Câu trả lời là không. Thực tế cũng không chỉ Ronaldo hay Messi vướng phải vòng lao lý mang tên thuế. Jose Mourinho, Luka Modric, Radamel Falcao, Fabio Coentrao và mới nhất là James Rodriguez đều đi vào vết xe đổ mà Messi hay Ronaldo đã dẫm phải.
Khúc mắc sau cùng của tất cả nằm ở hệ thống thuế của xứ sở đấu bò.
Tại Tây Ban Nha, thu nhập trên 60.000 euro bị đánh thuế 45%, không có bất cứ ngoại lệ nào cho bất cứ loại thu nhập nào. Đây là điều khiến những cầu thủ ngôi sao “khó sống” ở xứ sở đấu bò.
Bởi ngày nay việc những cầu thủ không chỉ chơi bóng kiếm tiền, họ còn hành nghề tay trái không còn hiếm, Ronaldo hay Messi đều là những thương hiệu lớn nhất thế giới. Cả hai sở hữu lượng người theo dõi trên mạng xã hội ở mức khổng lồ. Và những nhãn hàng luôn tìm đến Messi hay Ronaldo để ký những hợp đồng quảng cáo.
Lấy ví dụ, số liệu mới nhất của cơ quan Hooper chuyên thống kê, định giá tài sản cho biết một bài đăng của Ronaldo trên mạng xã hội có giá 570.000 bảng, với Messi con số này là 381.000 bảng, đều là những con số khổng lồ.
Rắc rối phát sinh từ đây, Messi và Ronaldo sẽ phải nộp thuế như thế nào cho những khoản tiền kiếm được từ việc “bán” đi hình ảnh của mình trên mạng xã hội? Và nên nhớ, Instagram chỉ là một phần thu nhập nhỏ từ các hoạt động quảng cáo của hai siêu sao có giá trị thương mại lớn bậc nhất thế giới này.
Luật thuế ở Tây Ban Nha quy định là 45%, thậm chí ở Catalonia, mức thuế còn lên tới 49%. Để so sánh, tại Anh mức thuế cũng là 45%, song những cầu thủ trong trường hợp có công ty quản lý hình ảnh sẽ chỉ phải trả mức thuế cho lợi nhuận thu về từ nguồn thu này là 20% (có thể giảm xuống chỉ còn 15% trong tương lai).
Lấy ví dụ. Cầu thủ A có thu nhập là 10 triệu bảng/năm. sẽ phải đóng thuế 45%, số tiền sau cùng cầu thủ A nhận về sẽ là "10 triệu bảng - 10 triệu*45% = 5,5 triệu bảng".
Cầu thủ B có thu nhập cũng là 10 triệu bảng, trong đó 5 triệu bảng từ đá bóng, 5 triệu bảng từ “bán hình ảnh” qua các hợp đồng quảng cáo. Vậy số tiền cầu thủ B nhận về sẽ là (5 triệu bảng - 5 triệu*45%) + (5 triệu bảng - 5 triệu*20%) = 6,75 triệu bảng. Khoản chênh 1,25 triệu bảng này sẽ không tồn tại ở Tây Ban Nha.
Ở Italy, thuế là cho những cầu thủ như Ronaldo hay Messi là 43%, ít hơn 2% so với Tây Ban Nha. Thậm chí ở khoản thu nhập từ bản quyền hình ảnh bên ngoài lãnh thổ Italy, những cầu thủ sẽ chỉ phải trả 88,5 nghìn bảng cho thu nhập trên mức 265.500 bảng, tức không bằng một bài đăng của Ronaldo. Ở Tây Ban Nha, con số mà Ronaldo phải đóng từ một bài đăng Instagram sẽ là 256.000 bảng, gấp 3 lần so với ở Italy.
Những hình thức lách luật
Mức thuế quá gắt gao này khiến những ngôi sao tìm cách lách luật. Câu chuyện Messi phải nộp phạt khoảng 250.000 euro để không phải chịu án phạt tù 21 tháng vì trốn thuế giờ không còn mới với giới mộ điệu. Song cụ thể Messi đã lách luật để trốn thuế như thế nào thì không nhiều tường tận.
Trang Football Leaks từng tiết lộ chi tiết quá trình trốn thuế công phu của Messi. Cụ thể, vào năm 2007, Quỹ từ thiện Leo-Messi được lập ra với đa phần thành viên là người nhà siêu sao Argentina. Chỉ có Giám đốc Inigo Juarez là “người ngoài”. Ông Juarez cũng là người đóng vai trò quan trọng trong việc trốn thuế này.
