Tình trạng lạm phát trong bóng đá đang ngày càng trở nên trầm trọng. Mà hậu quả lớn nhất của nó chính là phí chuyển nhượng của các cầu thủ ngày càng cao một cách phi lý. Đó là lý do mà phát biểu trên kênh truyền hình TV1 của Bồ Đào Nha mới đây, Cristiano Ronaldo từng than thở: “Giờ có vẻ như cầu thủ nào cũng có thể có giá 100 triệu euro, ngay cả khi họ chưa thể hiện được điều gì”.
Cũng dễ hiểu vì sao Ronaldo lại nói như vậy. Cách đây 10 năm, anh chính là chủ nhân của kỷ lục chuyển nhượng thế giới mới khi được Real Madrid mua về từ Man United với cái giá 80 triệu bảng (94 triệu euro). Tròn 1 thập kỷ sau, thương vụ ấy thậm chí còn không lọt nổi vào Top 10 bản hợp đồng đắt nhất lịch sử. Dù sau đó tiếp tục gia nhập Juventus với cái giá 100 triệu euro hồi Hè 2018, CR7 vẫn đang phải xếp sau những Neymar (222 triệu euro), Kylian Mbappe (180), Philippe Coutinho (160) hay Joao Felix (126).
Vậy câu hỏi đặt ra là 4 cái tên này có giỏi hơn Ronaldo ở thời điểm năm 2009? Câu trả lời rõ ràng là “Không”. Vì cách đây 10 năm, CR7 đã cập bến Bernabeu với hành trang là chức vô địch Champions League, danh hiệu Quả bóng vàng cùng thành tích ghi bàn cực kỳ đáng nể. Thế nhưng anh vẫn phải ngậm ngùi đứng sau những đàn em.
Mặc dù vậy, Ronaldo xem ra vẫn còn may mắn. Vì nếu quy ra tỷ giá hiện tại, thậm chí ngay cả những huyền thoại của bóng đá thế giới cũng có cái giá khá bèo bọt. Năm 1982, Barca cho nổ vụ bom tấn trị giá 1,2 tỷ pesetas mang tên Diego Maradona. Nhưng con số bằng 7,2 triệu euro ngày ấy cũng chỉ tương đương với 28,5 triệu euro hiện giờ. Tức là số tiền giải phóng hợp đồng của một mình Antoine Griezmann (120 triệu euro) có thể mua được... 4 Maradona.
Tương tự, cái giá mà Barca đã bỏ ra để đem Frenkie de Jong về từ Ajax trong mùa Hè này gấp tới gần 5 lần những gì họ chi ra để chiêu mộ Johan Cruyff cũng từ Ajax năm 1973 (75 triệu euro so với 15,6 triệu euro). Phí chuyển nhượng của huyền thoại người Hà Lan thậm chỉ chỉ bằng 1/8 bản hợp đồng đắt nhất La Liga mùa Hè này của Joao Felix (126 triệu euro). Tuy nhiên, đâu là nguồn cơn của tình trạng lạm phát khủng khiếp ấy?
Câu trả lời là vì các đội bóng giàu hơn, và các cầu thủ cũng dễ dàng ra đi hơn so với trước kia. Phán quyết Bosman năm 1995 đã giúp các cầu thủ được tự do ra đi sau khi hết hợp đồng, đồng thời xóa bỏ quy định hạn chế cầu thủ nước ngoài ở mỗi trận đấu. Điều này giúp các cầu thủ thoát khỏi gông xiềng của các đội bóng, đồng thời khiến giá chuyển nhượng của họ liên tục tăng lên. Nhưng nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là vì các CLB giờ có quá nhiều tiền.
Sự xuất hiện của các tỷ phú Ả-rập, đà tăng trưởng của bản quyền truyền hình và quảng cáo đã khiến cả nền bóng đá châu Âu giàu lên nhanh chóng. Mà khi đã có tiền, phí chuyển nhượng đôi khi không còn phụ thuộc vào quy luật cung cầu, mà chỉ đơn giản là... một con số. Thế mới có chuyện PSG vác 222 triệu euro đi chuộc Neymar từ Barca, vẫn PSG mượn Kylian Mbappe từ Monaco kèm điều khoản mua đứt trị giá tới 180 triệu euro hay chính Barca đem 120 triệu euro giải phóng Griezmann khỏi ràng buộc với Atletico.
Theo Phương Minh (Bongdaplus.vn)