Hồi tháng 12 năm ngoái, FIFA đã lên tiếng phản đối việc Chính phủ Tây Ban Nha can thiệp vào cuộc bầu cử chủ tịch của Liên đoàn bóng đá nước này (RFEF). Theo đó, sau khi Angel Maria Villar buộc phải từ chức và bị tống giam vì những cáo buộc tham nhũng, lạm dụng quyền hành và làm giả hồ sơ hồi tháng 7 năm ngoái, Juan Luis Larrea được chỉ định làm chủ tịch tạm quyền của RFEF.
Chính phủ Tây Ban Nha sau đó yêu cầu RFEF tổ chức lại cuộc bầu cử chủ tịch do lần bỏ phiếu hồi tháng 5 năm ngoái không đúng thủ tục, quy cách. Sau sự việc này, FIFA đã gửi thư cho RFEF nhắc nhở “phải quản lý tổ chức một cách độc lập và phải đảm bảo rằng công việc của họ không chịu tác động của bên thứ ba”. Điều này đã khiến tuyển Tây Ban Nha đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi vòng chung kết World Cup 2018. Sự việc này thu hút sự quan tâm của không chỉ người hâm mộ bóng đá Tây Ban Nha mà cả thế giới.
Vì vậy, Tổng thư ký FIFA Fatma Samoura phải tổ chức một cuộc họp ở Madrid hôm 6.2 để thảo luận về tình hình trên. Tham dự cuộc họp này có chủ tịch tạm quyền RFEF Larrea, cùng với Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa và Thể thao Tây Ban Nha Inigo Mendez de Vigo, Chủ tịch SNSC Jose Ramon Lete… FIFA và RFEF cho biết hai bên thống nhất giải quyết tình huống này “càng sớm càng tốt” căn cứ vào luật lệ hiện hành để bảo đảm quyền lợi của bóng đá Tây Ban Nha đồng thời phải tôn trọng các quy định, sự minh bạch và quản trị tốt. Vì vậy, theo Reuters, nếu tình hình của RFEF được tháo gỡ thì Tây Ban Nha cũng giảm được mối lo bị mất suất dự World Cup 2018.
Tây Ban Nha được xem là một trong số những ứng cử viên của World Cup 2018 sẽ diễn ra tại Nga từ ngày 14.6 đến 15.7. Nhà vô địch World Cup 2010 rơi vào bảng B cùng với Bồ Đào Nha, Morocco và Iran. Trước đó, Indonesia, Kuwait và Benin nằm trong số những nước từng bị FIFA cấm thi đấu trong những năm gần đây vì để cho chính phủ can thiệp vào công việc của liên đoàn bóng đá.
Theo Tây Nguyên (Thanh Niên Online)