Từ một cậu bé thích nhập vai thần tượng, chàng trai quê quê Tây Ninh đã kiên trì khổ luyện, ăn ngủ cùng tennis, để rồi sau đó là niềm hãnh diện khi chạm đến đỉnh vinh quang.
Tập luyện trong cả giấc mơ
Chị Đỗ Thanh Yến (mẹ Hoàng Nam) kể rằng ngay từ lúc bắt đầu làm quen với quần vợt, Hoàng Nam mê đắm đuối môn thể thao này. Tập ngoài sân hàng giờ đồng hồ nhưng mỗi khi về nhà, em vẫn tiếp tục năn nỉ chị gái cầm vợt đứng một bên làm Nadal còn mình làm Federer rồi thi đấu làm đồ đạc trong nhà… văng tung tóe. Thấy con mê quá, chị Yến dọn nhà thông thoáng để con thỏa thích nhập vai thần tượng Federer.
Trong cái độ tuổi bạn bè trang lứa chỉ biết ăn, biết ngủ, Nam đã xác định được niềm đam mê của mình. Khi ăn em sẽ nói chuyện hoặc xem các tay vợt đẳng cấp thi đấu. Khi xếp hàng mua vé xem phim, Nam tranh thủ “quơ tay”, làm động tác đánh vợt. Tennis còn đi vào tận giấc ngủ của tay vợt sinh năm 1997 này, em liên tục đánh bóng trong lúc ngủ mơ khiến... không ai dám ngủ chung.
HLV Trần Đức Quỳnh, một trong những người thầy đầu tiên của Hoàng Nam tại CLB quần vợt Becamex Bình Dương cho biết đam mê chính là vũ khí lợi hại nhất mà Hoàng Nam sở hữu. “Thể hình của Nam chưa phải lý tưởng để chơi quần vợt đỉnh cao, thể lực cũng chưa thuộc hàng đỉnh, kỹ thuật còn nhiều thứ phải hoàn thiện. Tuy nhiên Nam có thứ vũ khí đặc biệt đó là niềm đam mê tột cùng với quần vợt. Vì đam mê mà Nam mới kiên trì tập luyện, khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết. Nhờ đam mê mà Nam không chán nản sau những giờ tập căng thẳng, sau những trận thi đấu kéo dài hàng giờ đồng hồ giữa trời nắng đổ lửa”.
Khổ luyện làm nên thiên tài
Năm 2017 ghi nhận thành công vượt bậc của Lý Hoàng Nam khi trở thành tay vợt đầu tiên của Việt Nam vào top 500 ATP (quần vợt nhà nghề). Anh cũng giúp quần vợt Việt Nam làm nên lịch sử khi lần đầu trở thành tay vợt xếp đầu khu vực Đông Nam Á. Để có sự nghiệp như ngày hôm nay, ngoài đam mê, Hoàng Nam có thêm sự khổ luyện, ý thức chuyên nghiệp.
Ý thức được việc muốn chơi quần vợt nhà nghề là phải tập luyện không ngừng, Hoàng Nam luôn ra sân tập với khát khao hoàn thiện mình. Để khắc phục điểm yếu thể lực, Nam chú trọng cải thiện bằng các bài tập nặng. Để rèn cú giao bóng hiểm hóc hơn, Nam bỏ ra hàng giờ mỗi ngày để tập giao bóng. Nhờ khổ luyện, Hoàng Nam trở thành tay vợt có kỹ thuật toàn diện nhất trong làng tennis Việt Nam.
Tay vợt quê Tây Ninh còn rèn cho mình ý chí thi đấu tốt, một yếu tố rất cần với quần vợt. Nhiều tay vợt Việt Nam lẫn quốc tế khi bị đối thủ dẫn trước hoặc trọng tài bắt lỗi liền bị phân tán tư tưởng, dễ buông xuôi. Hoàng Nam lại khác, càng bị đối thủ gây khó, anh càng thêm quyết tâm, tập trung cao độ hơn.
Khi bị trọng tài bắt lỗi mà mình đúng, hoặc khi đối thủ tranh cãi Nam cũng biết kiềm chế, mau chóng quên những tác động bên ngoài để tập trung vào mục tiêu duy nhất là chiến đấu trên sân, “nói chuyện” bằng chuyên môn. Một trong những tố chất khiến người ta ngưỡng mộ ở Nam là sự nỗ lực, kiên trì đeo bám, dù đó là cơ hội ngoài tầm tay.
Trong những năm theo đuổi quần vợt thì danh hiệu vô địch đôi nam trẻ Wimbledon diễn ra tại Anh năm 2015 là kỷ niệm đáng nhớ nhất với chàng tuyển thủ trẻ tuổi. “Đó là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời bởi tôi và bạn đánh đôi Nagal (Ấn Độ) đã chơi hơn khả năng, bùng nổ đúng thời điểm quan trọng để giành chiến thắng. Tôi vẫn không quên những khoảnh khắc đứng lên bục cao nhất của giải trẻ trong hệ thống Grand Slam. Đó cũng là năm cuối tôi thi đấu trong hệ thống thi đấu trẻ quốc tế”, Hoàng Nam nói.
Sau sân banh chỉ biết về nhà
15 tuổi thành tay vợt số 1 Việt Nam, 20 tuổi vươn đến số 1 Đông Nam Á nhưng Hoàng Nam đời thường là chàng trai mạnh mẽ, vui vẻ, lễ phép, khiêm tốn. Trong niềm vui đăng quang một giải đấu, trước những lời khen của mọi người, Hoàng Nam cũng chỉ cười cho rằng mình may mắn. Trước những thất bại, chàng trai 20 tuổi này cũng thẳng thắn trước khiếm khuyết của mình, không đổ thừa hoàn cảnh. Những ngày được nghỉ, Hoàng Nam tranh thủ về nhà thăm ba mẹ, ông bà, tận hưởng những món ăn ngon mà mẹ nấu.
Theo Giang Hoàng Nhơn (Tri Thức Trực Tuyến)