Màn đấu cử tạ rúng động Olympic Tokyo 2020: VĐV chuyển giới tranh HCV ở hạng cân nữ, thất bại toàn tập nhưng vẫn để lại nhiều tranh cãi

02/08/2021 22:25:24

VĐV cử tạ người New Zealand đã đi vào lịch sử khi là người chuyển giới đầu tiên được tranh tài ở Thế vận hội Tokyo 2020.

Vào lúc 17h50' chiều nay 2/8 (giờ địa phương), cuộc so tài giữa các nữ đô cử hạng cân trên 87kg diễn ra thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả truyền hình bởi có sự góp mặt của một VĐV đặc biệt mang tên Laurel Hubbard. VĐV này đặc biệt không phải bởi tài năng phi thường hay tiếng tăm lừng lẫy mà bởi giới tính của cô.

Lần đầu tiên trong lịch sử Thế vận hội, một VĐV chuyển giới được phép tham gia tranh tài. Đây là sự kiện gây tranh cãi gay gắt trong cộng đồng mạng và cả giới thể thao suốt thời gian qua. Để rồi cuối cùng, Laurel vẫn được bước lên sàn đấu ở Olympic Tokyo 2020 và tiến đến vòng chung kết.

Dẫu không thể giành được tấm HCV sau 3 lần thất bại ở mức tại 125kg, nhưng Laurel Hubbard vẫn để lại nhiều tai tiếng không phải từ lỗi của cô.

Màn đấu cử tạ rúng động Olympic Tokyo 2020: VĐV chuyển giới tranh HCV ở hạng cân nữ, thất bại toàn tập nhưng vẫn để lại nhiều tranh cãi

Một quyết định gây "bùng nổ"

Laurel Hubbard (sinh năm 1978), VĐV cử tạ người New Zealand, vốn có tên là Gavin Hubbard. Năm 2013, VĐV này tiến hành phẫu thuật chuyển sang giới tính nữ và lấy tên Laurel Hubbard. Trước khi chuyển giới, Hubbard đã thi đấu ở nhiều giải trong nước lẫn quốc tế và cũng giành được một số thành tích.

Màn đấu cử tạ rúng động Olympic Tokyo 2020: VĐV chuyển giới tranh HCV ở hạng cân nữ, thất bại toàn tập nhưng vẫn để lại nhiều tranh cãi - 1

Tuy nhiên, làn sóng tranh cãi nổ ra từ khi Hubbard chuyển giới và thi đấu với tư cách là một nữ giới.

Cụ thể, VĐV này đã giành HCB ở giải vô địch thế giới năm 2017 ở nội dung 90kg nữ. Năm 2018, nữ đô cử người New Zealand này tiếp tục tham dự Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung và vấp phải sự phản ứng gay gắt từ Hiệp hội Cử tạ Australia. Đến năm 2019, Hubbard lại gây tranh cãi tại Samoa khi cô giành HCV Thế vận hội Thái Bình Dương (Pacific Games).

Màn đấu cử tạ rúng động Olympic Tokyo 2020: VĐV chuyển giới tranh HCV ở hạng cân nữ, thất bại toàn tập nhưng vẫn để lại nhiều tranh cãi - 2

Thế nhưng, tranh cãi lên đến đỉnh điểm vào tháng 6 vừa qua khi Ủy ban Olympic New Zealand (NZOC) thông báo Hubbard được phép tham dự Olympic tại Nhật Bản.

Chủ tịch NZOC, bà Kereyn Smith cho biết, Hubbard đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đối với VĐV chuyển giới thi đấu ở Thế vận hội và họ tập trung vào việc đảm bảo rằng Hubbard được đối xử tôn trọng và có thể biểu diễn hết khả năng của mình.

Màn đấu cử tạ rúng động Olympic Tokyo 2020: VĐV chuyển giới tranh HCV ở hạng cân nữ, thất bại toàn tập nhưng vẫn để lại nhiều tranh cãi - 3
Chủ tịch NZOC, bà Kereyn Smith

Bà nói: "Chúng tôi đánh giá cao rằng mọi sự chú ý của thế giới đang đổ dồn vào Hubbard trong cuộc thi này và đó là một 'sân khấu' lớn, vì vậy nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là đảm bảo rằng chúng tôi làm mọi thứ có thể để bảo vệ cô ấy. Tôi nghĩ chúng ta phải lưu ý rằng Hubbard Hubbard cũng là một con người, cô ấy có cảm xúc và cô ấy đủ điều kiện để đứng trên sàn đấu Olympic và chúng tôi chúc cô ấy mọi điều tốt đẹp nhất".

Trong một tuyên bố do NZOC đưa ra, bản thân Laurel Hubbard đã bày tỏ sự cảm kích đối với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vì cam kết của họ trong việc đưa thể thao trở nên hòa nhập và dễ tiếp cận. "Thế vận hội là một lễ kỷ niệm toàn cầu về hy vọng, lý tưởng và giá trị của chúng tôi", Hubbard nói.

Trước đó, IOC đã "mở đường" cho các VĐV chuyển giới thi đấu tại Thế vận hội vào năm 2015, với điều kiện mức testosterone của họ dưới 10 nanomoles/lít trong ít nhất 12 tháng trước cuộc tranh tài. Thế nhưng, điều này vẫn gây ra nhiều ý kiến trái chiều bởi lẽ lượng testosterone của các nữ VĐV chỉ khoảng từ 0,12 đến 1,79 nanomoles/lít.

Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng trường hợp nam chuyển giới sang nữ khi qua độ tuổi dậy thì vẫn "có lợi thế đáng kể". Sức mạnh cơ bắp và hình thể của họ không giảm sút ngay cả khi dùng thuốc ức chế testosterone.

