Hồi tháng 2, Nguyễn Thị Thật vô địch châu Á cự ly hơn 100 km đua xe đường trường. Vì thế, cô được coi là một trong những niềm hy vọng lớn nhất của thể thao Việt Nam lần này.
Tuy nhiên, cũng cần nói rằng cự ly 100 km là rất dài. Trong quãng đường đó, có biếtbao nhiêu vấn đề, sự cố có thể xảy đến cả do khách quan lẫn chủ quan.
Khoan nói đến nội tại từ VĐV của chúng ta, nguy cơ hiện hữu đến từ chính nước chủ nhà. Trong quá khứ, từng có những sự việc như VĐV đi đường tắt, xe kéo VĐV thậm chí là họ còn đổi VĐV giữa đường.
Những chiêu trò không chỉ diễn ra ở một môn cố định, mà bất cứ nội dung thi đấu nào đều có thể xuất hiện. Có điều, chúng ta không thể ngồi đây nói trước được điều gì. Tôi chỉ hy vọng ban tổ chức và đội ngũ trọng tài sẽ fair-play.
Tuy nhiên, hiện tinh thần fair-play đang bị tấn công một cách nghiêm trọng. Năm 2000, Chủ tịch ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Juan Antonio Samaranch khi đó cảnh báo rằng thể thao thế giới sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi 3 yếu tố: Doping, fair-play và mua bán VĐV.
Thực tế, càng ngày có càng nhiều vụ sử dụng doping bị phanh phui, tinh thần trọng nghĩa, chơi đẹp trong thể thao cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đặc biệt là vấn nạn mua bán VĐV.
Một nước bỏ nhiều tiền ra để mua VĐV của nước khác về thi đấu, lấy thành tích rồi tự hào đó là công của mình. Đâu có phải vậy. Rõ ràng, VĐV được mua kia về thi đấu cho chính quốc vì tiền, chứ đâu phải họ được đào tạo nên.
Hôm qua tôi nói Vinh thất bại là chuyện bình thường, nhưng anh ta bị loại từ vòng ngoài thì cần xem xét lại. Xung quanh vấn đề này tôi có rất nhiều điều muốn nói. Tuy nhiên, hiện đoàn chúng ta vẫn thi đấu, còn nhiều VĐV đang chờ để xuất trận. Một dịp khác thuận lợi hơn, chúng ta sẽ cùng bàn.
Không chỉ Xuân Vinh, có thể nói Đoàn thể thao Việt Nam đang gây thất vọng, bởi hàng loạt VĐV trọng điểm, được kỳ vọng để lại sự thất vọng. Đáng nói, thành tích của họ thụt lùi so với những kỳ thi đấu trước.
Thành tích của Ánh Viên thua xa so với chính cô cách đây ít lâu. Như HLV Đặng Anh Tuấn cho biết thì nội dung 400 m sở trường, Ánh Viên từng đạt 4 phút 36 giây tại Columbus hồi tháng 7. Thành tích của cô tại ASIAD thua xa.
Thạch Kim Tuấn cũng vậy. Rất tự tin trước khi bước vào thi đấu, nhưng Kim Tuấn chưa vượt qua được chính mình khi đạt mức tổng cử 280 kg.
Những thất bại kể trên một phần là do công tác chuẩn bị. Nguyên ngân khác, như tôi đã nói, chúng ta không có sự vượt trội, thậm chí còn đuối hơn các đối thủ, vì thế không thể nắm chắc phần thắng trong tay. Đây cũng là vấn đề Đoàn thể thao Việt Nam cần xem xét lại.
Bên cạnh những sự thất bại đó, chúng ta cũng có những điểm sáng khác cần nhắc đến, cho dù đoàn Việt Nam vẫn chưa có HCV tại kỳ Á vận hội lần này.
Tôi phải dành lời khen ngợi cho 2 nam VĐV Phạm Quốc Khánh (wushu), Trịnh Văn Vinh (cử tạ). Với Quốc Khánh, anh ta là VĐV tiềm năng và được đánh gia cao từ những ngày tôi còn làm trưởng đoàn.
Phải nói là cậu ấy có sự duy trì rất tốt. Năm nay đã 28 tuổi, độ tuổi được coi là "lão tướng" của môn wushu, nhưng Khánh vẫn thi đấu đầy nỗ lực và giành HCB.
Đó là điều đáng mừng nhưng cũng rất đáng tiếc khi Khánh chỉ thua đối thủ 1% điểm. Giá như ở động tác nào đó cậu ấy chỉ cần nhích được một chút xíu thôi, có lẽ chúng ta đã có HCV.
Tương tự là trường hợp của Văn Vinh. Phải nói là Vinh chưa bao giờ được đánh giá quá cao ở môn cử tạ. Sau Thạch Kim Tuấn, cùng lắm là Văn Vinh được kỳ vọng sẽ gây bất ngờ và giành HCĐ là cùng. Thế nhưng cậu ấy lại thi đấu tốt, trước VĐV Olympic của nước chủ nhà.
Theo Nguyên trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh (Tri Thức Trực Tuyến)