Tất cả vẫn còn nhớ khoảnh khắc đáng yêu của Nguyễn Thị Thanh Nhã khi còn khoác áo U16 Việt Nam. Trong trận đấu với Uzbekistan thuộc vòng loại U16 châu Á năm 2016, cô dùng tốc độ thoát xuống nhận đường chuyền của đồng đội, tiếp tục đi qua thủ môn đội bạn và dứt điểm trước khung thành bỏ trống. Thế nhưng trái bóng lại không đi vào cầu môn, mà từ từ lăn ra ngoài.
Quá thất vọng, Thanh Nhã gục xuống cỏ khóc ngon lành. Mất một lúc lâu, với sự động viên của đồng đội và cả trọng tài, cô mới từ từ đứng dậy. Thế nhưng đôi vai vẫn rung lên và Nhã tiếp tục nức nở. Sau này Huỳnh Như kể có cho các cầu thủ ở Lank FC xem clip đó. Ai cũng bật cười. “Nhõng nhẽo quá trời luôn”, thủ quân của ĐT nữ Việt Nam bình luận mà không thể ngừng cười.
Jessica Silva cũng không khác gì. Cô từng khóc nấc lên trên ghế dự bị ở lần đầu khoác áo ĐTQG, rồi lại khóc thêm lần nữa khi được vào sân. Silva cũng rất dễ tổn thương. Trong bóng đá, việc bị đối thủ khiêu khích là chuyện bình thường. Riêng Silva không sao thích nghi được. Cứ ai nói gì nặng lời, cô lại khóc.
“Từ bé tôi đã được chiều chuộng và thích được âu yếm, vỗ về”, ngôi sao của ĐT nữ Bồ Đào Nha nói trên tờ Tribuna, “Vì vậy khi nghe những điều không hay, miệt thị, tôi sẽ bật khóc. Có lần đối thủ còn hỏi sao lại khóc, tôi bảo sao cô xúc phạm mẹ tôi, người kia bật cười, đâu phải, đó là câu chửi thề mà ai cũng nói”.
Silva sinh ra ở Vila Nova de Milfontes, thị trấn miền tây nam Bồ Đào Nha. Cô có một người chị em sinh đôi, sau đó có thêm 4 em trai cùng mẹ khác cha, vì bố cô qua đời sau một vụ tai nạn giao thông khi cô mới 2 tuổi. Ông từng là cựu cầu thủ bóng đá, vậy nên Silva luôn nói rằng tố chất bóng đá của cô được thừa hưởng từ bố.
Silva cho biết cô sinh ra đã gắn với bóng đá. Khi mẹ cô ngừng mua bóng vì làm hỏng quá nhiều, cô bện các tờ báo thành quả bóng và tiếp tục đá. Người chị em sinh đôi thì tiết lộ, khi ở nhà Silva còn dùng cả quả cam để luyện.
Cô cũng luôn chơi bóng trên đường phố cho đến khi được gọi vào đội bóng đá của trường. Do HLV nghĩ rằng các nữ cầu thủ thể chất kém hơn nên tập luyện ít, Silva lân la sang đội nam để tập thêm hai buổi khác. Việc tập cùng các nam cầu thủ là điều cô vẫn duy trì, nhằm tăng khả năng chịu đựng trong môi trường mạnh mẽ.
Vì vậy cô sớm trở nên khác biệt, được gọi vào ĐTQG Bồ Đào Nha năm 16 tuổi, đồng thời thực hiện cuộc phiêu lưu tới nhiều quốc gia khác nhau. Silva từng chơi bóng ở Thụy Điển, Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ. Cô cũng khoác áo Lyon, CLB thành công nhất bóng đá nữ châu Âu với 8 lần vô địch Champions League. Silva tận hưởng một trong những lần đăng quang ấy, là mùa 2019/20, trở thành nữ cầu thủ đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Bồ Đào Nha từng vô địch châu Âu.
Một điểm tương đồng nữa giữa Silva và Thanh Nhã là tốc độ. Cô rất nhanh và giàu sáng tạo để không ai có thể đoán trước. Còn nhược điểm thì sao? Như Silva thừa nhận, cô phải rèn luyện nhiều kỹ năng dứt điểm. Sau 100 trận khoác áo ĐTQG cô mới ghi được 15 bàn thắng. Đó là thành tích không hề tồi bởi Bồ Đào Nha bị đánh giá thấp ở châu Âu và không dễ để ghi bàn trước những đối thủ sừng sỏ. Tuy nhiên cô vẫn không hài lòng.
Chính vì thế, ở tuổi 28, Silva vẫn không ngừng nâng cao kỹ năng. Cô tập luyện đêm ngày theo gương thần tượng Cristiano Ronaldo, người khổ luyện để thành tài. Như Ronaldo, Silva có tham vọng trở thành nữ cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Có mối liên hệ nào giữa Thanh Nhã và Ronaldo không nhỉ? Chà, Nhã của chúng ta thần tượng Văn Toàn. Mặc dù vậy, cựu cầu thủ Nguyễn Mạnh Dũng từng nói rằng pha lập công của Nhã vào lưới ĐT Đức gần đây rất giống tuyệt phẩm Ronaldo ghi vào lưới Thụy Điển ở vòng play-off World Cup 2014.
Dù sao thì sẽ rất thú vị khi chứng kiến Silva và Thanh Nhã, người đã khỏi cúm, đối đầu với nhau ở Waikato, Hamilton (New Zealand) vào ngày 27/7 tới đây. Dĩ nhiên, xin
lỗi Silva, chúng ta hy vọng Thanh Nhã cùng các đồng đội sẽ là những người nở nụ cười sau cùng.
Theo Thanh Hải (Tiền Phong)