Lilian Thuram là một trong những niềm tự hào trong lịch sử bóng đá Pháp, chưa một thời khắc nào quên đi thuở hàn vi khốn khó của mình và đó là cốt lõi để anh vươn lên chiến thắng tất cả cùng CLB và ĐTQG. Nếu không có nghị lực đó, đã chẳng có một tên tuổi lừng lẫy lưu danh sử sách như ngày nay.
2 năm sau, Pháp tiếp tục thất bại ở VCK Euro 2004. Dù không đến mức thảm họa như World Cup 2002 nhưng việc để thua chủ nhà Hy Lạp ở tứ kết vẫn khiến họ nhận phải nhiều chỉ trích của người hâm mộ. Thế hệ cuối 6x, đầu 7x của những Thuram, Barthez, Lizarazu, Desailly, Makelele hay Pires đã đi qua sườn dốc bên kia sự nghiệp ở thời điểm đó và thất bại trên đất nước các vị thần cũng được xem là kết thúc cho một “thế hệ vàng” của ĐT Pháp.
Cùng với phần lớn những cái tên trên, Thuram quyết định giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế sau Euro 2004. Nhưng với trước sự thuyết phục của tân HLV Raymond Domenech, anh đã thay đổi quyết định và trở lại khoác áo lam năm 2005. Nhưng việc này cũng chỉ là một phần nguyên nhân khiến cái tên Thuram liên tục xuất hiện trên mặt báo.
Thuram chưa từng quên rằng mình xuất thân từ bóng đá đường phố và may mắn có được những điều mà biết bao người mơ ước. Nếu như trên sân anh hết mình bảo vệ mành lưới thì bên ngoài anh cũng luôn sẵn sàng để bảo vệ những người cùng cảnh ngộ. Còn nhớ vào năm 2005 khi bạo loạn nổ ra ở ngoại ô Paris, Thuram nằm trong số ít người dám đứng ra chỉ trích Bộ trưởng bộ nội vụ của Pháp khi đó là Nicolas Sarkozy vì mô tả những “thủ phạm” như cặn bã.
Theo Thuram, theo cách nói của Sarkozy thì những người như anh cũng là cặn bã. Anh cũng trưởng thành từ ngoại ô Paris, hiểu rõ nơi thị phi đó và những trường hợp như mình là đặc biệt hiếm bởi phần lớn lâm vào cuộc sống bế tắc không lối ra dẫn tới phải làm loạn. Cộng thêm việc mời 80 người bị Sarkozy trục xuất khỏi những căn hộ bất hợp pháp đến xem một trận bóng của ĐTQG, Thuram đã phải nhận không ít “gạch đá” từ dư luận còn người dân Pháp cũng bị chia rẽ vì những động thái này.
Nhưng vấn đề hậu trường không ảnh hưởng nhiều tới phong độ của Thuram tại ĐT Pháp. Anh chỉ huy hàng thủ vốn đã không còn sản sinh ra nhiều tên tuổi lớn của Les Bleus thi đấu tốt trong suốt chiều dài World Cup 2006. Ở tuổi 34, thật khó tin khi Thuram có thể làm câm nín những ngôi sao sáng nhất của bóng đá thế giới thời điểm đó như Fernando Torres (Tây Ban Nha), Ronaldinho (Brazil) hay Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha).
Trong suốt chiều dài của giải đấu, Pháp chỉ lọt lưới có 3 lần sau 7 trận. Với sự kết hợp cân bằng giữa sức trẻ và kinh nghiệm, họ đã vào tới chung kết World Cup và chỉ chịu thua Italia trên chấm phạt đền may rủi. Dù chỉ giành ngôi á quân song khi về nước, Thuram cùng đồng đội vẫn được chào đón như những người hùng. Nhưng sự nghiệp của Thuram vẫn tiếp diễn, hai thái cực hạnh phúc và khổ đau vẫn song hành cùng anh chàng có nụ cười hiền này.
