“Tiền, tiền, tiền. Hẳn là vui, trong thế giới người giàu”, lời bài hát “Money, money, money” của ban nhạc Abba vang lên tại St Mary’s của Southampton, khi kết thúc trận đấu với Chelsea, đội đã hoàn thành mùa hè chuyển nhượng với kỷ lục 258,5 triệu bảng được chi ra. Những đồng dollar của ông chủ mới Todd Boehly tuôn chảy để mở ra kỷ nguyên mới, thay thế cho thời đại đồng ruble của Roman Abramovich vừa khép lại.
Kieran Maguire, giảng viên tài chính bóng đá của ĐH Liverpool nói rằng “các ông chủ mới của Premier League có xu hướng bạo chi, qua đó thúc đẩy thị trường”. Điều này không sai. Trong mùa hè đầu tiên, các tỷ phú Saudi Arabia đã tiêu tốn 122 triệu bảng chỉ cho 4 cầu thủ, trong đó có bản hợp đồng kỷ lục 60 triệu bảng dành cho tiền đạo Alexander Isak. Họ hy vọng Newcastle sẽ có bước chuyển mới, xích lại gần hơn với nhóm ưu tú của Premier League.
Tương tự, phấn khích khi Nottingham Forest lần đầu lên chơi ở Premier League kể từ khi tiếp quản CLB, tỷ phú người Hy Lạp Evangelos Marinakis đã mang về 19 cầu thủ với giá 150,9 triệu bảng. Tất cả tạo nên mùa hè không thể nào quên của bóng đá Anh, khi các CLB Premier League cán mốc 2 tỷ bảng trong buổi chiều cuối cùng của mùa chuyển nhượng. Con số này làm lu mờ cột mốc 1,41 tỷ bảng được thiết lập mùa hè 2017, đồng thời khiến cả châu Âu chỉ có thể ngước nhìn.
Các số liệu không chính thức cho biết chi tiêu ở Serie A (Italia) là 670 triệu bảng, Bundesliga (Đức) 435 triệu bảng, Ligue 1 (Pháp) 426 triệu bảng và Liga (Tây Ban Nha) rơi vào khoảng 404 triệu bảng. Ngay cả khi 4 giải đấu này kết hợp lại, tổng là 1,935 tỷ bảng, vẫn không bằng một mình Premier League.
Vậy tiền đâu để các CLB Anh ném vào thị trường chuyển nhượng? Nên nhớ rằng, sau khi trừ đi số tiền thu lại từ việc bán đi, chi tiêu ròng của Premier League vẫn lớn hơn 1 tỷ bảng. Trong khi đó, La Liga cao nhất phần còn lại của châu Âu chỉ là 60 triệu.
Chúng ta biết rằng Premier League luôn là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, thu hút vô số nhà đầu tư cũng như đối tác thương mại toàn cầu. Người hâm mộ trên toàn thế giới đều muốn xem Erling Haaland, Cristiano Ronaldo hay Mohamed Salah chơi bóng mỗi tuần. Vì vậy, họ luôn kiếm được những bản hợp đồng bản quyền truyền hình hậu hĩnh.
Hiện tại đang là năm đầu tiên theo thỏa thuận mới sẽ mang lại cho các CLB Anh 10,5 tỷ bảng trong chu kỳ ba năm, tăng 16% so với trước đó. Thị phần của Premier League trên thị trường truyền thông toàn cầu tăng từ 40% lên 44%, bao gồm hợp đồng 6 năm mới với NBC Sports ở Mỹ và beIN Sports ở Trung Đông. Deloitte cũng dự đoán doanh thu của Premier League trong năm 2022-23 sẽ lên đến 6 tỷ bảng nhờ các hợp đồng bản quyền truyền hình mới ở nước ngoài.
Theo tính toán, đội vô địch Premier League mùa 2022/23 sẽ bỏ túi ít nhất 180 triệu bảng, còn đội xếp cuối, dù xuống hạng, vẫn được đảm bảo nhận về hơn 100 triệu bảng. Cộng thêm các nguồn thu nhập từ các giải khác, vé vào sân, áo đấu và các dịch vụ giá trị gia tăng cùng những hợp đồng thương mại khác, số tiền chi cho chuyển nhượng chỉ chiếm khoảng 33% doanh thu.
Nói đơn giản, kiếm được nhiều hơn cho phép các CLB Premier League chi nhiều hơn, và vẫn ở ngưỡng an toàn. Không đội bóng Anh nào rơi vào tình thế phải thế chấp tương lai như Barca để có 115,5 triệu bảng mua sắm cầu thủ. Họ cũng không quá lo lắng về quy tắc công bằng tài chính của UEFA, nhất là khi Ban tổ chức Premier League đang dự thảo về quy tắc tương tự nhưng với tỷ lệ phần trăm cao hơn.
Mùa hè 2 tỷ bảng tạo nên cột mốc phi thường trong ngành công nghiệp bóng đá, nhưng với xu hướng hiện tại, không ngạc nhiên nếu nó sớm bị phá trong tương lai. Thậm chí ngay mùa hè sau. Như Abba hát trong “Money, money, money”, rằng “đó là thế giới những người giàu”.
Theo Thanh Hải (Tiền Phong)