Ở một trong những cuộc họp định kỳ với các nhà đầu tư vào năm 2018, Ed Woodward, cựu PCT điều hành của Man United đã thốt ra những lời mà không bao giờ NHM có thể bỏ qua: “Hiệu suất thi đấu không thực sự có tác động đến khía cạnh thương mại của CLB”.
Phát ngôn đó đã tóm gọn những sai lầm đã diễn ra ở CLB này: đạt được thành công trên sân cỏ không còn được coi là ưu tiên hàng đầu nữa, mà mục tiêu lớn nhất của Man United trong nhiều năm qua là việc tối đa hóa doanh thu thông qua nhiều hoạt động tài trợ trên toàn cầu.
Nhưng sự giàu có liệu có ích lợi gì, nếu đặt cạnh những chia sẻ của giám đốc điều hành đương nhiệm Richard Arnold trong bối cảnh các CĐV đang biểu tình: “Trong tương lai, chúng ta phải sửa chữa những sai lầm, nhưng thực tế đang xảy ra là chúng ta đã đốt hết tiền. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi đã sử dụng đúng mục đích số tiền nửa tỉ bảng đã chi ra trước đây”.
Từ năm 2012, doanh thu của Man United tăng dần cho đến khi sụt giảm nhẹ vào năm 2015, rồi đạt kỷ lục 627,1 triệu bảng vào tháng 6/2019. Sau đó, con số này giảm xuống 509 triệu bảng (2020) và tiếp tục xuống mốc 494,1 triệu bảng, theo như báo cáo tài chính hàng năm mới nhất vào năm 2021.
Mặc dù không đạt được nhiều thành công trên sân cỏ trong một thập kỷ qua, Man United vẫn có thể tạo ra những khoản tiền khổng lồ nhờ lịch sử lừng lẫy của họ. Tuy nhiên, không gì là tồn tại mãi mãi.
Với việc vẫn phải trả lãi cho các khoản nợ sau khi nhà Glazer mua lại CLB bằng hình thức đòn bẩy vào năm 2015 (tổng cộng 282 triệu bảng và 122 triệu bảng cho các khoản chi trả cổ tức kể từ năm 2016), Man United vẫn đang thua lỗ ngày một đậm hơn.
Có cảm giác nhà Glazer vẫn đang bòn rút tiền của CLB vào thời điểm mà họ đã tụt lại rất xa so với các đối thủ, dù là trên sân cỏ hay so sánh về cơ sở hạ tầng, và đó chính là điều luôn khiến những CĐV của Man United sôi sục.
Các chủ sở hữu về lý thuyết đã được nhận thêm 11 triệu bảng cổ tức nữa vào ngày thứ 6 tuần trước. Gary Neville đã đăng trên Twitter vào ngày 20/6 để yêu cầu họ từ chối nhận khoản thanh toán này, tuyên bố không chia cổ tức trong 3 năm tới và đầu tư số tiền đó vào việc cải thiện đội hình, trùng tu Carrington và Old Trafford.
Gia đình Glazer không nên nhận 11 triệu bảng tiền cổ tức, khi mà lượng tiền mặt của CLB đang giảm nghiêm trọng. Cần có thông báo để tạm dừng hoạt động này. Để hỗ trợ dòng tiền trong đại dịch COVID-19, nhà Glazer đã trì hoãn hơn một nửa số tiền mà họ thường nhận được từ cổ tức.
Kieran Maguire, một giảng viên tại Đại học Liverpool và tác giả cuốn sách The Price Of Football cho biết: “Vào năm 2021, họ đã trì hoãn việc thanh toán một trong những khoản thu cho đến năm 2022, vì vậy tôi nghĩ rằng họ sẽ thu về 33 triệu bảng vào năm 2022.
Phải nói rằng việc chia cổ tức của các doanh nghiệp là hoàn toàn bình thường, nhưng Man United là CLB bóng đá duy nhất làm như vậy. Việc niêm yết của Manchester United PLC trên Sàn giao dịch chứng khoán New York cũng có nghĩa là các khoản thanh toán hoàn toàn minh bạch.