Tới Euro 2008, Domenech lại “làm khổ” Thuram khi triệu tập cầu thủ khi đó 36 tuổi vào đội hình Pháp dự VCK. Mặc dù vẫn thể hiện phong độ khi chơi cho Barcelona song việc những lão tướng như Thuram và Makelele có mặt khiến nhiều người bất ngờ còn HLV trưởng của họ bị cho là bảo thủ. Và thực tế là người hộ vệ già cũng như phần lớn đồng đội tại Pháp sau một mùa giải nặng nhọc cùng CLB đã không thể hiện được hết khả năng.
Thuram trải qua 180 phút thất vọng cùng ĐT Pháp khi hòa 0-0 với Romania và thua thảm 1-4 trước Hà Lan. Anh bị đẩy lên ghế dự bị ở trận quyết định với Italia song Les Bleus cũng chẳng khá khẩm hơn khi bại trận 0-2 và chính thức phải dừng chân ngay sau vòng bảng. Trái ngược hoàn toàn với 2 năm trước, đã không có hoa và những tràng pháo tay chờ đón thầy trò Domenech khi trở lại Pháp thay vào đó là những tiếng la ó thậm chí nguyền rủa của người hâm mộ dành cho họ.
Như vậy cũng đã là quá đủ với Thuram. Sau 14 năm ăn cơm tuyển, anh đã trở thành cầu thủ có số lần khoác áo lam nhiều nhất, đứng ngay trên đồng đội Thierry Henry, một người cũng có nguồn gốc Guadeloupe. 142 lần ra sân cho ĐT Pháp là biết bao cay đắng xen lẫn ngọt bùi, anh từng lên thiên đàng sau các giải đấu lớn năm 1996, 1998, 2000 hay 2006 nhưng cũng từng xuống địa ngục của nỗi buồn các năm 2002, 2004 và 2008.
|
Thuram trải qua mọi cung bậc cảm xúc cùng ĐT Pháp |
Sau Euro 2008, Thuram chính thức giã từ sự nghiệp quốc tế. Cái cách anh chia tay Pháp không nhiều người mong muốn nhưng nếu nhìn lại, những gì anh đã làm cho đội tuyển vẫn xứng đáng được ghi vào sử sách. Bên cạnh kỷ lục ra sân nhiều nhất không biết bao giờ mới bị xô đổ, anh cũng là một biểu tượng cho cả một quá trình kéo dài gần 1 thập kỷ rưỡi nhiều biến động của Les Tricolores. Riêng tại các VCK Euro, Thuram vẫn đang nắm một loạt kỷ lục như số giải tham dự (4), số lần ra sân (16) hay số trận thắng (9).
Vào cuối sự nghiệp, cụ thể là sau khi rời Barca, người ta phát hiện ra rằng sức khỏe của Thuram có vấn đề. Cụ thể, quả tim của Thuram to hơn mức bình thường và khi người ta điều tra mới biết rằng triệu chứng này đã có tiền sử trong gia đình anh và thậm chí còn lấy đi tính mạng của một người họ hàng. Lúc này dư luận mới ngã ngửa bởi hóa ra người hộ vệ bao năm qua vẫn chiến đấu, cống hiến cho các CLB và ĐT Pháp với một trái tim khuyết tật.
Từ đó, Thuram đã không còn xuất hiện trên sân cỏ. Anh phải kết thúc niềm đam mê của mình bởi chỉ có như vậy mới tránh được những rủi ro khó lường. Nhưng chừng đó thời gian, chừng đó cống hiến không mệt mỏi của người đàn ông bất hạnh cả tinh thần và thể xác này là quá đủ để người ta nhớ. Người dân Guadeloupe cũng như Pháp tự hào vì có một Thuram giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Chúng ta, những con người dù giàu sang hay nghèo khó, dù lành lặn hay tật nguyền trên hành tinh này cũng chung cảm giác như vậy.
(Hết)
Theo Mạnh Hùng (Bongda24h.vn)