Kỳ tích Morocco & lời nguyền châu Phi

12/12/2022 14:22:38

45 năm trước, vào năm 1977, Vua bóng đá Pele dự đoán là sẽ có một đội bóng châu Phi sẽ vô địch World Cup trước năm 2000. Dường như, thực tế ấy có vẻ đang đến dù muộn hơn 2 thập kỷ. Đương nhiên rồi, đó là Morocco.

Những chiến tích phi thường

Bằng cách nào đó, Samuel Eto’o đã dự đoán đúng một cặp bán kết: Pháp - Morocco. Tất nhiên, cặp còn lại là bất khả thi, khi Cameroon quê hương anh bị loại từ vòng bảng, trong khi Senegal dù đi xa hơn cũng thảm bại dưới tay người Anh ở vòng 1/8.

Nhưng điều đó có nghĩa, Eto’o nhận thấy sự vươn mình mạnh mẽ của bóng đá châu Phi. Hơn 1 tháng trước, hôm 9/11 - thời điểm VCK World Cup 2022 còn chưa chốt danh sách cầu thủ của các đội, cựu danh thủ bóng đá Cameroon có một nhận định gây sốc với ESPN: “Châu Phi luôn có tiềm năng để gặt hái thành công ở World Cup, nhưng chúng tôi không phải lúc nào cũng thể hiện bộ mặt tốt nhất của mình.

Trong những năm qua, các đội châu Phi ngày càng có nhiều kinh nghiệm hơn và tôi nghĩ rằng họ không chỉ sẵn sàng để tham dự World Cup mà còn sẵn sàng để giành chức vô địch. Cameroon sẽ giành chiến thắng trong trận chung kết World Cup với Morocco”.

Theo dự đoán của Eto’o, ĐT Cameroon sẽ vượt qua Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp để góp mặt ở chung kết. Điều đó đang dần hiện hữu, khi “Bầy sư tử Atlas” lần lượt đánh bại Tây Ban Nha trên chấm luân lưu vòng 1/8, rồi băng tiếp qua Bồ Đào Nha ở tứ kết. Giờ đây, các học trò của HLV Walid Regragui đã viết nên lịch sử cho bóng đá châu Phi khi trở thành đại diện đầu tiên của lục địa đen tiến đến vòng bán kết của một kỳ World Cup.

Một lời giải thích cho sự thất bại của các đại diện lục địa đen trong quá khứ, đó là bởi cuộc chảy máu chất xám khủng khiếp. Một số lượng cực lớn cầu thủ giỏi của lục địa này dễ dàng bị các đội bóng lớn ở châu Âu thâu tóm bằng tiền và sức hút danh hiệu.

Trong đó, Pháp hưởng lợi hơn bất cứ đội bóng nào khác nhờ vào yếu tố lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ. World Cup 1998, “Gà trống Gaulois” lần đầu tiên bước lên đỉnh cao thế giới với các trụ cột Patrick Vieira, Marcel Desailly và Lilian Thuram - những người sinh ra bên ngoài nước Pháp.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, rõ ràng đang có sự thay da đổi thịt rất lớn của bóng đá châu Phi. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành vé vượt qua vòng bảng tại bảng F - Morocco, Bỉ, Croatia và Canada, trong đội hình của Bỉ chỉ có 1 cầu thủ sinh ra ở châu Phi (Amadou Onana). Tuy nhiên, với Morocco, chỉ có ba người trong đội hình xuất phát của họ là người sinh ra ở Morocco. Phần lớn đội hình Morocco sinh ra, lớn lên và được đào tạo bóng đá ở nước ngoài, chủ đạo là ở Tây Ban Nha, Pháp và Hà Lan.

Kỳ tích Morocco & lời nguyền châu Phi
ĐT Morocco đang muốn biến lời tiên tri của Vua bóng đá Pele cách đây 45 trở thành hiện thực

Để châu Phi trở nên vĩ đại

Thực ra, rất nhiều người trong số họ có thể khoác áo một đội bóng châu Âu. Tuy nhiên, xu hướng trở về với quê nhà giúp cho bóng đá Morocco nói riêng và châu Phi nói chung trở nên mạnh mẽ.

Trường hợp của Achraf Hakimi là điển hình. Hậu vệ thực hiện cú panelka thành công trong loạt luân lưu để loại Tây Ban Nha ở vòng 1/8, trên thực tế đã suýt nữa khoác áo chính… La Roja.