Trên thực tế, việc trả cổ tức không ảnh hưởng đến việc Man United chi hơn 1 tỷ bảng từ năm 2013, và số tiền phục vụ cho việc này cũng là nhỏ khi so sánh với doanh thu tổng thể. Hơn nữa, mặc dù nhà Glazer vẫn đút tiền vào túi đều đặn, nhưng mặt khác một lượng cổ tức cũng được chuyển đến các quỹ hưu trí, các nhà đầu tư và các CĐV. Tuy vậy, điều đó không rửa trôi được nỗi tức giận trong tâm trí phần lớn NHM Man United.
“Có lẽ điều đó sẽ tồi tệ hơn đối với một doanh nghiệp không đầu tư vào bất động sản. Nếu bạn nhìn vào các dự án như Big Picture và Super League… thì có thể thấy các quỹ tổng mà từ đó các nguồn vốn phục vụ dự án sẽ được tài trợ. Vì vậy, Man United đã hy vọng rằng Premier League sẽ đóng vào sự phát triển của Old Trafford hơn là thu lợi cho nhà Glazer.
Điều đó sẽ khiến United phải tìm đến những bên cho vay để tài trợ cho khoản đó, bởi đương nhiên là nhà Glazer sẽ không đổ tiền vào nữa. Đối với những người cho rằng họ quan tâm đến CLB và bóng đá thì họ đã nhận được việc bán cổ phần từ Kevin Glazer và Edward Glazer vào năm ngoái.
Họ đã kiếm được số tiền được cho là khoảng 100 triệu bảng và đó là lượng cổ tức cao nhất. Man United là một con gà đẻ trứng vàng của nhà Glazer”, Maguire trả lời khi được hỏi liệu việc trả cổ tức có bị coi là tồi tệ hay không khi nó được thực hiện bởi một CLB bóng đá.
Trong ấn bản Football Money League gần đây nhất của Deloitte, được xuất bản hồi tháng 3/2022, tức là chưa đầy 12 tháng sau khi mùa giải 2020/21 kết thúc, Man United đứng ở vị trí thứ năm sau Man City, Real Madrid, Bayern Munich và Barcelona.
Để so sánh, họ đứng thứ tư vào mùa 2019/20; thứ ba ở mùa giải 2018/19 và 2017/18; dẫn đầu ở hai mùa 2016/17 và 2015/16; thứ ba ở mùa 2014/15, thứ hai ở mùa 2013/14 và thứ tư ở mùa 2012/13. Và trước khi bị Man City soán ngôi vào năm nay, họ chưa bao giờ bị xếp hạng thấp hơn một CLB Anh khác.
Nó làm nổi bật việc Man United bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, khi trong thực tế doanh thu trong ngày thi đấu của họ giảm từ 110,9 triệu bảng (2019) xuống 89,8 triệu bảng (2020) trước khi tụt thẳng xuống chỉ còn 7,2 triệu bảng (2021). Chơi bóng giữa một SVĐ trống vắng, hệ thống bán hàng ế ẩm khiến Man United gặp khó khăn hơn nhiều so với các đối thủ ở Premier League và châu lục.
Trước đây, Old Trafford luôn sôi động mỗi dịp cuối tuần - các gian hàng luôn nhộn nhịp và các CĐV sẽ đi thăm quan một trong những địa điểm nổi tiếng nhất trong thế giới bóng đá và các khách sạn xung quanh Old Trafford sẽ luôn kín phòng. Thu nhập trong ngày thi đấu ở mức khoảng 110 triệu bảng trong những năm trước đại dịch.
Một cách để cải thiện ngay lập tức nguồn thu nhập là tăng giá vé theo mùa lần đầu tiên sau 11 năm, nhưng khoản lợi nhuận tài chính đó có thể không đáng kể so với những thiệt hại mà nó gây ra cho các mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa nhà Glazer và các CĐV.
