Hồi ức: Michel Platini định nghĩa sự hoàn hảo ở Euro 1984

06/04/2016 12:58:33

Bóng đá thế giới những năm 80 của thế kỷ trước chứng kiến ba màn trình diễn siêu phàm đến từ ba cá nhân kiệt xuất của trang sử vàng bóng đá thế giới. Nếu như người hâm mộ coi bóng đá ở giai đoạn này giống như một chiếc bánh sandwich, thì 6 bàn thắng của Paolo Rossi đưa Italia vô địch Espana 82 và màn trình diễn của “chúa” Diego Maradona xuyên suốt World Cup 1986 giống như những lớp vỏ bánh ngọt lịm. Còn nhân của chiếc bánh đó là hoà quyện của những lát thịt cay nồng và đa mùi vị, mang tên Michel

Bóng đá thế giới những năm 80 của thế kỷ trước chứng kiến ba màn trình diễn siêu phàm đến từ ba cá nhân kiệt xuất của trang sử vàng bóng đá thế giới. Nếu như người hâm mộ coi bóng đá ở giai đoạn này giống như một chiếc bánh sandwich, thì 6 bàn thắng của Paolo Rossi đưa Italia vô địch Espana 82 và màn trình diễn của “chúa” Diego Maradona xuyên suốt World Cup 1986 giống như những lớp vỏ bánh ngọt lịm. Còn nhân của chiếc bánh đó là hoà quyện của những lát thịt cay nồng và đa mùi vị, mang tên Michel Platini.
Giới truyền thông vẫn thường xuyên nhắc đến World Cup 1986 như là một trong những giải đấu hay nhất lịch sử. Diego Armando Maradona có thể làm vua của bóng đá trong nửa cuối của thập kỷ đó, cả trên bình diện cấp CLB lẫn ĐTQG. Nhưng có lẽ tất cả xuất phát từ hình ảnh có lẽ là kinh điển nhất lịch sử bóng đá thế giới: “Bàn tay của chúa”, một nỗi đau ngàn năm mà người Anh phải hứng chịu. Nó giống như khi ăn một chiếc bánh mỳ ngon tuyệt thì ta nhai ngay trúng hạt sạn to đùng mà khi đó chủ đề sẽ nghiêng hẳn về phía hạt sạn ấy. Còn với Paolo Rossi, người ta nhắc đến anh nhiều hơn với 6 bàn thắng chỉ qua 3 trận đấu cuối cùng, tựa như một chút cay xè đến bỏng lưỡi. Trong khi đó, mọi thứ mà Michel Platini chạm đến giai đoạn 1983-1985 đều biến thành vàng.

Platini giành 2 chức vô địch Serie A, 1 cúp C2, 1 cúp Liên lục địa đều cùng với Lão bà Juventus. Những kỷ lục mà Platini lập được xuất hiện với một tốc độ chóng mặt và mật độ dày đặc: Cú hat-trick danh hiệu cầu thủ hay nhất châu Âu, cú hat-trick danh hiệu vua phá lưới Serie A, vua phá lưới cúp C1 năm 1985, một bàn thắng ở trận chung kết mang danh “thảm hoạ Heysel” cho dù anh chỉ là một tiền vệ. Người hâm mộ cũng vì thế tôn vinh anh trở thành “Le Roi”, tức là “nhà vua”.

Michel Platini là cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu giai đoạn 1983-1985

Thực tế thì chức vô địch của chủ nhà Pháp không phải là một bất ngờ bởi họ được đánh giá cao nhất trước thềm giải đấu chứ chẳng phải là Tây Đức hay Tây Ban Nha. Đơn giản bởi chính “những chú gà trống” đã chiếm trọn vẹn tình cảm của người hâm mộ ở vòng chung kết World Cup trước đó 2 năm khi chỉ để thua Tây Đức ở bán kết trong một trận cầu bị đánh giá là thiếu công bằng bậc nhất lịch sử. Hơn nữa, Pháp còn có những sự tăng cường từ các tài năng sáng giá.

Thủ thành Joel Bats cùng cặp hậu vệ Yvon Le Roux và Patrick Battiston đã gia cố thêm cho hàng thủ của HLV Michel Hidalgo. Ngoài ra thì tiền vệ phòng ngự Luis Fernandez cũng hiện diện để hợp với Platini, Tigana và Giresse tạo thành hàng tiền vệ hình kim cương, đồng thời cho phép Platini, cầu thủ khi đó đang ở đỉnh cao phong độ, xâm nhập vòng cấm đối thủ bất kỳ lúc nào. Pháp thường xuyên lo ngại về khả năng dứt điểm của các tiền đạo nhưng tại Euro 1984, đó không phải vấn đề nữa.

Thế nhưng đội chủ nhà có một khởi đầu không hề dễ dàng. Họ không thể nào xuyên thủng nổi mảnh lưới của “những chú lính chì” Đan Mạch, cho đến khi tiền vệ Platini thực hiện một cú sút từ ngoài vòng 16m50 chạm người hậu vệ đối phương bay vào lưới ở phút 78. Nhưng quả thực là vạn sự khởi đầu nan. Pháp giành 2 chiến thắng liên tiếp sau đó rất dễ dàng trước Bỉ và Liên bang Nam Tư với việc Platini giành cú hat-trick qua mỗi trận đấu. Tuy nhiên người ta mới chỉ bắt đầu gọi đây là “kỳ Euro của Platini” khi anh toả sáng trong trận cầu được đánh giá là hay bậc nhất lịch sử Euro giữa Pháp và Bồ Đào Nha.

Khi tỷ số trận bán kết đang là 2-2 ở phút 119, Tigana xuất sắc đột phá dũng mãnh bên cánh phải trước khi căng ngang vào trong để Platini đỡ một nhịp trước khi dứt điểm tung lưới thủ thành Bento. Pháp lọt vào chung kết một cách nghẹt thở còn BLV John Motson của kênh BBC phải thốt lên: “Trong nhiều năm qua tôi chưa thấy một trận đấu nào như thế này.” Trận chung kết diễn ra với một kịch bản khác hẳn khi Bồ Đào Nha chơi lấn lướt so với Tây Ban Nha suốt 90 phút. Họ có bàn thắng mở tỷ số nhờ công của cái tên mà ai cũng có thể đoán ra, Michel Platini, khép lại một giải đấu mà anh đã ghi bàn trong suốt cả 5 trận đấu, bằng chân trái, chân phải và đánh đầu; từ sút xa tới cận thành và có cả những tình huống sút phạt hay solo thành bàn. Đó là một kỷ lục có lẽ sẽ không bao giờ bị phá vỡ.

Đội tuyển Pháp vô địch Euro 1984 thuyết phục

Với chiếc băng đội trưởng trên tay, mái tóc xù và lối chơi đậm chất kỹ thuật và tốc độ, Platini còn để lại trong tâm trí người hâm mộ những cảm xúc đặc biệt không chỉ xoay quanh những bàn thắng. Anh thực sự là một người nhạc trưởng, hào hoa và đầy phong cách. Platini sở hữu những tình huống rê dắt bằng hai chân rất ấn tượng mà đến tận ngày hôm nay rất ít cầu thủ có thể làm tốt được điều đó. Bàn thắng đầu tiên của anh vào lưới đội tuyển Bỉ ở giải đấu năm đó là một ví dụ như thế. Euro 1984 thực sự là một giải đấu chỉ nhằm tôn vinh Michel Platini hay chính xác hơn, Platini xuất hiện để biến Euro 1984 trở thành đặc biệt khi mà đó là kỳ Euro duy nhất mà “Le Roi” tham dự.

Theo Thể thao Việt Nam