HLV Park Hang-seo đang phải đối diện với áp lực rất lớn vô địch AFF Cup 2018 sau lần giúp đội tuyển U-23 Việt Nam (VN) lên ngôi á quân giải trẻ châu Á. Ông thầy người Hàn Quốc cũng có một vài trận dẫn dắt đội tuyển quốc gia và gần nhất là thủ hòa Jordan 1-1 ở vòng loại Asian Cup ngay trên sân khách.
Chính bởi sự lột xác của các đội tuyển VN dưới tay HLV Park Hang-seo đã giúp niềm tin từ giới hâm mộ dâng cao, đặc biệt là mong mỏi đăng quang ở đấu trường AFF Cup sau đúng 10 năm. Ngay cả ông Park cũng từng chia sẻ với báo chí Hàn Quốc là ông rất quan tâm đến các sân chơi lớn châu lục nhưng các lãnh đạo VFF lại nói với ông về giải AFF Cup có tầm quan trọng hơn.
Sự tin tưởng vào HLV Park Hang-seo sẽ làm nên chuyện ở AFF Cup dựa vào cơ sở đội tuyển U-23 VN trước khi đá giải châu Á chỉ mơ một trận hòa và chẳng ai ngờ họ đi thẳng một mạch đến chung kết.
Vài tháng sau đó, lứa cầu thủ nổi bật tại thời điểm đá giải như Quang Hải, Tiến Dũng… luôn là những chủ đề nóng. Họ vô tình được nâng lên một tầm cao mới cùng sự khao khát sẽ giúp đội tuyển quốc gia làm nên chuyện ở AFF Cup, bất chấp nghi ngại về lứa tuổi lẫn sự từng trải là một vấn đề lớn.
Nên nhớ AFF Cup là sân chơi của đội tuyển quốc gia và luôn là tập hợp của những cầu thủ giỏi nhất chứ không phải nơi để thử nghiệm trẻ. Đấy cũng là lý do người Thái có thể thua xiểng liểng ở các giải trẻ nhưng cứ mỗi lần chơi AFF Cup dành cho cấp đội tuyển, họ gần như không có đối thủ trong khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, nhóm cầu thủ mới nổi của bóng đá VN không phải ai cũng đủ sức khoác áo đội tuyển quốc gia. Ngay cả ở CLB, rất nhiều “ngôi sao trẻ” rất chật vật cạnh tranh suất đá chính với đàn anh hoặc cam chịu “kiếp dự bị” mòn mỏi.
Cứ nhìn cảnh thủ môn Tiến Dũng trận bắt trận nghỉ và thừa nhận mình còn non nớt, cần phải học hỏi nhiều thì hiểu cuộc chơi cấp nội bộ CLB Thanh Hóa đã lắm gian nan. Hay như Quang Hải tỏa sáng ở đâu không cần biết, về đến Hà Nội vẫn như cậu bé út ngày nào mơ ước có chỗ đá chính như đàn anh Thành Lương.
Lại nhớ trận cuối cùng vòng loại Aisan Cup trên sân khách Jordan, ông Park đã gọi nhiều cầu thủ dưới 23 tuổi lên đội tuyển quốc gia, không phải bởi họ chơi hay hơn nhiều đồng nghiệp dày dạn khác.
Đầu tiên là việc ông Park gần như chỉ rành rẽ nhiều hơn nhóm cầu thủ này và chính họ cũng quen thuộc với cách chơi của ông để không mất thời gian học lại. Điều quan trọng nữa là ông Park đã ngắm nghía xa hơn đến ASIAD vào tháng 8 của lứa Olympic nên rất cần nhóm U-23+3 gắn bó nhuần nhuyễn hơn.
Trong trận đá lượt về với Jordan, nhiều cầu thủ trẻ chơi không nổi bật như khi ở sân chơi cùng lứa tuổi, như Công Phượng, Quang Hải, Xuân Trường, Văn Thanh, Xuân Mạnh… Họ vẫn dựa vào các lão tướng như Thanh Trung, thủ môn Văn Lâm (Tuấn Mạnh) hay đàn anh Quế Ngọc Hải, hoặc chân sút già Anh Đức kinh nghiệm và nhạy bén với bàn thắng.
Riêng với đấu trường AFF Cup vào cuối năm nay, HLV Park Hang-seo sẽ phải tính toán rất kỹ và cân nhắc sử dụng cầu thủ trẻ U-23, bởi sân chơi ấy phải dành cho những người giỏi nhất của một nền bóng đá.
Vinh quang và áp lực của cầu thủ trẻ
Rất nhiều cầu thủ U-23 VN sau thành công ban đầu ở giải châu Á thừa nhận đang phải gánh chịu nhiều sức ép khi chơi V-League. Đơn giản là mọi sự chú ý của khán giả trên sân thường dành cho họ với những đòi hỏi khắt khe phải luôn tỏa sáng như đã từng.
Ít ai chịu để ý lứa cầu thủ U-23 có thể lột xác dưới tay HLV Park Hang-seo nhưng khi về CLB, họ không phải là nhân tố không thể thiếu. Ngược lại, cầu thủ trẻ còn gặp nhiều khó khăn trước các đàn anh và ngoại binh vì thành tích cho CLB.
Theo Gia Huy - Như Quỳnh (Pháp Luật TPHCM)