Về lý thuyết, Hội đồng HLV quốc gia vẫn cần thiết cho bóng đá Việt Nam. Nhưng đấy là với điều kiện họ phải thực sự làm việc và thực sự có chính kiến trong các vấn đề mang tính định hướng chuyên môn của bóng đá nội, của các đội tuyển.
Tuy nhiên, đấy là nói trong bối cảnh mà hội đồng đấy, hoặc ban chuyên môn đấy thực sự làm việc, thực sự có chính kiến trong công việc của mình, chứ không phải hoạt động theo kiểu “gió thổi chiều nao theo chiều nấy”, kiểu ông chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển công kích HLV Nguyễn Hữu Thắng kịch liệt sâu thất bại tại SEA Games, nhưng toàn nói những điều mà cả nước biết rồi, người bình thường nhìn còn thấy chứ không cần đến Hội đồng HLV quốc gia.
Lúc mà một nền bóng đá cần đến chính kiến của Hội đồng HLV quốc gia là lúc nào? Ví dụ như thời điểm VFF sa thải HLV Miura sao không thấy Hội đồng vừa nêu cho chính kiến của mình, rằng sa thải vị HLV người Nhật Bản ở thời điểm cách nay 2 năm là phù hợp hay không, tại sao lại sa thải trong bối cảnh mà ông Miura chưa hề làm hỏng chỉ tiêu nào của VFF, thậm chí còn làm hơn cả những gì mà bóng đá Việt Nam chờ đợi? Tại sao lại sa thải ông ấy khi ông ấy vừa vực dậy một đội tuyển đang rất lẹt đẹt ở các năm trước đó?
Vai trò của Hội đồng HLV quốc gia ở đâu khi VFF sa thải HLV Miura, bổ nhiệm HLV Nguyễn Hữu Thắng theo hướng có quá nhiều cảm tính? |
Rồi Hội đồng HLV quốc gia ở đâu khi VFF tiếp tục bổ nhiệm HLV Nguyễn Hữu Thắng thay HLV Miura? Bổ nhiệm dựa vào những tiêu chí nào? Và bảo HLV Nguyễn Hữu Thắng khi đó là phù hợp với đội tuyển quốc gia, có thể xây dựng lối chơi phù hợp cho các đội tuyển quốc gia, là phù hợp như thế nào?
Về cơ bản, Hội đồng HLV quốc gia hay bất cứ hội đồng chuyên môn, kỹ thuật trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng tương tự như những hội đồng khoa học. Tức là kết luận các vấn đề dựa trên những tiêu chí, những luận chứng khoa học, thông qua những con số cụ thể.
Nó khác với kiểu phát biểu của ông chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển theo kiểu nghe đi nói lại, thấy dư luận bực bội sau thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games, thì gần như lặp lại những gì mà trước đó báo chí đã nêu về các khiếm khuyết của đội tuyển, các nhà chuyên môn trong nước đã đề cập khi cảnh báo về đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng.
Nếu đã như thế thì cũng không cần đến Hội đồng HLV quốc gia, vì hội đồng về lý thuyết giỏi chuyên môn bóng đá nhất nước mà cũng chỉ nói những điều mà phần đông người hâm mộ có thể nói, thì không cần thiết duy trì cái hội đồng đấy làm gì, để phình to ban bệ và tốn thêm tiền nuôi bộ máy.
Thêm nữa, đã là những nhà chuyên môn thì có chính kiến về vấn đề chuyên môn rõ ràng hơn hẳn những người không rành về chuyên môn. Đằng này Hội đồng HLV quốc gia gần như cũng im lặng, chiều theo suy nghĩ đầy cảm tính của lãnh đạo VFF khi sa thải HLV Miura, rồi bổ nhiệm HLV Nguyễn Hữu Thắng.
Đến lúc đội tuyển thất bại thì lại tiếp tục chiều theo lãnh đạo, chỉ trích kiểu "giậu đổ bìm leo" để trút mọi trách nhiệm lên đầu vị HLV đã nghỉ rồi, trong khi chẳng chỉ ra những nguyên nhân còn sâu xa hơn khiến các đội tuyển yếu kém kéo dài (điển hình là hệ thống giải quốc nội kém cỏi, không giống ai), liên quan đến vai trò quản lý và định hướng của chính VFF.
Sở dĩ phải nhắc lại chuyện cần chính kiến của Hội đồng HLV quốc gia trong việc tuyển chọn HLV cho các đội tuyển, vì đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 quốc gia hiện nay đang khuyết HLV trưởng.
Nếu Hội đồng HLV quốc gia tiếp tục thiếu chính kiến, thì thử hỏi căn cứ vào đâu để chọn HLV cho các đội tuyển? Ai giám sát và thẩm định năng lực của HLV mới trước và trong khi vị HLV đấy nhận nhiệm vụ dẫn dắt các đội tuyển quốc gia? Hay việc tuyển chọn và sử dụng chỉ tiếp tục dựa theo cảm tính của VFF?
Theo Kim Điền (Dân Trí)