- Ông từng năm năm theo học bằng HLV ở Đức, rồi dẫn dắt sáu CLB ở Nhật Bản nhưng không thể tồn tại khi đến Việt Nam. Theo ông, đâu là nguyên nhân cơ bản?.
- Có nhiều người nói là do tôi "chưa hiểu văn hóa Việt Nam". Trong thời gian ở đội tuyển Việt Nam (tháng 5/2014-1/2016) và sau này là CLB TP HCM (năm 2018), tôi được nghe phản ánh nhiều lần về vấn đề này. Nhưng đó đều là ý kiến chủ quan. Họ đâu biết tôi sinh hoạt, đối xử với các cầu thủ, đồng nghiệp như thế nào.
Nhiều người còn nói tôi không phải tuýp người thân thiện. Tôi muốn hỏi ngược lại là tôi không thân thiện với truyền thông, với cầu thủ, với quan chức hay với tất cả? Tại sao tôi phải cố gắng thân thiện với cả những người tôi không quen? Có bao nhiêu người trong xã hội có thể gần gũi và xởi lởi với tất cả những người họ chạm mặt? Tôi luôn giữ thái độ đúng mực, làm việc trên nguyên tắc và tuân theo quy định, chứ tôi không có trách nhiệm phải thân thiện với những người không liên quan.
Có thể, gương mặt tôi không được "thân thiện" cho lắm nhưng điều đó không có nghĩa là tôi vô cảm. Ngày tôi là HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, chúng tôi luôn có các hoạt động sinh nhật, cắt bánh thổi nến. Rồi đi tập huấn và thi đấu nước ngoài, tôi luôn cố gắng tìm ra thời điểm thích hợp để cả đội ra ngoài liên hoan. Chúng tôi ăn thịt nướng và uống bia, tất nhiên trong khuôn khổ cho phép nhưng đại ý là thế. Bạn có thể hỏi các trợ lý của tôi trước đây để biết, tôi đối xử với cầu thủ thế nào. Giữa tôi và các cầu thủ chưa bao giờ có khoảng cách, đấy là điều tôi chắc chắn. Không có chuyện tôi là người bảo thủ, cứng nhắc tới mức một giọt bia cũng không cho cầu thủ uống.
- Thế còn chuyện không ở nhà công vụ do VFF thu xếp? Từ trước đến nay, kể cả HLV đương nhiệm Park Hang-seo, cũng chưa ai ra ngoài thuê căn hộ riêng như ông.
- Tôi thấy chuyện đó không có gì nghiêm trọng cả. Mà nói đúng ra, đấy là việc bình thường. Chỗ ăn ở của tôi đã được thống nhất trong hợp đồng, tôi không đòi hỏi và VFF cũng đâu phải "gồng" lên để đáp ứng nhu cầu của tôi.
Với lại, tôi cũng không muốn làm phiền quá nhiều tới các anh chị trong Liên đoàn. Họ đã dành nửa ngày để hỗ trợ, đáp ứng các yêu cầu công việc nên chuyện sinh hoạt cơ bản như ăn uống, mua sắm, tôi muốn tự mình làm. Dù là HLV, cầu thủ hay là chuyên viên, ai cũng có cuộc sống riêng, cần thời gian cho gia đình.
- Trong hai thời kỳ của ông với bóng đá Việt Nam, có thể nhận thấy ông ưu ái những cầu thủ to cao, thể hình vạm vỡ và lối chơi bóng dài, đi ngược với truyền thống khéo léo kỹ thuật của người Việt Nam. Đâu là lý do thực sự?
