Trong phim “Cuộc chiến thành Troy”, Thetis, mẹ của Achilles nói với con trai trước khi lên đường: “Nếu ở lại Larrissa, con sẽ có được sự bình yên. Và khi chết đi, tên của con sẽ trôi dần vào quên lãng. Nhưng con trai, nếu con đến Troy, vinh quanh sẽ thuộc về con. Nhân loại sẽ viết những câu chuyện về chiến thắng của con cho ngàn năm sau nữa. Tất nhiên, cả thế giới phải nhớ mãi tên con”.
Trong không gian sử thi hùng vỹ, Troy đã tạo nên những vị anh hùng huyền thoại, như Achilles và Hector. Khi họ chết, trở thành những đám bụi tan vào gió lộng và rơi xuống biển cả nhưng danh tiếng và sự vĩ đại của họ mãi vang vọng đến cả ngàn năm…
World Cup cũng tương tự. Là một cầu thủ, bạn phải tới World Cup nếu muốn tìm kiếm sự vĩ đại. Đó là sân khấu lớn nhất của những ngôi sao lớn nhất, là cuộc lựa chọn khắt khe để lọc ra tinh hoa của những tinh hoa.
Diego Maradona, người sinh ra ở khu ổ chuột Villa Fiorito và lớn lên trong sự nghèo đói, đến mức mẹ ông luôn phải giả vờ đau dạ dày để các con có thêm một chút thức ăn, đã xuất hiện ở World Cup và trở thành Chúa, hay GOAT (Cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại), hay đơn giản là Cậu bé Vàng.
Pele, cậu bé làm việc trong một quán trà và tôi luyện kỹ năng thiên tài với quả bóng tạo nên bởi giấy vụn buộc lại bằng dây thun, được xưng tung là Vua sau những chiến tích kì vỹ ở World Cup.
Garrincha có đôi chân dị biệt, chân trái cong ra bên ngoài còn chân phải thì lượn vào bên trong, còn được dân chúng Brazil yêu hơn cả Pele. Tại sao? Vì ông quá phi thường, và là người hùng ở World Cup (1962).
Franz Beckenbauer nổi tiếng với sự lịch lãm, trí tuệ và tầm nhìn. Nhưng để được biết đến và thừa nhận rộng rãi với biệt danh Hoàng đế, ông phải tỏa sáng ở World Cup. Và Beckenbauer đã làm. Thậm chí 2 lần, với tư cách cầu thủ và HLV.
Chưa hết, chỉ cần vô địch World Cup, sự vĩ đại cho phép họ làm bất cứ điều gì họ thích.
Maradona nghiện ma túy, từ chối con rơi và vác súng bắn vào phóng viên. Bobby Moore dính nghi án ăn cắp vòng tay vàng trắng, trên có gắn 12 viên kim cương và 12 viên ngọc lục bảo. Zinedine Zidane hành xử như một thằng ngốc với cú húc đầu vào ngực Marco Materazzi. Gerd Muller nốc rượu như điên. Lothar Matthaeus phóng túng và kết hôn tới 5 lần... Tất cả đều được người hâm mộ tha thứ.
Một cầu thủ đến và chiến thắng ở World Cup - Troy của bóng đá, tên tuổi của họ không bao giờ chết và những câu chuyện hào hùng về họ sẽ được kể mãi đến nhiều năm sau.
Vĩ đại? Vậy bạn vô địch World Cup chưa?
Đó là lý do Lionel Messi và Cristiano Ronaldo thèm khát chiếc Cúp Vàng World Cup. Cả hai đã tạo nên thời đại mang tên họ bởi đẳng cấp khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại.
Trong một thập kỷ, Ronaldo và Messi thống trị giải thưởng Quả bóng Vàng với 5 lần chiến thắng cho mỗi người. Ở cấp độ CLB, họ đã sở hữu tất cả những danh hiệu mà một cầu thủ có thể. Ngay cả Champions League, giải đấu mà nhiều cầu thủ lớn như Gianluigi Buffon, Fabio Cannavaro, Lothar Matthaeus, Zlatan Ibrahimovic và cả Ronaldo “béo” bất lực để đăng quang một lần, CR7 và M10 cũng 9 lần vô địch.
