So với Việt Nam, giá bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh ở Thái Lan cao hơn 4 lần, ở Singapore cao hơn 3 lần và ở Malaysia cao gấp đôi.
Mới đây, MP&Silva đã chia sẻ thẳng thắn về sự tăng giá của bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh. Theo đó, đây là mức tăng chung của BTC Ngoại hạng Anh và được áp dụng không chỉ ở Anh mà là trên toàn thế giới.
MP&Silva chỉ có thể đảm bảo trong phạm vi quyền hạn của mình rằng: "Chúng tôi không thể cung cấp giá trị hợp đồng cụ thể ở các quốc gia nhưng đảm bảo rằng Việt Nam luôn được ưu tiên mức giá tốt nhất".
Giá bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh qua các thời kỳ (Nguồn: BBC Sport) |
Theo số liệu từ MP&Silva, so với Việt Nam, giá bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh ở Thái Lan cao hơn 4 lần, ở Singapore cao hơn 3 lần và ở Malaysia cao gấp đôi. Trong khi đó, giá bản quyền Ngoại hạng Anh đang tăng phi mã, như ở Australia tăng 213%, ở Hồng Kông tăng 103% và ở Philippines tăng 83%.
Ngay cả ở Anh, hai kênh truyền hình lớn là Sky và BT cũng đã phải chi tổng cộng 5,1 tỉ Bảng nhằm tranh giành bản quyền phát sóng của 504 trận đấu trong vòng 3 năm từ 2016 đến 2019. Tức là, khoảng 10 triệu Bảng cho một trận đấu.
Lật ngược lại lịch sử, có thể thấy rằng bản quyền ngoại hạng Anh đã tăng giá khủng khiếp đến thế nào. Trong giai đoạn từ 1992 đến 1997, thời kỳ Premier League mới được thành lập, số tiền bản quyền truyền hình do Sky chi ra chỉ là 191 triệu bảng. Mỗi trận đấu khi ấy chỉ có giá vào khoảng 600.000 bảng.
Ở những năm tiếp theo, số tiền Sky chi ra lần lượt là 2,8 triệu bảng/trận (từ 1997 đến 2001); 3,6 triệu bảng/trận (từ 2001 đến 2004). Tổng số tiền tương ứng mà Sky đầu tư cũng nhảy vọt lên 670 triệu bảng rồi 1,2 tỷ bảng.
Việt Nam nằm trong quy luật tăng giá chung của thế giới với bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh |
Không chỉ tăng phi mã ở biên giới nước Anh, bản quyền ngoại hạng Anh ở thị trường quốc tế cũng tăng chóng mặt. Tăng mạnh nhất là Mỹ, Hong Kong và Bắc Âu với mức tăng lên tới 100%. Riêng thị trường Brazil, giá bản quyền cho giải đấu này lên tới 230%.