- Tôi không biết mình có chủ quan hay không nhưng chắc chắn, mỗi HLV trên thế giới đều có quan điểm dùng người khác nhau. Với tôi, bóng đá là môn thể thao đối kháng và hơn thế, nó còn là một môn tập thể có tới 11 người mỗi đội. Nghĩa là, HLV phải dung hòa được hai yếu tố đối kháng và tập thể. Một cầu thủ khỏe là chưa đủ, mà cả 11 cầu thủ cần nền tảng thể lực ngang nhau. Chúng ta hay nói về kỹ thuật, nhưng bao nhiêu người hiểu đúng về khái niệm kỹ thuật, tôi nghĩ đấy là câu hỏi cần được giải đáp. Kỹ thuật bóng đá không chỉ là chuyện đảo chân, rê dắt qua người. Kỹ thuật bóng đá bắt đầu từ những thứ hết sức cơ bản, như chạm một, chuyền bóng và sút bóng.
Tôi nói chuyện kỹ thuật vì thực ra, kỹ thuật hay chiến thuật bóng đá đều bắt nguồn từ nền tảng thể lực. Bạn phải đủ khỏe thì mới có thể tỉnh táo tới những giây cuối cùng. Mà chỉ có tỉnh táo mới giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn, nhất là khi trận đấu đi về những phút cuối.
Năm phút cuối trận là khoảng thời gian "dễ tổn thương" trong bóng đá. Tôi nhớ lại trận gặp Iraq ở Mỹ Đình ở vòng loại thứ hai World Cup 2018 - khu vực châu Á. Chúng ta đã dẫn 1-0 đến tận phút bù giờ, trước khi mắc sai lầm nhận bàn thua, Công Vinh đã có cơ hội dốc bóng và đối mặt thủ môn Iraq. Nếu cậu ấy ghi bàn thì trận đấu an bài. Nhưng Vinh lại sục bóng hỏng, cũng chỉ vì thể lực đã cạn kiệt. Tôi muốn nhấn mạnh, đấy là Công Vinh, cầu thủ dẻo dai, bền bỉ và sung mãn nhất của bóng đá Việt Nam.
- Nhưng chẳng phải, những cầu thủ "tá điền" như Đình Hoàng, Thanh Hiền hay tiêu biểu là Văn Biển và Tiến Thành, là mắt xích yếu trong hệ thống phòng ngự của đội tuyển Việt Nam giai đoạn đó hay sao? Mà điển hình là trận thua 2-4 trước Malaysia ở Mỹ Đình, dù lượt đi chúng ta đã thắng 2-1 ngay tại Shah Alam (bán kết AFF Cup 2014).
- Có thể nói là "không phù hợp" chứ không thể nhận định một cầu thủ chuyên nghiệp là yếu kém. Họ được đào tạo bài bản, được đá V-League, có hợp đồng đàng hoàng, nếu bảo kém tức là nói cả nền bóng đá nuôi dưỡng cầu thủ đó là kém ư?
Với Hiền và Hoàng, họ là những hậu vệ biên có thể chất tuyệt vời. Trong bóng đá hiện đại, hậu vệ biên là vị trí mất sức nhất vì vừa phải công lại vẫn phải thủ. Tiến Thành là trung vệ thông minh, biết phán đoán tình huống và "rắn mặt". Nhưng có lẽ, Thành không tập trung và non bản lĩnh, đấy là nhược điểm của cậu ấy. Văn Biển là một hậu vệ kỳ cựu của bóng đá Việt Nam, ngày tôi làm việc bạn ấy vẫn là trụ cột của đội bóng mạnh nhất Việt Nam (Hà Nội T&T). Biển lại chơi tốt bằng hai chân.
- Tuy nhiên, có một thực tế là những cầu thủ ông tin dùng ít nhiều làm ông thất vọng. Ngược lại, những người sở hữu phẩm chất thường thấy ở cầu thủ Việt Nam lại không phải ưu tiên của ông.
- Không hẳn, rõ ràng là tôi cũng rất ưu tiên cầu thủ mà các anh hay gọi là "kỹ thuật". Phi Sơn và Mạc Hồng Quân là hai ví dụ. Phi Sơn có thể hơi rườm rà nhưng bản năng của cậu ấy là sự bùng nổ. Bản năng là thứ không HLV hay trường lớp nào dạy được, còn những thứ thuộc về động tác thường thì uốn nắn được.
