Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) và Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á đã gặp nhau vào ngày 5/7. Tại cuộc họp này, phía FAT đã đề xuất ý tưởng các quốc gia trong khu vực chung tay đăng cai World Cup 2034. Kế hoạch này trước đó cũng đã được các quan chức cấp cao của Thái Lan và Campuchia ủng hộ.
Tuy nhiên, Siam Sport cho rằng xét theo tình hình thực tế, FAT có vẻ đang “đi quá xa”. Nhật báo thể thao số một xứ chùa vàng nhấn mạnh: “Nếu Thái Lan xin đăng cai World Cup 2034 với các quốc gia ASEAN khác thì chi phí vẫn là rất lớn.
Thành thật mà nói, có bao nhiêu sân vận động ở Thái Lan đã đạt chuẩn World Cup? Du lịch, khách sạn và các tiện ích công cộng có thực sự đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe?
Có ý kiến cho rằng, số tiền được đưa ra để tổ chức World Cup nếu được dùng để phát triển đất nước và cuộc sống của người dân Thái Lan thì tốt hơn. Chúng tôi cho rằng đây là một ý kiến xác đáng. Xin đừng làm gì quá sức mình, hãy cứ phát triển bóng đá trẻ và xây dựng cho ĐTQG để sẵn sàng đấu với các cường quốc châu Á trước!”.
Cuộc họp giữa FAT và AFF về kế hoạch đăng cai World Cup |
Siam Sport cũng trích dẫn ra rất nhiều bình luận để chứng tỏ rằng phần đông NHM Thái Lan không háo hức với kế hoạch này. “Dùng tiền để phát triển đất nước có tốt hơn không, thưa các ông? Người dân bây giờ còn không đủ ăn. Các ngài phải sử dụng ngân sách để xây dựng nhiều thứ, nhưng thử hỏi nếu nó thực sự được tổ chức, ai sẽ đi xem nó khi mà rất nhiều người dân còn điêu đứng sau đại dịch?”.
“Lãng phí thời gian, lãng phí ngân sách. Ngay cả khi không chiến thắng ở kế hoạch đăng cai thì số tiền bỏ ra để chạy chiến dịch cũng là rất lớn”.
“Khách sạn, giao thông còn kém, trong khi nền bóng đá cần đầu tư nhiều hạng mục thiết thực hơn. Bóng đá trẻ của chúng ta vừa thua liểng xiểng tại giải U23 châu Á đấy thôi. Hãy cứ tập trung nâng cao trình độ để sẵn sàng đấu với các cường quốc châu lục trước”…
Đây là rất nhiều bình luận được tán đồng. Được biết, chi phí đăng cai World Cup luôn là một con số khổng lồ. Tại World Cup 2002, Hàn Quốc và Nhật Bản đã chi 7 tỷ USD.
Năm 2006, Đức đã chi 4,6 tỷ USD. Năm 2014, Brazil mất 11,6 tỷ USD. Năm 2018, Nga tiêu hết 14,2 tỷ USD và lần gần nhất là 22 tỷ USD được Qatar đầu tư cho World Cup 2022. Dĩ nhiên theo tỷ giá và điều kiện thực tế, các quốc gia về sau sẽ còn tốn kém hơn nữa để có thể tổ chức một kỳ World Cup.
Theo Đặng Lai (Tiền Phong)