Ở làng võ miền Nam trước năm 1975, có một vị chưởng môn được ca ngợi là "cao thủ đệ nhất" làng võ Việt, là huyền thoại sở hữu công phu vào loại siêu đẳng. Ông là võ sư Trần Tiến (1911-2011), người sáng lập phái Thiếu Lâm nội gia quyền Việt Nam.
CON NHÀ NÒI VỚI NỘI CÔNG PHI PHÀM
Huyền thoại võ thuật Trần Tiến chào đời ngày 4/2/1911 (năm Tân Hợi) tại Cầu Vòng, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, vốn có gốc gác mang họ Hoàng. Ông nội của Trần Tiến (cụ Hoàng Hảo) và thân phụ (Hoàng Tân) vốn cùng chi họ và từng tham gia nghĩa quân Hoàng Hoa Thám.
Năm 1913, cụ Hoàng Hoa Thám qua đời, nghĩa quân tan rã. Ông nội và bố mẹ của võ sư Trần Tiến bất đắc dĩ phải thay tên đổi họ, lẩn trốn về thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng. Tại đây, võ sư Trần Tiến được khai sinh lại (mang tên Trần Tiến) và cũng lấy ngày sinh là 4/2/1913.
Là con nhà nòi vốn có truyền thống võ nghệ, Trần Tiến được ông nội khai tâm võ học từ năm lên 10 tuổi. Hai năm sau, ông nội (cụ Hoàng Hảo) qua đời, Trần Tiến được thân phụ truyền dạy tiếp nhiều thế võ gia truyền.
Thế nhưng, những thế võ gia truyền là chưa đủ với một cậu bé đam mê võ thuật lại có tố chất đặc biệt như Trần Tiến. Từ năm 15-20 tuổi, Trần Tiến theo học thêm môn phái Thiếu Lâm với thầy Lý Giang Nam người Phúc Kiến (Trung Quốc), khi vị cao thủ này cũng chạy sang Hải Phòng lánh nạn.
Với niềm đam mê cháy bỏng và cũng muốn nâng cao trình độ của mình để thỏa chí tang bồng, võ sư Trần Tiến rời Hải Phong, bôn ba nhiều nơi. Suốt những năm sau đó, ông theo học thêm nhiều môn phái, từ Nhu thuật cùng võ sư Tanabe người Nhật Bản, Judo cùng ông Karachi (Nhật Bản) và cả môn quyền Anh cùng võ sư người Pháp gốc Phi là Lafleur.
Thời thanh niên trai tráng đầy sôi nổi lại giỏi võ nghệ, Trần Tiến tham gia nhiều cuộc so tài về roi, kiếm lẫn đánh đối kháng ở miền Bắc trong 6 tháng đầu năm 1936 (năm ông 25 tuổi). Thế nhưng đến tháng 8/1936, Trần Tiến buộc phải rời xa quê hương để vào miền Nam do bị quân thực dân Pháp đe dọa bắt giam với lý do "kích động kẻ xấu luyện võ gây mất an ninh trật tự".
Đặt chân tới Sài Gòn, Trần Tiến hoạt động ở rất nhiều nơi. Vì cuộc sống mưu sinh và sự hiếu thắng của tuổi trẻ nên Trần Tiến thượng đài ở khắp các võ đài miền Trung và miền Nam. Không chỉ thi đấu trong nước, ông còn chinh chiến ở khắp các nước Đông Nam Á với nhiều đối thủ khác nhau.
Đặc biệt, Trần Tiến đã bất khả chiến bại sau nhiều trận tỉ thí. Ông lần lượt đánh hạ các đối thủ sừng sỏ ở nhiều võ đài tại các nước Thái Lan, Philippines, Malaysia, Myanmar, Singapore và cả Hồng Kông khiến nhiều cao thủ phải ngả mũ thán phục. Cái tên Trần Tiến ngày càng nổi như cồn trong giới võ lâm. Giới võ cũng ca ngợi Trần Tiến là cao thủ có nội công, khí công ở trình độ thượng thừa.
Võ sư Trần Tiến có vóc dáng cao lớn, lại có đòn "mãnh hổ xuyên tâm" rất lợi hại cộng thêm nội công đỉnh cao nên ông được nhiều người trong giới võ gọi là "Mãnh hổ".
TRẬN ĐẤU GÂY CHẤN ĐỘNG GIỚI VÕ LÂM
Sinh thời, võ sư Trần Tiến từng có lần kể lại trận tỉ thí đáng nhớ bậc nhất trong nghiệp võ của ông, đó là lần tỉ thí với cao thủ được ví là lực sĩ người Singapore – Tiểu Lâm Xung. Đây là cuộc thượng đài then chốt diễn ra ngay tại Singapore sau khi Trần Tiến đã đả bại hàng loạt đối thủ người bản địa.
Tiểu Lâm Xung là võ sĩ có thân hình như hộ pháp với vóc dáng cao lớn, lại có cơ bắp cuồn cuộn, được coi là một lực sĩ. Không những có sức vóc hơn người, Tiểu Lâm Xung còn là cao thủ về ngạnh công, có thể đưa ngực, bụng chịu những cú đá như trời giáng mà không hề hấn gì.
Võ sĩ này còn sở hữu vũ khí lợi hại trên sàn đấu, đó là "bàn tay sắt" (thiết thủ) co thể đấm vỡ cả tấm gỗ dày 5 phân. Khi đã thi triển thiết thủ thì ngay cả khi đã thấm mệt, Tiểu Lâm Xung cũng có thể khiến đối thủ trọng thương thậm chí là bỏ mạng.