Mạc Hồng Quân là trường hợp khác, là điển hình của khái niệm "kỹ thuật bài bản". Tôi biết cậu ấy được đào tạo ở châu Âu và đó là một lợi thế. Quân xử lý bóng gọn gàng, động tác rất "kín", xử lý tốt bằng hai chân và cũng không ngại tranh chấp. Quân không phải tiền đạo điển hình vì cậu ấy không được đào tạo để đá cắm. Chỗ hay nhất của Quân là sau lưng tiền đạo, đá tự do và gây đột biến.
- Nhưng Phi Sơn và Hồng Quân, sau này, đều không có cơ hội lên đội tuyển. Lý do là gì?
- Lên tuyển là quyền hạn và quan điểm của từng HLV, không phải cứ đá hay ở CLB thì lên tuyển.
Nghề huấn luyện cấp đội tuyển có một đặc thù là thời gian "làm việc thật sự" rất ít, chỉ từ bảy tới chín tuần mỗi năm. Phần lớn thời gian trong năm, việc của HLV một ĐTQG giống như nhà nghiên cứu khoa học vậy, chỉ có thể ghi chép, quan sát và tự đúc kết. Nó không phải công việc ngày qua ngày mà luôn có độ trễ. Sai số là rất nhiều, trong khi cơ hội sửa sai gần như là không có. Vì thế, các HLV sẽ chọn cầu thủ phù hợp với phong cách của họ.
Tôi, hay bất kỳ các HLV nào khác, đều không thể đưa hết cầu thủ chuyên nghiệp lên đội tuyển dù trên lý thuyết, chúng tôi muốn được như vậy. Nhưng tôi đảm bảo rằng, những người từng được tôi lựa chọn đều có năng lực, phẩm chất xuất chúng.
- Vậy ai là sản phẩm ưu tú nhất trong triều đại ông cầm quyền?
- Nếu chỉ được chọn một, tôi sẽ chọn Đỗ Duy Mạnh.
Khi phát hiện ra Duy Mạnh trong một trận đấu ở giải trẻ, tôi đã bàn với một trợ lý về việc đưa Duy Mạnh lên tuyển. Cậu trợ lý nói với tôi rằng: "Ông có thể mất việc nếu tin tưởng vào một cậu bé còn chưa được nhớ mặt đặt tên". Nhưng tôi biết rằng nếu không thử thì sẽ không biết bao giờ mới có cơ hội.
- Duy Mạnh được ông bố trí đá tiền vệ phòng ngự nhưng lại nổi lên ở hàng thủ ba người từ giải đấu tại Thường Châu 2018 dưới thời HLV Park Hang-seo. Theo ông, vị trí nào phù hợp nhất với Duy Mạnh?
- Duy Mạnh là một cầu thủ tài năng và đa năng, hội tụ đầy đủ các kỹ năng phòng ngự và tấn công. Cậu ấy chuyền xa tốt, chạm một không có động tác thừa, tranh chấp tay đôi quyết liệt và thường đi trước đối phương một nhịp phán đoán.
Nếu vận hành sơ đồ hai trung vệ, tôi không nghĩ Mạnh sẽ phát huy được khả năng. Điểm yếu của Mạnh là chiều cao, đấy là thứ sẽ khiến Mạnh gặp rắc rối nếu bị đặt trong hoàn cảnh một đấu một. Hệ thống ba trung vệ có ưu điểm là giảm thiểu tối đa số lượng tình huống một đánh một. Điểm nhìn của tôi với Mạnh vẫn là một tiền vệ phòng ngự, vừa giỏi thu hồi tranh chấp lại có thể tạo ra đột biến nhờ khả năng chuyền dài.
Duy Mạnh khiến tôi nhớ rằng, ít ra mình cũng đã để lại cho bóng đá Việt Nam cái gì đó.