Hôm 31/7, ban tổ chức Olympic đã tổ chức một cuộc họp báo trước giới truyền thông ở Tokyo để thảo luận về việc VĐV chuyển giới tham gia Thế vận hội. Phát biểu tại cuộc họp, người phát ngôn của Liên đoàn cử tạ quốc tế Mark Cooper cho biết sự tham gia của các VĐV nữ chuyển giới là một câu hỏi để tìm ra sự cân bằng giữa "hòa nhập và công bằng".

Ông cho biết Hubbard đã đáp ứng các tiêu chuẩn thành tích thể thao cần thiết cũng như chính sách VĐV chuyển giới của IWF, dựa trên các nguyên tắc do IOC đặt ra vào năm 2015.

Những ý kiến tranh cãi gay gắt

Quyết định để Hubbard thi đấu ở hạng cân nữ đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ, không chỉ từ phía người hâm mộ mà còn từ các VĐV từng tham gia thi đấu môn cử tạ. Tuy nhiên, nhiều VĐV không dám lên tiếng bày tỏ quan điểm vì lo sợ hậu quả. Trong khi đó, những người ủng hộ quyền của người chuyển giới đã hoan nghênh quyết định của IOC khi cho phép các vận động viên chuyển giới như Hubbard thi đấu tại các hạng mục dành cho nữ.

Liên đoàn Cử tạ Tây Ban Nha cho rằng việc để một VĐV "từng là nam" thi đấu ở giải dành cho nữ là điều bất công.

Chủ tịch Liên đoàn cử tạ Tây Ban Nha, Constantino Iglesias đã có những chia sẻ thẳng thắn: "Với tôi, thực sự, điều này là không công bằng. Tất nhiên, chúng ta đều tuân theo các quy tắc của IOC nhưng đây là một vấn đề còn gây tranh cãi và nên được nghiên cứu trong tương lai. Tôi thấy Hubbard từng thi đấu với các VĐV nam. Cô ấy chắc chắn không đủ điều kiện vượt qua vòng loại dành cho các VĐV nam thế mà ở giải nữ, cô ấy lại là ứng cử viên giành HCV. Theo luật thì trường hợp của cô ta hợp lệ, nhưng không công bằng. Cô ấy chắc chắn khỏe hơn và khối lượng xương không thể thay đổi trong một thời gian ngắn như vậy được. Cô ấy đã thi đấu nhiều năm ở giải nam. Việc cô ta thi đấu ở giải nữ là một điều không đẹp cho Olympic".

Màn đấu cử tạ rúng động Olympic Tokyo 2020: VĐV chuyển giới tranh HCV ở hạng cân nữ, thất bại toàn tập nhưng vẫn để lại nhiều tranh cãi - 4

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Gavin Hubbard, đô cử từng là nam, thi đấu ở giải dành cho nữ là điều bất công tại Olympic 2020. Trong buổi diễn thuyết tại, Phoenix, Arizona hôm 25/7, ông Trump thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Các bạn có xem cử tạ không? Ai cũng hiểu rằng phải khó khăn thế nào mới phá được kỷ lục. Bỗng nhiên cô ấy xuất hiện, và bỗng nhiên, cô ấy phá kỷ lục. Có khi cô ấy còn nâng tạ bằng một tay. Điều này thật thiếu công bằng".

VĐV Anna Van Bellinghen, một đối thủ của Hubbard, cho biết: "Những người đã tập cử tạ chuyên nghiệp đều biết xương và cơ bắp của nam hơn hẳn phụ nữ. Việc này không công bằng về mặt thể thao cũng như với các VĐV tham gia thi đấu. Giống như một trò đùa tồi tệ vậy".

Chuyên gia sinh lý học thể thao Ross Tucker thì khẳng định: "Giảm mức testosterone không xóa bỏ sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ".

Tuaopepe Jerry Wallwork, huấn luyện viên cử tạ của Samoa, cũng phản đối điều này, ông nói với Reuters: "Phụ nữ phải có một sân chơi bình đẳng. Đó là vấn đề nhạy cảm cần được giải quyết".

Màn đấu cử tạ rúng động Olympic Tokyo 2020: VĐV chuyển giới tranh HCV ở hạng cân nữ, thất bại toàn tập nhưng vẫn để lại nhiều tranh cãi - 5

Bên cạnh những quan điểm phản đối, vẫn có những người lên tiếng ủng hộ Hubbard và cho rằng cô có "quyền" được đứng trên sàn đấu Olympic.

Nữ VĐV người Tây Ban Nha, Alba Sanchez nói: "Theo tôi, việc để Hubbard thi đấu ở giải nữ là điều tốt vì 2 mặt đạo đức và khoa học. Những người chuyển giới phải được chấp nhận. Họ đã phải chịu đựng khi chuyển sang nữ giới hoàn toàn. Họ phải được nhìn nhận theo con người hiện tại chứ không phải trước đây. Về mặt khoa học, tôi thấy có vẻ không đúng khi nói Hubbard khỏe hơn các VĐV nữ và nên thi đấu với các VĐV nam. Điều đó sẽ không ảnh hưởng nhiều. Để thi đấu với VĐV nữ, VĐV chuyển giới phải chứng minh có nội tiết tố của phụ nữ. Tôi nghĩ mọi người nên bình thường hóa việc này".

Nữ VĐV người Australia, Charisma Amoe Tarrant, người đối đầu với Hubbard, cũng tỏ quan điểm ủng hộ: "Tôi rất tôn trọng cô ấy và chúc cô ấy cũng như những vận động viên khác những điều tốt đẹp nhất".

Theo L.T (Pháp Luật & Bạn Đọc)