Thế nhưng chắc chắn tranh cãi sẽ nổ ra nếu dùng từ vĩ đại để nói về Ronaldo và Messi. Tại sao vậy, trong khi Pele, Maradona, Ronaldo, Beckenbauer, Bobby Charlton, Gerd Mueller hay Zinedine Zidane được thừa nhận mặc nhiên? Nên nhớ rằng không ai trong số họ giành nhiều Quả bóng Vàng hơn Ronaldo và Messi (riêng Pele còn chưa từng được vinh danh).
Không khó để có câu trả lời. Vì các huyền thoại kia từng mang đến những màn trình diễn tuyệt vời nhất ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh và sau đó, kiêu hãnh nâng cao chiếc Cúp thế giới. Khi ấy, họ lập tức trở thành những bức tượng được dát vàng, tỏa ra thứ ánh sánh lấp lánh không bao giờ tắt.
Messi và Ronaldo cũng sẽ như thế, nếu họ vô địch World Cup.
Một số người cho rằng cả hai không cần World Cup để chứng minh sự vĩ đại. Muốn biết lập luận này có chính xác hay không cứ hỏi người Argentina. Mặc dù coi Messi là Chúa cứu thế sau cú hat-trick ở Quito đưa Albiceleste tới World Cup 2018, nhưng 44 triệu dân xứ tango sẵn sàng nhấn anh xuống bùn đen nếu thất bại ở giải đấu trên đất Nga. Và đương nhiên, họ sẽ nói rằng Messi cách Maradona cả vạn năm ánh sáng.
Messi không bao giờ vĩ đại nhất thế giới, cho đến khi vô địch World Cup. Ronaldo cũng vậy. Tương tự là Neymar, Harry Kane, Eden Hazard, Luis Suarez hay Kylian Mbappe.
Bởi bóng đá là môn thể thao tập thể, nhưng vẫn có chỗ cho những cá nhân tỏa sáng, nếu đó là cá nhân xuất sắc. Và tỏa sáng ở một đấu trường như World Cup là cái gì đó cực kỳ khó.
Bạn thấy đấy, không phải ai cũng có thể như Maradona, người một mình đưa Argentina lên ngôi vô địch vào năm 1986. Chưa hết, ông còn đem đến những khoảnh khắc gây kinh ngạc, từ Ác quỷ đến Thiên thần chỉ trong 4 phút ở trận tứ kết gặp Anh.
Đầu tiên là bàn thắng ghi theo kiểu lưu manh, mà sau này được người đời gọi là "Bàn tay của Chúa", khi Maradona nhảy lên, dùng tay đấm trái bóng vào lưới. Trong lúc sự phẫn nộ còn chưa kịp lắng xuống, một cảm giác thán phục đã lên ngôi. Đó là khi ông đi bóng qua 5 cầu thủ Tam sư bằng tốc độ, sức mạnh và kỹ thuật thượng thừa, tạo nên "Bàn thắng thế kỷ".
Nếu bạn nhớ lại tình huống bỏ lỡ của Messi ở trận chung kết 2014, hoặc pha sút phạt đền hỏng ăn trước Iceland, hay đêm diễn vô hồn trong thất bại trước Croatia mới đây, sự khác biệt là quá rõ.
Ronaldo của Brazil là một ví dụ khác. Có lẽ vì là “Người ngoài hành tinh” nên không gì làm khó được anh ta. Và ai đó có thể gây thất vọng, chứ Ronaldo thì không.
19 trận ra sân tại 3 kỳ World Cup, “Ro béo” ghi tới 15 bàn, đạt hiệu suất khó tin 0,79 bàn/trận. Đưa Brazil vào chung kết năm 1998 nhưng không thể đăng quang vì cơn động kinh bí ẩn, không sao cả, Ronaldo trở lại vào năm 2002, ghi một mạch 8 bàn để sở hữu Cúp Vàng.
Nếu vô địch World Cup là dễ dàng, hẳn thế giới đã thừa mứa các huyền thoại vĩ đại. Và Messi đã không phải “khóc hằng đêm” với mơ ước lớn nhất là “vô địch World Cup”, theo lời bà mẹ Celia Cuccittini. Còn bản thân La Pulga mới đây đã khẳng định, “sẽ không từ giã ĐTQG chừng nào chưa vô địch World Cup”.