“Tôi nghĩ rằng Man United bị ảnh hưởng bởi Covid nhiều hơn so với một số đối thủ cùng đẳng cấp, bởi họ từng có doanh thu trong ngày thi đấu cao nhất và đó là lĩnh vực bị tổn hại đáng kể nhất. Tôi vẫn kỳ vọng họ sẽ ở mức khoảng 600 triệu bảng (tổng doanh thu) trong năm 2022. Họ đã mở cửa Old Trafford suốt mùa giải, điều đó sẽ giúp tăng doanh thu trong ngày thi đấu trở lại khoảng 110 triệu bảng”.
Sự lạc quan của Maguire rằng Man United không thiếu tiền mặt như một số người nghĩ được hỗ trợ bởi kết quả hàng quý mới nhất của CLB, được công bố vào tháng Năm. Doanh thu tăng từ 118,3 triệu bảng trong cùng kỳ năm ngoái lên 152,8 triệu bảng trong ba tháng cuối tính đến ngày 31/3/2022.
Doanh thu thương mại trong cùng quý đó đã tăng từ 58,1 triệu bảng trong năm ngoái lên 65,6 triệu bảng, trong khi doanh thu trong ngày thi đấu tăng từ 1,6 triệu bảng lên 35,7 triệu bảng. Nhưng CLB vẫn lỗ khoảng 21,8 triệu bảng trong khoảng thời gian đó.
Điều này do nhiều nguyên nhân mà một trong số đó đến từ một số trận đấu trên sân nhà của Ma United không có khán giả ở mùa giải 2020/21. Mặc dù những con số đó - ngoại trừ khoản lỗ - là đáng khích lệ, nhưng cơ hội để tăng trưởng hơn nữa, vượt qua doanh thu kỷ lục đó vào năm 2019 vẫn là khó khả thi cho đến khi Man United thành công trở lại trên sân cỏ.
Khi TeamViewer thay thế Chevrolet làm nhà tài trợ áo đấu của Man United vào năm ngoái, nhiều báo cáo cho rằng thương vụ này có giá trị thấp hơn đáng kể so với 64 triệu bảng mỗi mùa của công ty xe hơi Mỹ.
Maguire nói: “Tôi nghĩ rằng Chevrolet đã trả quá nhiều tiền cho thỏa thuận này và TeamViewer có lẽ đã đưa ra con số giống với giá thị trường hơn. Các nhà tài trợ muốn nhìn thấy thành công. Man United cần nỗ lực để đem về những chiếc cúp và thành tích thực tế trên sân cỏ”.
Theo trang web của CLB, Man United hiện có 22 đối tác toàn cầu, 9 đối tác truyền thông thông qua kênh truyền hình nội bộ MUTV, 13 đối tác tài chính và 3 đối tác khu vực. Cho dù đó là thỏa thuận với Mlily - nhà sản xuất nệm và gối toàn cầu hay Remington - nhà thiết kế đồ điện tử, Man United vẫn là một điểm thu hút trên toàn thế giới khi khám phá các cơ hội thương mại.
Điều đó nói lên rằng, doanh thu thương mại của họ đạt 47 triệu bảng, giảm từ 279 triệu bảng (năm 2020) xuống còn 232,2 triệu bảng (năm 2021). Man United cho biết việc không có chuyến du đấu nước ngoài trước mùa giải 2020/21, một lần nữa do tác động của COVID-19 là lý do chính đằng sau sự sụt giảm đó.
Một phần đáng kể của khoản lỗ thương mại đó đã được trừ vào trong doanh thu tài trợ, giảm từ 182,7 triệu bảng (năm 2020) xuống còn 140,2 triệu bảng (năm 2021). “Các nhà tài trợ sẽ chỉ trả nhiều tiền hơn nếu CLB cho thấy sự tiến bộ. Nếu nhìn vào doanh thu thương mại, nó đã tăng từ 152 triệu bảng năm 2013 lên 268 triệu bảng vào năm 2016. Về lý thuyết thì nó là điều tuyệt vời. Những điều đó có hiệu quả trong thỏa thuận với Chevrolet và hợp đồng với Adidas.
Đó là một thách thức bởi nếu bạn là một đối tác thương mại, bạn muốn sản phẩm của mình thành công và Man United đã không đem lại điều đó. Doanh thu thương mại tăng cao kể từ năm 2016 và dần không còn duy trì được nữa, bởi vì Man United đang dựa vào lịch sử của họ để tạo ra các giao dịch hơn là hiện tại”, Maguire nói.