Ngày 28/4/2016, Barca, CLB chủ quản của Messi, trở thành đối tượng của kiểm toán thuế. Sở dĩ quyết định này tới là bởi khoản tiền 7,5 triệu euro mà Barca “tặng” cho quỹ Leo-Messi. Cơ quan thuế Tây Ban Nha muốn những giấy tờ lý giải khoản “tặng” này.
Theo cơ quan thuế, Messi lẽ ra nên nhận tiền tặng, đóng thuế, xong chuyển vào quỹ. Song câu chuyện lại diễn ra theo kiểu Barca chuyển tiền vào quỹ do Messi thành lập. Công đoạn đóng thuế bị loại trừ, và đó hiển nhiên là hoạt động trốn thuế.
Đó chỉ là một ví dụ nhỏ cho những hoạt động mờ ám của quỹ từ thiện này. Được thành lập năm 2007 nhưng phải tới năm 2013, thì quỹ này mới xin được giấy phép hoạt động tại Tây Ban Nha. Trước đó, chính quyền Catalan đã từ chối làm giấy phép cho quỹ này hai lần vào các năm 2007 và 2009 vì không đủ giấy tờ.
Trong quãng thời gian không có giấy phép gì đó, Barca được cho là đã “tặng” quỹ này 8,5 triệu euro không vì lý do gì. Ngoài những hoat động mập mờ của quỹ từ thiện này, Messi cũng thực hiện những hành vi trốn thuế vì cho rằng hình ảnh của anh có giá trị trên toàn cầu và sẽ không phải đóng thuế.
Nhưng cơ quan thuế vụ Tây Ban Nha nghĩ khác. Họ cho rằng một đôi giày mà Messi quảng cáo trên lãnh thổ Tây Ban Nha sẽ phải đóng thuế theo luật pháp nước này.
Với Ronaldo, CR7 bị buộc tội trốn thuế (tất cả đều là tiền từ bản quyền hình ảnh) từ năm 2011 đến 2014 thông qua công ty vỏ bọc mang tên Tollin Associates đăng ký ở Quần đảo Virgin (khu vực đánh thuế gần như bằng 0). Tháng 6 vừa rồi, Ronaldo chấp nhận mình phạm tội và nộp phạt tiền để tránh án tù 2 năm, dù trước đó CR7 luôn thanh minh rằng mình trong sạch.
La Liga hãy cẩn thận
Ngay sau khi chấp nhận tội trốn thuế, Ronaldo đã chọn cách dứt tình với cơn ác mộng thuế của Tây Ban Nha. Anh chuyển tới Juventus để hưởng hệ thống thuế dễ chịu của Italy. Ronaldo bán nhà, rút vốn kinh doanh khách sạn, nói chung là đoạn tuyệt tất cả với quốc gia có hệ thống thuế gắt gỏng bậc nhất lục địa già.
Javier Tebas, Chủ tịch La Liga thừa nhận với tờ El Mundo rằng ông lo lắng hệ thống thuế tại Tây Ban Nha có thể khiến những ngôi sao chùn chân trong việc tới đây, và ở chiều ngược lại những ngôi sao đang thi đấu sẽ dần nhận ra việc họ mất quá nhiều tiền khi chơi bóng tại xứ sở đấu bò.
Bị vắt kiệt sức từ những phiên tòa, Ronaldo dứt tình với Real.
Những lo lắng này rõ ràng là có cơ sở khi CR7 đã bỏ đi, trong khi những ngôi sao như Eden Hazard hay Mauro Icardi vẫn chần chừ trong việc tới La Liga. Tây Ban Nha từng là thiên đường thuế của bóng đá thế giới trong giai đoạn 2005-2009 khi một cầu thủ nước ngoài có thu nhập trên 600.000 euro mỗi năm chỉ phải đóng thuế 23% (so với 43% của cầu thủ bản địa).
Điều này khiến những nhân tài đổ về La Liga để nhận mức thuế ít hơn so với các giải đấu khác. Song vào năm 2009 đạo luật này đã bị bỏ. Năm 2012, mức thu nhập phải đóng thuế 43% còn giảm từ 600.000 euro mỗi năm xuống còn 300.000 euro mỗi năm.
Nếu tình trạng thuế má khắt khe này còn tiếp tục, sẽ không ngạc nhiên nếu La Liga đánh mất đi những ngôi sao trong thời gian tới, khi Premier League hay Serie A cũng là mảnh đất để phát triển sự nghiệp, và trên hết, là kiếm được nhiều tiền hết mức có thể.
Theo Nhật Anh (Tri Thức Trực Tuyến)