Đội bóng do HLV người Bỉ Vital Borkelmans dẫn dắt lọt vào vòng 1/8 Asian Cup 2019 theo cách trái ngược với Việt Nam. Họ là đội đầu tiên vượt qua vòng bảng, với bảy điểm cùng ngôi nhất bảng sau ba trận. Còn Việt Nam là đội cuối cùng, đi tiếp chỉ nhờ hơn đối thủ ở chỉ số fair-play. Jordan thắng cả Australia lẫn Syria, còn Việt Nam thua cả Iraq lẫn Iran.
Sự trái ngược về phong độ ấy dễ tạo ra suy nghĩ về sự trái ngược trong phong cách chơi của hai đội. Nhưng thực tế, Jordan tiếp cận trận đấu theo đúng cách của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á, Olympic Việt Nam ở Asiad 2018 và đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2018 cũng như ở Asian Cup hiện tại. Họ tận hưởng cảm giác của một đội "cửa dưới".
Trong cả hai chiến thắng ở vòng bảng, Jordan đều để đối phương cầm bóng vượt trội. Australia ở trận đầu tiên cầm bóng tới 77%. Syria ở trận thứ hai cũng cầm bóng tới 65%. Tuy nhiên, Jordan vẫn tạo được nhiều cơ hội ăn bàn. Trận gặp Australia, họ chỉ có chưa tới 200 đường chuyền, nhưng vẫn thực hiện được tới 10 pha dứt điểm, 6 trong đó trúng hướng cầu môn và một thành bàn. Trận gặp Syria còn ấn tượng hơn. Jordan sút tới 18 quả, bốn trúng hướng cầu môn và hai thành bàn.
Về lý thuyết, sơ đồ ưa thích của Jordan là 4-3-3, với cầu thủ mang áo số 4 chơi thấp nhất trong vai trò tiền vệ trụ Baha' Abdel-Rahman, cầu thủ mang áo số 13 Khalil Bani Attiah đá như một tiền vệ con thoi, và cầu thủ mang áo số 6 Saeed Murjan chơi tấn công. Chơi cao nhất trên hàng tiền đạo là số 18 Musa Al-Taamari, người duy nhất trong đội hình Jordan đang chơi bóng ở châu Âu (cho APOEL Nicosia ở Cyprus). Hỗ trợ cho Al-Taamari là số 7 Yousef Al-Rawashdeh (phải) và số 11 Yaseen Al-Bakhit (trái). Việc Jordan lựa chọn sơ đồ này cũng là dễ hiểu vì HLV Borkelmans là một người Bỉ, và rất hâm mộ Ajax thời Johan Cruyff.
Nhưng trên thực tế, Jordan thường vận hành với sơ đồ 4-4-2. Hai tiền vệ cánh sẽ lùi xuống chơi ngang hàng với hai tiền vệ trung tâm Baha' và Khalil, còn tiền vệ công số 6 Murjan sẽ đẩy lên chơi như một tiền đạo. Đây được xem là sơ đồ phục vụ ý tưởng phòng ngự - phản công tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Đặc điểm của sơ đồ này là khoảng cách giữa các tuyến và các vị trí nhỏ, do đó rất chặt chẽ, cách triển khai lại không quá phức tạp, và rất tiện khi phản công, bởi luôn có ít nhất hai cầu thủ có mặt ở trung lộ.
Hình ảnh trên là tình huống không bóng điển hình của Jordan. Họ chơi phòng ngự nhưng không lùi quá sâu. Cầu thủ phòng ngự thấp nhất vẫn cách vạch 16m50 khoảng chừng 15 mét. Hàng hậu vệ và hàng tiền vệ tạo thành một khối chặt. Việc đưa bóng vào giữa khối này là điều gần như không thể, nhất là khi cách di chuyển của hai tiền đạo cũng nhằm mục đích ngăn đối phương (ở đây là Australia) đưa bóng qua trung lộ. Tuy nhiên, vì Jordan tập trung bảo vệ trung lộ nên ở hai biên, họ để hở nhiều khoảng trống.
Cách chơi của Jordan tạo cảm giác họ để đối phương triển khai bóng ra biên có phần dễ dàng, nhưng dường như đó là một phần trong kế hoạch của đội bóng Tây Á. Jordan muốn đối thủ đưa bóng ra biên và tạt bổng vào, bởi họ tự tin là ở phía trong, cặp trung vệ đều cao trên 1m85 (số 3 Tareq Khattab cao 1m85, số 19 Anas Bani Yaseen cao 1m88) có thể "thầu" hết các tình huống bóng bổng. Và thực tế đúng là như thế. Syria gần như bất lực trước lối phòng ngự đó của Jordan. Không thể tấn công qua trung lộ, họ buộc phải đưa bóng ra biên rồi tạt vào hoặc sử dụng bóng dài. Nhưng cả hai chiến thuật ấy đều bị hóa giải dễ dàng bởi các trung vệ to cao của Jordan.
Đến giờ, chiến thuật mà Jordan lựa chọn có nhiều tương đồng với chiến thuật của Leicester City ở mùa giải CLB này vô địch Ngoại hạng Anh. Cũng là sơ đồ 4-4-2 chặt chẽ. Cũng có những trung vệ to lớn và không chiến tốt (Leicester có Wes Morgan và Roberth Huth), đủ để tự tin "mời" đối thủ đưa bóng ra biên và tạt vào. Và Jordan cũng có một N'Golo Kane của riêng họ, đó là cầu thủ mang áo số 13 Khalil. Đấy là một cầu thủ rất khỏe, tắc bóng, cắt bóng rất tốt, và thường là người mở ra các pha phản công cho Jordan, với những đường chuyền nhanh, gọn và hợp lý.
