'Mặt trái' của U23 Indonesia: Mối nguy hại cho U23 châu Á

02/05/2024 15:39:44

Trong lần đầu dự VCK U23 châu Á, U23 Indonesia đã lập tức trở thành chú ngựa ô đáng chú ý. Nhưng song song với những màn trình diễn hay, U23 Indonesia để lại không ít điều xấu xí.

VCK U23 châu Á 2024 đang gây một ấn tượng mạnh mẽ với nhiều người về vấn đề kỷ luật. Với việc VAR được áp dụng, các trọng tài tại sân chơi này cũng đặc biệt mạnh tay. Các sai phạm của cầu thủ rất dễ dẫn tới penalty hay thẻ phạt. Ví dụ với U23 Việt Nam, chúng ta đã nhận tổng cộng tới 9 thẻ vàng, 2 thẻ đỏ và 2 lần phải chịu 11m.

Tuy nhiên, nhận nhiều thẻ phạt nhất giải thì phải nói đến U23 Indonesia. Họ đã nhận tổng cộng 13 thẻ vàng, 3 thẻ đỏ và 2 quả penalty. Điều đáng chú ý hơn là, trong khi hầu như tất cả các đội dự giải, bao gồm cả U23 Việt Nam đều im lặng, chấp nhận các phán quyết của trọng tài, thì U23 Indonesia luôn "lớn tiếng kêu oan" mỗi khi họ gặp bất lợi.

'Mặt trái' của U23 Indonesia: Mối nguy hại cho U23 châu Á
Cầu thủ nhập tịch của U23 Indonesia mỉa mai trọng tài Shen Yinhao.

Trận đầu tiên thua Qatar 0-2, từ cầu thủ, HLV cho tới tận Chủ tịch LĐBĐ Indonesia đều kêu oan, chỉ trích trọng tài. Thậm chí Chủ tịch PSSI, ông Erick Thohir còn đòi gửi khiếu nại lên AFC.

Tới trận Bán kết khi họ thua Uzbekistan 0-2, điều đó lại lặp lại. Cầu thủ, HLV U23 Indonesia tiếp tục chỉ trích, mỉa mai trọng tài. Điều đáng ngạc nhiên là AFC cho tới lúc này vẫn chưa phạt các cầu thủ Indonesia dám công khai chê trách trọng tài.

Còn HLV Shin Tae-yong, trước thềm trận tranh giải ba với U23 Iraq, tiếp tục bài ca về trọng tài:

"Khi nhìn lại trận bán kết, một số điều vẫn còn làm phiền tâm trí tôi. Các cầu thủ đã cố gắng hết sức nhưng có một số tình huống khiến trận đấu trở nên khó khăn hơn. Mỗi khi trọng tài thổi còi, vận mệnh trận đấu lại thay đổi. Có lẽ đó là lý do khiến chúng tôi cảm thấy khó khăn như vậy.

Trong tương lai, nếu AFC muốn phát triển hơn, chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau nhiều hơn. Các đội bóng, cầu thủ và AFC, mọi người đều phải tôn trọng lẫn nhau. Tôi đã xem lại video (về trận thua Uzbekistan ) nhiều lần. Tôi đã dành hơn 40 năm làm bóng đá và tôi hiểu rất rõ mọi quyết định của trọng tài. Tôi hy vọng AFC sẽ tôn trọng. Tôi hy vọng AFC có thể giúp đỡ để trận đấu này diễn ra một cách công bằng".

'Mặt trái' của U23 Indonesia: Mối nguy hại cho U23 châu Á - 1
U23 Indonesia liên tục than bị xử ép trong khi các án phạt họ phải chịu đều xứng đáng.

Nếu là những fans bóng đá không xem cách U23 Indonesia thi đấu trước U23 Qatar hay U23 Uzbekistan, có khi lại bị các lời lẽ thống thiết của HLV Shin Tae-yong đánh lạc hướng.

Nhưng xem rồi thì biết ngay, trọng tài nào có xử ép U23 Indonesia?

Nói riêng về trận gần nhất U23 Indonesia thua Uzbekistan, trọng tài có 3 tình huống tạo ra bước ngoặt của trận đấu. Ở phút 28 sau khi check VAR rất lâu, Vua áo đen Shen Yinhao không cho U23 Indonesia đá phạt trực tiếp, cũng lại càng không có 11m vì xác định lại rằng cầu thủ áo trắng đã chạm bóng trước khi làm ngã cầu thủ đối phương. Đây là một quyết định hợp lý.

Ở phút 62, trọng tài từ chối bàn thắng cho U23 Indonesia khi xác định Ramadhan Sananta khi tham gia tấn công đã việt vị, quyết định này cũng chính xác nốt.

Và ở phút 84, trọng tài rút thẻ đỏ cho Rizky Ridho khi cầu thủ này chơi tiểu xảo, lợi dụng đà vung chân khi phá bóng để đá luôn vào vùng "nhạy cảm" của đối phương. Quyết định này của trọng tài lại càng hợp lý.

Chẳng có gì cho thấy trọng tài đã xử ép U23 Indonesia trước U23 Uzbekistan cả.

Vậy thì tại sao từ fans tới cầu thủ, HLV và các quan chức bóng đá Indonesia lại cứ "lớn tiếng kêu oan" như vậy?

Thực tế điều đó chẳng hề mới mẻ. LĐBĐ Indonesia còn từng đòi rời LĐBĐ Đông Nam Á sau giải U19 Đông Nam Á 2022 cơ mà. Khi đó, họ cho rằng đội của mình oan ức, bị U19 Việt Nam "bắt tay" với U19 Thái Lan loại ngay từ vòng bảng. Thế là một trò bi hài được LĐBĐ Indonesia dựng nên.

Công bằng mà nói, ở VCK U23 châu Á 2024, U23 Indonesia đã có những thay đổi đáng khen, nhất là ở tác phong chơi bóng. Sau trận đầu đá xấu xí và thua U23 Qatar vì VAR, U23 Indonesia đã tiết chế lại rất nhiều, tập trung vào chơi bóng hơn là đá thô bạo, tiểu xảo. Màn trình diễn của U23 Indonesia trong thế bị U23 Uzbekistan ép "ngột thở" vẫn có thể hiểu được.

Vấn đề là, trong khi cố gắng chơi đỡ xấu hơn trên sân bóng, phong cách "ăn vạ" của bóng đá Indonesia vẫn còn y nguyên. Khi đội nhà gặp bất lợi, họ lập tức đổ lỗi cho các bên khác, như chủ nhà hay trọng tài. Đấy có thể là một "thói quen" của bóng đá Indonesia hoặc là một cách để họ đòi hỏi quyền lợi. Nhưng đấy rõ ràng là một cách phản ứng cực kỳ xấu xí, thậm chí có hại cho cuộc cải cách hòng hướng về bóng đá đẹp của AFC.

Có lẽ, AFC nên nghiêm túc cân nhắc những hành vi của cầu thủ và HLV U23 Indonesia khi họ chỉ trích, mỉa mai công tác trọng tài. Nếu cần, AFC nên đưa ra án phạt để cuộc cải cách hướng về bóng đá đẹp được thực hiện triệt để.

 

Theo Đoàn Dự (Nguoiduatin.vn) 

Nổi bật