V-League 2017 đã chứng kiến những án phạt kỳ lạ cùng cách hành xử thiếu nhất quán từ Ban kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Cơ quan được xem là biểu tượng cho công lý và sự trong sạch của bóng đá Việt đã nhiều lần khiến người yêu bóng đá phải thất vọng. Thay đổi và tăng cường hiệu quả của Ban kỷ luật đang trở thành đòi hỏi cấp thiết của bóng đá Việt Nam.
Nhìn lại quá trình hoạt động của Ban kỷ luật ở mùa giải 2017, chúng ta dễ dàng nhận ra những điểm bất cập rõ ràng.
Thứ nhất, đơn vị này luôn thụ động, phản ứng chậm với tình hình thực tế và thường xuyên hoạt động dựa trên cảm tính. Cơ quan được lãnh đạo bởi ông Nguyễn Hải Hường chỉ thực sự năng động mỗi khi dư luận hay báo chí đã lên tiếng về các vấn đề nổi cộm. Họ chỉ thực sự tích cực trước các “án điểm”, “nhân vật điểm” được dư luận quan tâm.
Nói về điều này, HLV Trần Bình Sự cho rằng: “Rất nhiều trường hợp dư luận đã lên tiếng chán chê thì Ban kỷ luật mới vào cuộc. Đến lúc ấy, họ không đừng được nữa, không đứng ngoài được thì mới tham gia. Họ làm như thế nên rất nhiều tình huống phạm lỗi bị bỏ qua, nhiều lỗi sai nhỏ lại bị mổ xẻ quá nhiều. Cách làm ấy chưa thuyết phục được khán giả và dư luận”.
Bê bối đầu tiên của Ban kỷ luật VFF đến ở vòng 3 V.League khi đơn vị này từ chối ra án phạt cho tình huống phạm lỗi rõ ràng của Hoàng Vũ Samson (CLB Hà Nội) với Châu Ngọc Quang (HAGL). Kết luận hành động “chỉ liều lĩnh chứ không bạo lực” của Ban kỷ luật từng khiến V.League dậy sóng một thời gian dài.
Vụ việc của Samson chỉ là mở đầu cho hàng loạt xử lý khó tin của Ban kỷ luật VFF trong mùa giải 2017. Những trường hợp của Olaha ở vòng 23, Văn Quyết tại vòng 26 đều khiến người hâm mộ kinh ngạc. Những cầu thủ này đã phạm lỗi rõ ràng, có băng hình quay chậm nhưng Ban kỷ luật VFF đều bỏ qua lỗi của họ. Việc những án phạt của họ sẽ làm ảnh hưởng tới vài đội bóng lớn tại V.League cũng khiến Ban kỷ luật bị đặt trong vòng nghi ngờ.
Nên nhớ, Ban kỷ luật là một đơn vị thuộc VFF. Mà VFF là tổ chức với góp mặt của đại diện rất nhiều đội bóng. Ban kỷ luật không hoạt động độc lập mà là một phòng ban thuộc Liên đoàn, chịu sự tác động lớn từ Liên đoàn.
Bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng: “Nói cho cùng, con không thể chống lại bố. Tôi tin rằng nhiều anh em trong Ban kỷ luật thực sự cũng không vui vẻ gì. Nhưng họ đã vào cuộc, đây là cuộc chơi mà họ phải theo”.
Tổ chức lại Ban kỷ luật, vì thế, được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trên con đường chuyên nghiệp hóa bóng đá Việt Nam.
Để làm được điều đó, V.League có thể học hỏi từ FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới). FIFA từng vấp phải những khó khăn tương tự cho tới khi họ quyết định cải tổ Ủy ban đạo đức hồi tháng 3/2012. Từ đó tới nay, đơn vị này đã phanh phui hàng loạt bê bối trong lòng tổ chức, nâng cao tính kỷ luật của FIFA. Những vụ trừng trị Sepp Blatter hay Michel Platini đều bắt nguồn từ cơ quan này.
Tiền đạo của CLB Hà Nội có hành vi đánh cùi chỏ vào mặt Nghiêm Xuân Tú trong trận đấu với Quảng Ninh thuộc lượt trận 26 V-League. |
BLV Quang Huy phân tích: “Nếu chúng ta muốn Ban kỷ luật tốt hơn, đơn vị này phải là một tổ chức độc lập. Nó phải giống như Ủy ban đạo đức của FIFA, đứng một mình bên ngoài cơ cấu của Liên đoàn, không thiên vị, không bị tác động và giật dây bởi bất kỳ ai. Còn chừng nào Ban kỷ luật vẫn thuộc Liên đoàn, chừng nào nó vẫn là con đẻ của tổ chức này, nó sẽ không thể phát huy hiệu quả”.
Cùng chia sẻ quan điểm ấy, HLV Trần Bình Sự tin rằng: “Việt Nam thiếu gì người tài, thiếu gì người có tâm huyết, năng lực để làm việc đó. Tôi nghĩ chúng ta nên có thay đổi. Nếu những người trước làm không tốt thì anh phải từ chức. Nếu họ không từ chức thì chúng ta phải thay đổi. Mọi thứ ban đầu khó khăn nhưng cứ đi thì chúng ta sẽ tạo ra đường mới”.
Theo Thanh Hà (Tri Thức Trực Tuyến)