“Tôi đã tập trung cùng đội (TBN) ở Las Rozas một vài ngày, nhưng không cảm thấy thoải mái. Tôi không được tự nhiên chơi bóng như bình thường. Có lẽ nguyên nhân là do sự bất đồng về văn hóa. Tôi là người Ả-rập, là người Morocco. Vì thế, tôi đã quyết định chọn cống hiến cho quê hương Morocco” - Hakimi hồi tưởng.

Nếu chỉ là Morocco sẽ không đủ để trở thành xu hướng. Senegal là trường hợp tương tự. Đội bóng này có không dưới 7 cầu thủ đủ khả năng chơi bóng cho tuyển Pháp và 1 cầu thủ đủ khả năng chơi cho Đức. Tunisia, một đại diện khác của châu Phi và cũng là đội duy nhất ở VCK World Cup 2022 đánh bại được ĐKVĐ thế giới Pháp, có sáu cầu thủ sinh ra ở Pháp trong đội hình xuất phát. Ở trận chung kết Vô địch châu Phi 2019 giữa Algeria và Senegal, một nửa trong số 46 cầu thủ của hai đội sinh ra ở Pháp.

Còn nhớ vào năm 2018, sau khi ĐT Pháp hạ Croatia để đăng quang thế giới lần thứ hai, Trevor Noah - danh hài người Nam Phi và hiện đang dẫn chương trình The Daily Show châm biếm: “Châu Phi đã vô địch World Cup. Tôi hiểu họ là đội tuyển Pháp. Nhưng hãy nhìn những chàng trai đó. Họ không thể bị rám nắng như vậy ở phía nam nước Pháp. Về cơ bản, nếu bạn không hiểu, Pháp là đội dự phòng của các đội tuyển châu Phi”.

Bóng đá châu Phi đang hưởng lợi rất lớn từ chiến lược đào tạo bóng đá trẻ của các cường quốc bóng đá châu Âu, từ Pháp đến Anh, Hà Lan, Bỉ, Đức, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha… Cộng đồng người châu Phi ở các quốc gia châu Âu này có trình độ chuyên môn thực sự vượt trội so với các đồng nghiệp chơi bóng ở châu Phi.

Báo cáo của Ian Glenn - nhà nghiên cứu tại Đại học Free State chỉ ra rằng, một lượng lớn cầu thủ châu Phi từng chơi được đào tạo ở châu Âu, chơi bóng cho các lứa tuyển U ở châu Âu nhưng sau đó gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội khoác áo ĐTQG châu Âu, và họ trở về với quê nhà gốc gác của mình.

Điều đó có nghĩa, khi Pháp đấu với Tunisia, Morocco, Algeria hoặc Senegal, nó giống như đội Pháp A đấu với Pháp B, C, D hoặc E. Tất nhiên, trong một ngày xấu trời, Pháp A hoàn toàn có thể thất bại trước những đội Pháp B, C, D, E mà ví dụ mang tên Tunisia cực kỳ sinh động.

Đây cũng là động lực để Morocco bước vào trận bán kết 2 World Cup 2022 với Pháp (diễn ra lúc 2h ngày 15/12 - giờ Hà Nội). Morocco chỉ còn cách chiếc cúp vàng thế giới vỏn vẹn 2 chiến thắng nữa. Rất gần mà cũng rất xa, khi mà Pháp vẫn là ứng viên số 1 cho chức vô địch của giải đấu ở Qatar, còn Croatia hay Argentina cũng cho thấy sự ưu tú trong suốt hành trình đã qua. Nhưng ngay cả khi đã chơi với Croatia, Bỉ, Canada, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mà chỉ thủng lưới đúng 1 lần, thì cơ hội của “Sư tử Atlas” là không nhỏ.

Trước thềm VCK World Cup 2022, HLV Jose Mourinho đưa ra một “đề xuất” thú vị: Cấm các cầu thủ gốc gác châu Phi thi đấu cho các đội bóng châu Âu. “Người đặc biệt” tin rằng đó là cách để các đội bóng châu Phi chinh phục thế giới. Một phần nào đó của Mourinho đã đúng.

Theo Hoành Bồ (Bongdaplus.vn)