Hướng đi mới của Indonesia
Đối với đội tuyển Indonesia, 2 lần liên tiếp vào bán kết AFF Cup - điều không diễn ra từ 2010 - cùng với thành tích vào vòng 1/8 Asian Cup 2023 thành công vượt bậc trong giai đoạn hiện đại.
Xen giữa khoảng thời gian này, Indonesia lần đầu tiên giành HCV SEA Games trong phiên bản giới hạn độ tuổi U23 vào năm 2023. Tính cả ĐTQG, thắng lợi gần nhất diễn ra từ 1991.
Không thể phủ nhận những kết quả tịch cực này, nhất là khi Indonesia vừa bị FIFA cấm dự các giải quốc tế (vòng loại World Cup 2018, Asian Cup 2019), nhờ vào chính sách nhập tịch.
LĐBĐ Indonesia (PSSI), dưới tư vấn của HLV trưởng Shin Tae Yong, thay đổi xu thế nhập tịch được áp dụng nhiều năm trước.
Song song với việc các CLB giải Liga nhập tịch để có thêm suất ngoại binh, PSSI có hướng đi của riêng mình thông qua nhóm chuyên tìm gốc gác cầu thủ.
Một phần kế hoạch này dựa trên... Football Manager, trò chơi điện tử mô phỏng quản lý bóng đá. Đây cũng là hình thức hiện rất phổ biến tại châu Phi, với các nhóm tư vấn (đa phần là phi lợi nhuận) về những cầu thủ gốc Phi chơi bóng ở châu Âu (có nguồn gốc nhiều đời, hoặc theo gia đình di cư khi còn nhỏ).
Thay thế cho những Ilija Spasojevic, Beto Goncalves, Victor Igbonefo, PSSI hướng đến các cầu thủ trẻ châu Âu có nguồn gốc Indonesia. Hà Lan và Bỉ là miền đất chính để săn tìm tài năng.
Có đến 6 trong 8 cầu thủ nhập tịch Indonesia vừa dự Asian Cup 2023 đến từ Hà Lan (5) hoặc Bỉ (1). Họ là Shayne Pattynama, Justin Hubner, Marc Klok, Ivar Jenner, Rafael Struick, Sandy Walsh.
Một nửa tuyển thủ nhập tịch mà ông Shin Tae Yong mang sang Qatar hiện chưa quá 21 tuổi. Walsh, Hubner, Jenner thậm chí từng khoác áo đội trẻ Hà Lan.
Tỷ phú Erick Thohir, chủ tịch PSSI và là cựu chủ tịch Ủy ban Olympic Indonesia (ông từng là chủ sở hữu kiêm chủ tịch Inter Milan), chấp nhận trả tiền thưởng rất cao để nhiều cầu thủ trẻ thay đổi quốc tịch cũng như màu áo.
Jay Idzes, người đang khoác áo Venezia ở Serie B (Italy), dự kiến được triệu tập cho các trận đấu với Việt Nam thuộc vòng loại World Cup 2026 vào tháng sau.
Bên cạnh đó, hồ sơ của Thom Haye (Heerenveen), Maarten Paes (FC Dallas; đã đồng ý dến Jakarta để làm thủ tục nhập tịch) - hai cựu cầu thủ U21 Hà Lan, cùng Nathan Tjoe-A-On (Swansea City; cho mượn ở Heerenveen), Ragnar Oratmangoen (Fortuna Sittard) đang được chuẩn bị để hoàn tất nhập tịch.
Nỗi lo và tranh cãi
Giống như Indonesia, Philippines cũng nhắm đến các cầu thủ trẻ không có suất ở các đội tuyển châu Âu. Các mục tiêu là Đức hoặc Tây Ban Nha.
Đội hình Philippines hiện có tài năng Santiago Rublico (18 tuổi), thành viên U19 Atletico.
Thái Lan có 2 cầu thủ nhập tịch thi đấu nổi bật tại Asian Cup 2023, Elias Dolah (Thụy Điển) và Nicholas Mickelson (Na Uy).
Leon James gốc Anh từng đá cho U22 Thái Lan và đang cạnh tranh suất ĐTQG. Bên cạnh đó, FAT (LĐBĐ Thái Lan) không ngừng thuyết phục Jude Soonsup-Bell - người vừa rời đội trẻ Chelsea sang U21 Tottenham (từng khoác áo U15, U16, U18, U19 Anh) - trở thành thành viên "Voi chiến".
Ngược lại, Malaysia nảy sinh nhiều tranh cãi khi một số người lên kêu gọi dừng ngay chính sách nhập tịch.
Ở Asian Cup 2023, Malaysia có 14 cầu thủ nhập tịch, nhiều hơn bất kỳ đội nào. Tuy nhiên, "Hổ vàng" thi đấu rời rạc và chỉ có điểm nhờ trận hòa bị nhiều hoài nghi với Hàn Quốc.
Cựu Giám đốc kỹ thuật Chương trình phát triển bóng đá quốc gia (NFDP), Lim Teong Kim, nhấn mạnh chính sách nhập tịch cầu thủ phải được Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) dừng ngay lập tức.
"Đối với tôi, chương trình nhập tịch cần phải kết thúc. Bởi vì nhập tịch không tốt cho bóng đá nói chung", Lim Teong Kim nhấn mạnh. Ông cho rằng điều này ngăn cản cơ hội cho những cầu thủ bản địa phát triển.
Cựu tuyển thủ Jamal Nasir cũng nhận định: "Chú trọng vào những nhân tố nhập tịch tác động xấu đến sự phát triển cơ bản của những tài năng người Malaysia".
Thực tế, chính Indonesia rơi vào tình trạng lục đục khi Saddil Ramdani mỉa mai HLV Shin Tae Yong vì bị loại khỏi Asian Cup 2023, để lấy chỗ cho cầu thủ nhập tịch.
Về lâu dài, những người như Ramdani cảm thấy bị bất công và đánh mất động lực cạnh tranh để được lên tuyển.
Zainal Abidin Hassan, người có 180 trận khoác áo Malaysia, kết luận tình hình chung của bóng đá Đông Nam Á: "Nhập tịch chỉ dành cho chính sách tìm kiếm kết quả tức thì, nhưng hiệu quả hay không thì chưa biết. Cần phát triển cầu thủ địa phương, nghĩa là các nền bóng đá phải có chương trình cơ sở bài bản".
Theo Ngọc Huy (VietNamNet)