, các cầu thủ Argentina còn lại biết mình phải làm gì.
Mọi đội bóng đều cần những người dám đổ máu vì vinh quang. Argentina ngày càng xa rời đỉnh cao thế giới bởi lớp thế hệ kế cận không còn sở hữu tinh thần "cảm tử" như Carlos Bilardo, Daniel Passarella hay Diego Maradona ngày nào.
"Những vũ công xứ Tango" hiện tại là tập hợp của những vũ công đúng nghĩa, rất giỏi khiêu vũ và luôn xuất trận với đôi chân của những nghệ sĩ, mà nghệ sĩ thì luôn bất ổn.
Argentina không có những cầu thủ có tính chiến đấu và sẵn sàng "mặc kệ thế giới" với thần thái của Maradona, thay vào đó, đội bóng của HLV Jorge Sampaoli dễ dàng vụn vỡ trước sức ép của sự kỳ vọng. Khi ấy, vai trò của Mascherano càng trở nên quan trọng. Những người Argentina mang chữ "M" trong họ luôn có điều gì đó thật đặc biệt.
Paolo Dybala từng thừa nhận: "Khi nhận bóng ở tình huống khó, chúng tôi luôn muốn chuyền cho Messi. Khi nhận bóng ở tình huống dễ, chúng tôi... cũng muốn chuyền cho Messi".
Đêm nay, người Argentina sẽ lại nhìn vào Messi để cầu viện ánh sáng trong tận cùng gian khổ. Nhưng nếu muốn tìm thấy nguồn cảm hứng để chiến đấu đúng nghĩa với Pháp, hãy nhìn sang Mascherano - người vẫn còn rất nhiều máu để đổ, miễn rằng điều ấy mang Argentina vượt qua cửa ải khó khăn này.
Theo Hồng Nam (Vtc.vn)