Trước trận tỉ thí, Tiểu Lâm Xung với lợi thế về thể hình và sức vóc đã tỏ ra ngạo mạn. Nhân vật này tuyên bố sẽ dùng thiết thủ hạ đo ván Trần Tiến ngay trong hiệp 1. Theo quy định của ban tổ chức võ đài thì trận đấu bao gồm 8 hiệp, mỗi hiệp dài 3 phút. Hai võ sĩ chỉ bị cấm đánh xòe tay, còn đòn hiểm như cùi chỏ, lên gối đều được sử dụng và không mặc áo giáp bảo hộ.
Thế rồi, trận tỉ thí được chờ đợi nhất cũng đến. Ngay sau tiếng kẻng báo hiệu hiệp 1, Tiểu Lâm Xung liền tới tấp tung đòn tấn công, đẩy Trần Tiến vào thế phải chủ động phòng thủ, chờ cơ hội để phản kích.
Suốt 4 hiệp đấu trôi qua, Tiểu Lâm Xung chiếm thế trận lấn lướt dựa vào sức mạnh của mình. Thế nhưng, khi thấy Trần Tiến liên tục tránh né và thoái lui, Tiểu Lâm Xung dần tỏ ra ham đòn và để lộ những khoảng trống trước mặt.
Thế rồi, lợi dụng "thời cơ vàng" khi Tiểu Lâm Xung tỏ ra chủ quan, Trần Tiến bất ngờ hạ thấp tấn pháp, trườn người nhập nội như con rắn và bật ngược lên thúc đòn "xà vương phún khí" hiểm hóc đúng vào hạ bộ đối thủ.
Dính đòn quá hiểm, Tiểu Lâm Xung lập tức gục xuống sàn rồi bất tỉnh. Cả khán đài sững sờ không hiểu chuyện gì xảy ra. Khi trọng tài vừa giơ tay Trần Tiến lên để tuyên bố thắng cuộc thì Trần Tiến liền cúi xuống để xem đối thủ bị thương ra sao. Thì ra, cú đánh quá mạnh của Trần Tiến đã làm miếng bảo hộ vùng hạ bộ của Tiểu Lâm Xung bị vỡ.
Thế nhưng, Trần Tiến lại cảm thấy hối hận vì đã đánh đòn hiểm này dù nó không hề phạm luật. Ông chắp tay xin lỗi đối thủ và xin lỗi khán giả rồi chủ động nhận thua. Đêm hôm đó, Trần Tiến không tài nào chợp mắt nổi vì nghĩ tới cú đòn mà ông đã ra tay để hạ gục Tiểu Lâm Xung.
SÁNG LẬP PHÁI THIẾU LÂM NỘI GIA QUYỀN VIỆT NAM
Sau trận đấu với Tiểu Lâm Xung, Trần Tiến tiếp tục gắn bó với võ thuật với vai trò là một vị chân sư. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông từng tham gia huấn luyện võ thuật cho lực lượng bộ đội đặc biệt tinh nhuệ.
Trần Tiến từng có tới 32 năm phục vụ trong quân ngũ (1946 đến 1978) rồi mới nghỉ hưu. Thế nhưng đến cuối năm 1981, ông còn tự nguyện sang huấn luyện võ thuật theo định kỳ cho quân đội Campuchia và mãi đến năm 1989 mới về nghỉ hẳn tại TP.HCM.
Vốn sẵn vốn liếng võ cổ truyền Việt Nam cộng thêm tinh hoa của một số môn võ khác từ Trung Quốc, Nhật Bản… cùng nhiều năm gắn bó với nghiệp võ, võ sư Trần Tiến đã tinh lọc và đúc kết thành môn phái Thiếu Lâm Nội gia quyền Việt Nam, phổ biến tại Trung tâm TDTT Quốc phòng 2, Nhà Bảo tàng Không quân phía Nam. Học trò của ông có cả người Mỹ, Pháp, Ý, Nga, Brazil…
Sinh thời, võ sư Trần Tiến từng có lần kể rằng vào năm 1961, ông lập gia đình cùng bà Trịnh Kim Thoa. Thế nhưng, do hậu quả từ các trận bom đạn trong kháng chiến chống Pháp, vợ ông thường đau yếu rồi qua đời vào năm 1962. Từ đó, võ sư Trần Tiến sống đơn thân.
Mồ côi cha mẹ từ trẻ, lang bạt khắp nơi, chẳng còn bà con dòng họ, người vợ cũng vĩnh viễn ra đi. Thế nhưng, võ sư Trần Tiến không cảm thấy cô độc bởi xung quanh ông vẫn có niềm an ủi rất lớn từ đồng đội, bạn bè, thân hữu và học trò của ông.
Với những đóng góp rất to lớn, võ sư Trần Tiến từng được Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam trao tặng Huy chương vàng danh dự vào năm 1997. Đến năm 2011 khi đã cao tuổi, võ sư Trần Tiến vẫn tham gia thành lập và điều hành CLB Võ thuật phương Đông tại đại học dân lập Hồng Bàng ở TP.HCM. Đến năm 2003, ông được trao tặng Huy chương vì sự nghiệp TDTT.
Những năm cuối đời, dù đã ở tuổi cửu tuần, đại lão võ sư Trần Tiến vẫn còn cùng một số học trò tham gia biểu diễn khí công ở một số địa điểm tại TP.HCM.
Cho tới ngày 21/2/2011, đại lão võ sư Trần Tiến qua đời vì tuổi cao, hưởng thọ 101 tuổi, để lại một sự nghiệp lừng lẫy. Cho tới nay, với nhiều người hâm mộ võ thuật, ông là một trong những tượng đài lừng lẫy bậc nhất của làng võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Theo Tiểu Mã (Pháp luật và Bạn đọc)