Và cũng như Leicester, Jordan sở hữu những cầu thủ rất phù hợp với lối chơi phản công ở phía trên. Hai bên cánh là những cầu thủ rất tốc độ, có khả năng qua người tốt. Cầu thủ chơi cao nhất, số 18 Al-Taamari, cũng rất nhanh, có khả năng tìm kiếm khoảng trống và hoạt động độc lập rất ổn. Bàn thắng mở tỉ số vào lưới Syria chính là một bàn thắng tiêu biểu cho cách chơi phản công của Jordan. Họ chỉ cần ba người để làm nên chuyện: số 11 Yaseen căng ngang cho số 7 Yousef dứt điểm để số 18 Al-Taamari đệm bóng từ cự ly gần.
Bên cạnh các pha phản công, Jordan còn có một vũ khí khác mà những đội bóng cửa dưới không thể không có, đó là khả năng tận dụng các tình huống cố định. Hai trong số ba bàn thắng của Jordan ở vòng bảng được ghi từ những pha phạt góc. Theo cùng một kịch bản: cầu thủ đá góc sẽ gẩy quả bóng ra để một cầu thủ khác tạt vào, đích đến là các trung vệ. Trận gặp Australia, trung vệ số 19 Anas Bani là người ghi bàn. Trận gặp Syria, tới lượt người đá cặp với anh là số 3 Tareq lên tiếng. Jordan mài giũa những pha đá phạt kiểu này kỹ tới mức đối phương đối phó kiểu gì họ cũng có cách thay đổi phù hợp.
Nhưng Jordan cũng có một vấn đề. Dù HLV Borkelmans và cộng sự trong ban huấn luyện đã nỗ lực hết sức, Jordan vẫn chưa hoàn toàn giũ bỏ được thói quen thiếu kỷ luật vị trí từng là điểm yếu lớn nhất của họ. Tình huống dưới đây là một ví dụ. Dù cố gắng duy trì một đội hình chặt, hậu vệ cánh trái là số 21 Salem Al-Ajalin lại quá lo lắng về cầu thủ của đối phương, nên không nghiêng theo các đồng đội khác ở hàng thủ. Tiền vệ trái Yaseen thì lững thững đi về. Ở nách trái của Jordan có một khoảng trống rất lớn mà Australia suýt khai thác thành công.
Chẳng những không đảm bảo được vị trí trong suốt 90 phút, các cầu thủ Jordan cũng ít nhiều "nhạy cảm" với các pha di chuyển không bóng của đối thủ. Họ có thể bị lôi kéo khỏi vị trí một cách dễ dàng. Ngay cả hai tiền vệ trung tâm cũng thường xuyên bị hút về phía bóng (một phần vì các tiền đạo đã không hoàn thành nhiệm vụ che chắn ở lớp pressing đầu tiên). Vấn đề là khi các tiền vệ này rời vị trí, không có cầu thủ nào của Jordan lấp vào, nên sau lưng họ là những khoảng trống lớn. Và khi bóng được đưa vào khoảng trống đó, những vị trí khác của Jordan lại mới hối hả sửa sai, từ đó lại xuất hiện thêm những khoảng trống mới ở các vị trí khác.
Tình huống trên, ở trận Jordan gặp Australia, nói lên nhiều điều về vấn đề của Jordan. Hai tiền vệ của họ quyết định gây sức ép với cầu thủ có bóng của Australia ở thời điểm không thích hợp (quá xa bóng, mất nhiều thời gian di chuyển), tạo điều kiện cho anh ta chuyền bóng ngược vào hành lang trong. Một trung vệ của Jordan và tiền vệ phòng ngự còn lại của họ nhận thấy nguy cơ đã cuống cuồng ập vào, nhưng họ vẫn bị chậm ít nhất một nhịp.
Kết quả là cầu thủ của Australia vẫn có thể thoải mái nhận bóng. Và ở phía sau trung vệ của Jordan là một khoảng trống rất lớn. Trong tình huống này, hậu vệ trái số 21 cũng đã bị tiền đạo của Australia lôi kéo ra sát đường biên ngang và "ghim" ở đó, nên không thể hỗ trợ ngăn cản hay gây sức ép với pha di chuyển không bóng của cầu thủ mang áo số 9 bên phía Australia. Một cú chọc khe hay một pha bấm bóng nhẹ đều từ cầu thủ đang có bóng đều có thể đặt số 9 vào thế một đối một với thủ môn Jordan.
Thực ra, vấn đề của Jordan cũng là thực trạng chung của phần lớn các đội bóng Tây Á. Đó là lý do tại sao Việt Nam thường chơi tốt mỗi khi đụng độ các đội bóng đến từ khu vực này. So về sức vóc, Quang Hải và đồng đội không thể bằng được đối thủ. Nhưng về khả năng xoay xở và xử lý bóng trong không gian hẹp, Việt Nam lại có phần hơn. Những khoảng trống thường xuất hiện trong hệ thống của Jordan, do đó, sẽ là những mảnh đất vàng để các cầu thủ cây kim của HLV Park Hang-seo khai thác.
Theo Minh Khiêm (VnExpress.net)