Paolo Rossi không phải một tiền đạo điển hình. Ông nhỏ bé, yếu đuối và kỹ thuật thì tầm thường. Sự nghiệp ở cấp độ CLB cũng chẳng mấy nổi bật nếu không muốn nói là mờ nhạt.
Trước World Cup 1982, Rossi chỉ chơi 3 trận sau khi trở lại từ án treo giò 2 năm vì dàn xếp tỷ số. Nói chung, chân sút của Italia đóng vai kép phụ không có vẻ gì sẽ trở thành nhân vật vĩ đại.
Bước vào giải đấu, 3 trận đầu Rossi chơi như một gã ngốc, lang thang vô định trên sân và không tạo ra ảnh hưởng bất kỳ. Nhưng rồi sang giai đoạn 2, ông bỗng lên đồng, lập hat-trick vào lưới Brazil, ghi cú đúp trước Ba Lan và ở chung kết, tiếp tục là người mở tỷ số để Azzurri đánh bại Tây Đức 3-1.
Chỉ với 3 màn trình diễn chói sáng ấy, Rossi vụt biến thành người hùng muôn thủa của Italia và huyền thoại của bóng đá thế giới. Một câu chuyện lạ lùng như cổ tích và là minh chứng sống động nhất cho việc, World Cup mang đến vinh quang tột đỉnh, có thể đưa một cầu thủ tầm thường thành tượng đài bất tử. Thật kỳ diệu, phải không?
Tất nhiên nó không hề miễn phí. Tại World Cup, một cầu thủ nếu không sở hữu trí tuệ tuyệt đỉnh của Beckenbauer phải toàn diện như “Ro béo”, hoặc sở hữu bản năng sát thủ của Mueller. Anh ta cũng phải nô đùa với áp lực như Maradona hay Garrincha, chọn khoảnh khắc quan trọng để tỏa sáng như Rossi, sẵn sàng thay đổi đất nước như Zidane hay Charlton.
Một huyền thoại chỉ được tạo ra sau khi một người chiến đấu cật lực vì những gì mình tin tưởng. Nhưng chưa hết, như Rossi nói, “tôi không chỉ chiến đấu cho bản thân, mà chiến đấu vì giấc mơ của cả đất nước”.
“Tôi là ngôi sao duy nhất còn rực rỡ cháy. Đó là ánh sáng cuối cùng, chỉ mờ dần khi mặt trời mọc”, đó là bản hùng ca về những anh hùng thành Troy. Họ đã đến, chiến đấu và trở thành huyền thoại, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ thông qua những câu chuyện bất tận về họ.
Và nếu World Cup 2018 là Troy, ai sẽ là Hector, ai sẽ là Achilles, Odysseus, Paris? Không phải Ronaldo, cỗ máy chiến thắng trong thân hình của một nam thần đã ngậm ngùi nói tạm biệt với World Cup sau trận thua nghiệt ngã với Uruguay đêm qua. Cũng chẳng phải Messi, người đang mắc kẹt với giấc mơ vô địch của 44 triệu dân Argentina, và có lẽ, anh không còn cơ hội để thoát khỏi cơn mơ nay đã trở thành ác mộng ám ảnh cả cuộc đời anh sau này.
Tuy nhiên, World Cup không chỉ có Ronaldo, Messi hay Neymar. Như trường hợp của Rossi, World Cup rất hào phóng để sẵn sàng vinh danh bất cứ ai, miễn là họ làm nên điều phi thường ở những thời điểm phi thường.
“Một người đàn ông lớn lên và nằm xuống như những ngọn lúa mỳ tồn tại trong sự khắc nghiệt của mùa đông, tên của họ sẽ không bao giờ chết”, Odysseus chậm rãi đưa ngọn đuốc vào đống củi dưới xác của Achilles, chiến binh vĩ đại của Hy Lạp, và nói trong cảnh cuối cùng của “Cuộc chiến thành Troy”. Chỉ tỏa sáng ở World Cup, những ngôi sao mới trở nên bất tử.
Theo Thanh Đình (Trí Thức Trẻ)