Trận MMA đường phố khiến dư luận phẫn nộ |
Nhiều diễn đàn võ thuật ở Việt Nam và Trung Quốc vừa xôn xao về một trận MMA đường phố giữa hai võ sĩ nghiệp dư. Đây thực sự là cuộc "tử chiến" bởi một trong hai võ sĩ đã dính chấn thương quá nặng, có thể tử vong sau cú đòn quá tàn nhẫn của đối thủ.
Dù trận chiến này không xảy ra ở Việt Nam nhưng nhiều tên tuổi lớn ở làng võ nước ta đã đồng loạt lên tiếng với quan điểm lên án.
Trao đổi với chúng tôi, võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất ở tuyển Muay Việt Nam cho rằng những trận đấu như thế này không nên diễn ra tại bất kỳ một quốc gia nào:
"Theo tôi, đây là một trận đánh lộn thì chính xác hơn, có thể xuất phát từ mâu thuẫn trước đó của hai bên và họ quyết định dùng nắm đấm để giải quyết.
Theo cách di chuyển và ra đòn thì chắc chắn cả hai đều là người có luyện võ, nhưng võ sĩ áo đen có thời gian tập lâu hơn và kỹ thuật đánh tốt hơn.
Tuy nhiên, những trận đấu như vậy thì tốt nhất không nên xảy ra dù ở nước ngoài hay Việt Nam vì nó rất dễ gây ra chấn thương nặng và gây ra nhiều vấn đề. Người tập võ thuật nếu muốn tỉ thí có thể đến một võ đường hay CLB nào đó, sau đó mang bảo hộ rồi thi đấu có trọng tài. Sau những trận đấu có thể sẽ trở thành những người bạn mới của nhau".
Võ sĩ Nguyễn Văn Đương – người sẽ đại diện cho Boxing Việt Nam tham dự Olympic Tokyo đưa ra quan điểm cho rằng trận đấu gây xôn xao vừa qua giống như màn đánh lộn để giải quyết mâu thuẫn cá nhân chứ không phải một cuộc đấu võ thuật:
"Tôi có xem qua clip. Đây giống như là kiểu giải quyết mâu thuẫn hơn là giao lưu võ thuật. Bởi các vấn đề giao lưu với các môn võ hoặc CLB với nhau thì kể cả có diễn ra ở phòng tập, công viên hay bất cứ đâu thì phải có trọng tài ở giữa để can thiệp kịp thời.
Ở Việt Nam mình, vừa rồi tôi cũng thấy có một vài trận giao lưu gần tương tự, nhưng tất cả đều có trọng tài và không quá ăn thua như thế này. Như ở trận đấu mà chúng ta đang nói tới thì hoàn toàn không có trọng tài và giống giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực hơn là giao lưu võ thuật.
Đây chắc chắn không phải là thể thao rồi. Anh có thể thấy, sau khi đánh gục đối thủ, người chiến thắng cũng không hề hỏi thăm xem đối thủ của mình ra sao mà quay người đi luôn. Nếu giao lưu võ thuật sẽ không có chuyện như vậy".
Huyền thoại làng tán thủ Việt Nam – Đào Việt Lập, người từng giành chức vô địch thế giới và hiện là một HLV môn MMA đưa ra quan điểm:
"Bản thân môn MMA là môn bạo lực. Khi tập MMA thì các võ sĩ luôn làm cách nào hạ knock-out đối phương càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, chúng tôi đi theo thể thao chuyên nghiệp, có tổ chức nên những trận đánh đường phố như thế này cần phải lên án và bị cấm.
Thông qua trận đấu này, tôi cho rằng những người thầy chuyên nghiệp nên dậy cả đạo đức con nhà võ. Còn riêng với tôi, nếu xảy ra va chạm ngoài đường thì tôi cứ xin lỗi trước, mọi việc giải quyết trong hòa bình.
Còn về thi đấu MMA, như ở Việt Nam thì dù Liên đoàn MMA Việt Nam đã thành lập được một thời gian nhưng chúng tôi vẫn đang trong quá trình đào tạo HLV học luật. Khi làm tốt các quá trình đấy thì mới tuyển chọn đào tạo lan tỏa ở phạm vi toàn quốc rồi mới tổ chức các sự kiện chuyên nghiệp".
Trong khi đó, võ sư Đinh Trọng Thủy, Phó Ban chuyên môn Hội Võ thuật Hà Nội, chủ nhiệm võ đường Vĩnh Xuân Kungfu Thăng Long nêu quan điểm cho rằng người luyện võ không nên giải quyết mâu thuẫn cá nhân theo cách tương tự:
"Tôi cũng cho rằng trận đấu này mang tính chất giải quyết mâu thuẫn cá nhân là chính chứ không phải một trận đấu. Những trận đấu như thế thường sẽ không kiểm soát được hậu quả, trong đó có góc độ chấn thương.
Cũng có thể bản thân người ra đòn trong tình huống này cũng không lường được hậu quả rằng đối thủ của anh ta sẽ chấn thương nặng đến thế nếu đánh nhau ở ngoài đường.
Cách giải quyết như vậy rõ ràng là rất nên tránh bởi nó rất dễ khiến các võ sĩ vi phạm pháp luật, có thể bị truy tố hình sự, chưa kể tới việc gây ra chấn thương nặng cho đối thủ. Mình tập võ nghiêm túc, chân chính thì nên có nhà tập, có bảo hộ và có những cách giải quyết hay hơn".
Theo Tiểu Mã (Pháp luật và Bạn đọc)