Mito Hollyhock mong hưởng lợi từ Công Phượng

13/01/2016 14:00:38

Cầu thủ Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp CLB Mito Hollyhock gia tăng nguồn thu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, du lịch của tỉnh Ibaraki.

Cuối tháng 12/2015, Công Phượng đã ký hợp đồng thi đấu một năm theo dạng cho mượn với Mito Hollyhock. Tại đội bóng mới, anh sẽ khoác áo số 16. Đây không phải là thương vụ bóng đá đơn thuần mà còn tác động đến kinh tế, du lịch, mở ra cơ hội hợp tác giữa tỉnh Ibaraki (nơi đặt đại bản doanh của đội bóng) và Việt Nam.

"Tôi tin rằng Mito Hollyhock sẽ tiên phong trong việc hướng các CLB Nhật Bản đến thị trường Đông Nam Á. Thông qua bản hợp đồng với Công Phượng, chúng tôi mong muốn phát triển các cơ hội kinh doanh khác nhau", chủ tịch CLB Kunio Numata cho biết. Trước đó vào tháng 3/2015, tỉnh Ibaraki đã ký một biên bản ghi nhớ với Việt Nam liên quan đến sự phát triển chung của ngành nông nghiệp. Sau đó, thống đốc của tỉnh Masaru Hashimoto đến thăm Việt Nam vào tháng 10/2015.

Công Phượng sẽ khoác áo đội bóng Nhật Bản sau khi hết nhiệm vụ cùng U23 Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đăng

Theo thống kê năm 2014, tỉnh Ibaraki có 7 chuyến du lịch đến từ Việt Nam nhưng sau đó một năm con số đã tăng lên 60 chuyến. Sự góp mặt của một cầu thủ nổi tiếng như Công Phượng chắc chắn sẽ giúp địa phương của Nhật Bản được biết đến nhiều hơn.

Về phần Mito Hollyhock, họ hy vọng sẽ vào top 10 của J.League 2 mùa bóng 2016 và thu hút nhiều khán giả hơn đến sân xem các trận đấu với đóng góp của tiền đạo người Nghệ An. Bản thân chân sút sinh năm 1995 sẽ góp mặt trong nhiều sự kiện do CLB, địa phương tổ chức. Trong năm 2015, CLB Mito Hollyhock đã dự 600 hoạt động bên lề.

Việc Công Phượng đến Mito Hollyhock và Tuấn Anh khoác áo Yokohama FC nằm trong chiến lược đẩy mạnh tầm ảnh hưởng của J.League ở khu vực Đông Nam Á. Chính phủ nước này thậm chí đã hỗ trợ kênh truyền hình SkyPerfectTV để phát sóng các trận đấu J.League ở khu vực. Trong tương lai nếu các giải đấu chuyên nghiệp Nhật Bản thu hút được đông khán giả ở Đông Nam Á thì đó là thành công lớn của họ. Xa hơn họ có thể nghĩ đến việc tìm kiếm thêm nguồn thu ở đây.

Hiện tại, các đội J.League đều có nguồn thu tương đối ổn định. Một đội bóng ở J.League 2 có ngân sách hoạt động khoảng 10 – 20 triệu USD (J.League 1 từ 30 đến 50 triệu USD) và mỗi đội nhận chừng 845.000 USD mỗi năm tiền bản quyền truyền hình. Tuy nhiên, không phải đội bóng nào cũng sinh lời. Thống kê cho biết mùa bóng trước Yokohama FC – đội bóng mà Tuấn Anh khoác số áo 32 lỗ 220.000 USD.
 
>> Mito chiêu mộ thành công sao khủng, Công Phượng hết cửa đá chính?
>> Công Phượng chính thức cặp bến CLB Mito Hollyhock

Theo Nguyễn Đăng (Zing.vn)

Nổi bật