Một nguồn tin cho biết Man United sẽ được lợi nếu có tầm nhìn dài hạn hơn khi nói đến việc tăng doanh thu thương mại của họ. Khó khăn tài chính đã tới sớm, nó là cơ hội để giúp họ thu thập thông tin nhằm xây dựng định hướng cho 10 năm sắp tới, chứ không phải chỉ 3 năm trước mắt.
Có cảm giác rằng vì COVID-19, CLB đã phần nào lạc lối trong việc đảm bảo an toàn cho các đối tác. Có thể hiểu được rằng họ cần tiền mặt để giúp bù đắp lỗ hổng tài chính do đại dịch gây ra.
Một lý do khác khiến tài chính của họ giảm sút là do hoạt động kinh doanh cầu thủ. Daniel James đem về cho Man United 25 triệu bảng sau khi chuyển đến Leeds vào hè 2021 là một trong những thương vụ hiếm hoi CLB kiếm được lợi nhuận từ bán cầu thủ suốt một thập kỷ qua (tổng cộng 5 lần).
Maguire tính toán lợi nhuận từ bán cầu thủ của Man United trong giai đoạn 2014-2021 chỉ là 101 triệu bảng, so với 228 triệu bảng của Manchester City, 370 triệu bảng của Liverpool và 568 triệu bảng của Chelsea.
Man United đã từ chối một đề nghị đáng giá vào tháng Giêng vừa qua để giữ lại Jesse Lingard, người chỉ còn sáu tháng trong hợp đồng. Anh ta hiện đã rời CLB dưới dạng cầu thủ tự do, tương tự các trường hợp của Paul Pogba, Juan Mata, Nemanja Matic và Edinson Cavani. Maguire nói: “Họ trở thành một trạm trung chuyển kỳ lạ, gia hạn hợp đồng với các cầu thủ không còn hữu dụng, trả lương rồi để họ rời đi tự do sau khi kết thúc hợp đồng”.
Man United không chỉ tụt hậu so với các đối thủ trong nước về nguồn tài chính được tạo ra thông qua giao dịch cầu thủ mà họ còn dần trở thành một đội bóng làng nhàng ở Champions League. Kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu vào cuối mùa giải 2012/13, Man United chỉ có 4 lần đứng trong Top 4.
Họ vẫn chưa thể tiến xa hơn vòng tứ kết Champions League bất kể đã liên tục thay HLV và đổ hàng tấn tiền vào thị trường chuyển nhượng. Điều này đồng nghĩa với việc họ mất luôn các khoản thưởng từ UEFA, thứ mà Liverpool, City và Chelsea đã nhận, dẫn đến sự khác biệt khi nói tới việc chi tiền cho thị trường chuyển nhượng.
Tuy nhiên, việc UEFA thay đổi các quy định về vòng loại, có nghĩa là Premier League gần như chắc chắn sẽ có 5 suất dự Champions League mỗi mùa thay vì 4 suất từ mùa giải 2024/25. Điều này sẽ có lợi cho Man United và giúp họ thu hẹp khoảng cách.
Nhưng trái ngược với những gì Woodward đã nói vào năm 2018, những gì diễn ra trên sân cỏ vẫn rất quan trọng - và túi tiền của Man United đang bắt đầu phản ánh điều đó. Vào thời điểm mà các đối thủ như Liverpool và Man City cho thấy sự phát triển về tài chính, Man United dường như đã dừng lại.
Nếu tân HLV Erik ten Hag có thể biến CLB trở lại thành một thế lực thống trị bóng đá, thì dòng chảy của tiền sẽ lại một lần nữa được rót vào các tài khoản của Man United. Còn từ giờ cho đến lúc đó, câu hỏi của các CĐV vẫn sẽ là liệu họ có còn một tỷ bảng để đem về những cầu thủ mới trong thập kỷ tới hay không.
Theo Khôi Nguyên (Bongdaplus.vn)