Câu chuyện BHL đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia ăn chặn tiền công lao động, nghi đồng lõa việc bớt xén chế độ tiêu chuẩn bữa ăn của VĐV còn chưa kịp lắng xuống (hay đã bị "chìm xuồng", xử lý quá nhẹ như cách nói của dư luận), thể thao lại là đề tài khiến dư luận chú ý với việc VĐV Phạm Như Phương bị gạch tên khỏi đội tuyển quốc gia dù là một trong những gương mặt nữ nổi tiếng nhất làng TDDC.
Giành 2 huy chương bạc, 2 huy chương đồng tại SEA Games 31 cho đội tuyển TDDC Việt Nam, góp công quan trọng vào 4 ngôi quán quân Giải Vô địch quốc gia 2023 của đoàn Hà Nội (3 cá nhân, 1 đồng đội), rõ ràng năng lực và tài năng của Phạm Như Phương đã được thừa nhận, xứng đáng có tên trong đội tuyển.
Vậy mà có lẽ chỉ vì chậm, hoặc cố tình trì hoãn việc nộp "phế" cho HLV, từ 10% tiền thưởng thành tích chính thức, 50% tiền thưởng "nóng" huy chương tại các sự kiện và cả phần "quỹ lạ" hàng tháng mà không rõ mục đích sử dụng, Phạm Như Phương bị HLV "dằn mặt" bằng việc quy chụp tội vô tổ chức, vô kỷ luật khi đi du lịch dù có đơn xin phép gửi Ban huấn luyện.
Cô gái tuổi đôi mươi có hơn 13 năm gắn bó với TDDC ngậm ngùi xin rời đội tuyển Hà Nội, đồng nghĩa với việc giải nghệ khi không đồng tình với "tội danh" bị gán ghép.
Ấm ức khi phải chịu kỷ luật trong khi các HLV vẫn bình chân như vại dù chính thức thừa nhận "quên" không báo cáo chuyện học trò xin phép vắng mặt, Phạm Như Phương công khai việc phải nộp rất nhiều khoản từ tiền công lao động hàng tháng cho đến thu nhập từ tiền thưởng thành tích cho các thầy cô ở đội TDDC Hà Nội.
Lãnh đạo Bộ môn Thể dục (Cục TDTT), Liên đoàn Thể dục Việt Nam cho đến BHL đội tuyển TDDC Việt Nam đều khẳng định "không hề có việc bắt VĐV nộp một phần tiền thưởng hay đội tuyển quốc gia chủ trương thu phần trăm tiền thưởng từ VĐV".
Đúng, làm sao có được chuyện tày đình như thế khi "lộng quyền, cống nạp, ăn chặn" đang là những từ ngữ vô cùng nhạy cảm ở thể thao đỉnh cao Việt Nam, nhất là trong năm 2023, hai nhà quản lý cấp cao các bộ môn bị mất chức vì chính các lý do này.
Nếu như thế, nội dung tin nhắn mà HLV N.T.D trao đổi với phụ huynh của Phạm Như Phương "Ban huấn luyện bọn em chia 50/50 với VĐV nhưng sẽ trích ra một phần để cảm ơn các phòng ban nữa", sẽ được hiểu ra sao?
"Phòng ban" của Trung tâm Huấn luyện thể thao Hà Nội, "phòng ban" của Liên đoàn Thể dục quốc gia hay "phòng ban" của Cục TDTT, những nơi có quyền định đoạt danh sách triệu tập tập huấn đội tuyển Hà Nội cũng như đội tuyển quốc gia mà HLV – VĐV các bộ môn, các đội tuyển phải "cảm ơn" bằng quà cáp, tiền bạc?
Trong thể thao, việc các đội tuyển phải biếu xén quà cáp cho lãnh đạo sau những chuyến thi đấu quốc tế không phải là chuyện mới mẻ.
Tuy nhiên, khi các BHL tính đến chuyện buộc VĐV phải nộp tiền, hay trực tiếp "ngắt xẻ" tiền thưởng, tiền công lao động của các VĐV, câu chuyện không còn đơn thuần là ơn nghĩa, là tôn trọng công sức đào tạo của thầy cô.
Phải gọi đích danh sự việc là "ăn chặn" mồ hôi, công sức và cả xương máu của VĐV để phục vụ cho lợi ích của một nhóm người.
Vấn đề là câu chuyện không mới này, vì sao vẫn có "đất dụng võ", mà nói theo nhiều cán bộ thể thao lão thành, đã và đang gián tiếp hủy hoại nhân cách của những người thầy, người cô, HLV mà cách đây chưa lâu còn là vận động viên.
Tức họ hiểu rất rõ những nỗi niềm mà bản thân đã trải qua trong cuộc đời "quần đùi áo số"?
Tại sao Nghị định 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ (hay Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND của TP HCM) đã có hiệu lực, quy định chế độ khen thưởng dành cho HLV ngang bằng mức thưởng của VĐV, hoặc phân chia 60-40 giữa HLV các tuyến đội tuyển và cơ sở, nhưng HLV vẫn muốn nhận thêm, vòi vĩnh thêm?
HLV một đội tuyển quốc gia nói với chúng tôi: "VĐV thi đấu tốt là các em có thưởng, HLV chúng tôi cũng nhận thưởng không khác các em. Vấn đề là nếu có phải "cảm ơn" lãnh đạo, BHL chúng tôi tự trích tiền thưởng của mình ra làm ngoại giao, để công việc suôn sẻ, tuyệt đối không động vào lương thưởng của các em. Tôi là HLV, thường xuyên bỏ tiền túi thưởng thêm cho VĐV để "cảm ơn" các em. Các em mới là những người xứng đáng được cảm ơn!".
"Không để sự tha hóa đạo đức lộng hành, làm nát thể thao" là điều xin được đặt lên bàn lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Vấn đề cũng muốn được đặt trực tiếp với tân lãnh đạo Cục TDTT đã và đang đối mặt với nạn tha hóa, nhũng lạm từng ngày xâu xé, đánh mất chút niềm tin của dư luận công chúng dành cho thể thao nước nhà.
Mong năm 2024 sẽ là thời điểm của gạn đục, khơi trong, sàng và lọc cán bộ một cách quyết liệt của thể thao Việt Nam, nhất là khi ngành vừa tổ chức định hướng thành tích, dày công xây dựng "Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn 2045".
Theo Đào Tùng (Nld.com.vn)