- Tới bây giờ, việc ông chia tay đội tuyển Việt Nam vẫn là một dấu hỏi lớn. Có người nói rằng, ông mất việc vì phong cách dùng người đi ngược quan điểm của cả nền bóng đá. Lại có người nói rằng, ông mất việc vì sức ép của bầu Đức. Đâu là sự thực?
- Tôi dừng công việc sau khi đã bàn bạc với VFF. Thú thật, tôi còn chưa từng nói chuyện với bầu Đức bao giờ và tôi cũng tin rằng, không cá nhân nào có thể đứng trên nền bóng đá, thích cho ai nghỉ thì nghỉ - cho ai làm thì làm. Đây là tổ chức có quy định, có ban chấp hành. Muốn sa thải một HLV đâu phải chuyện đơn giản.
Cũng có người nói với tôi rằng lẽ ra nên "nhún nhường" một chút, chịu dùng cầu thủ nọ cầu thủ kia một chút thì biết đâu tôi vẫn giữ được ghế. Tôi cũng biết nhập gia tùy tục chứ không hề cố chấp. Khi mới tới, tôi muốn các cầu thủ hạn chế ăn tinh bột, đường và chất béo. Nhưng một trợ lý thân tín, tôi không tiện nêu tên, nói rằng nếu ép người Việt đùng cái bỏ cơm thì khó lắm, dễ gây ra tâm lý phản ứng ngược. Thế nên tôi nghe theo. Sau này, trong đàm phán hợp đồng với CLB TP HCM, có điều khoản không thể mua một số ngoại binh nhất định do liên quan tới một số công ty đại diện trong khu vực. Sau khi đọc và nghiên cứu hợp đồng, tôi cũng đồng ý. Tôi là người làm chứ không phải là người nói. Sẽ có giới hạn mà tôi có thể vượt qua, nhưng cũng có những điều tôi không thể làm trái với mong muốn.
- Sau lần đầu tiên không thành công với đội tuyển Việt Nam, lý do nào khiến ông quyết định nhận lời trở lại và dẫn dắt CLB TP HCM?
- Sau khi kết thúc sớm hợp đồng vào tháng 5/2016, tôi tới Pháp xem Euro rồi sang Mỹ học thêm tiếng Anh. Thi thoảng, tôi cũng nhận lời lên sóng bình luận cho đài truyền hình.
Ban đầu, Công Vinh gọi cho tôi. Đại khái như "Thầy dạo này khỏe không, cuộc sống ra sao?" rồi đề cập chuyện công việc. Thú thật là tôi chưa đồng ý ngay đâu. Tôi vẫn đợi. Tôi muốn thấy một bức tranh toàn cảnh rõ rệt hơn về đội bóng mà Công Vinh quản lý lúc ấy.
Sau đó, ngày nào cậu ấy cũng hỏi tôi, nghĩa là rất nghiêm túc với dự án này, và CLB TP HCM có tham vọng cụ thể. Vì thế, tôi mới gọi điện phản hồi: "Vinh ơi, cậu qua đây đón tôi đi". Chuyện tôi tới CLB TP HCM là như thế.
- Nhưng mùa đầu tiên và cũng là duy nhất của ông ở đó chẳng suôn sẻ. Đội vật vã trụ hạng, còn Công Vinh dừng công việc ở giữa mùa. Đó có phải lý do khiến ông nghỉ việc?
- Chuyện Vinh nghỉ và tôi nghỉ không hề liên quan tới nhau. Hai công việc khác nhau, và tôi không bao giờ mang chuyện cá nhân vào đây cả. Tôi đặt mục tiêu với Ban lãnh đạo là vào Top 3 nhưng có một số khó khăn khiến đội không đạt kết quả như ý muốn. Một lần nữa, chuyện đi - ở là thỏa thuận giữa tôi và lãnh đạo đội. Tôi không phải con nít, dỗi dằn vì Vinh nghỉ nên mình bỏ việc. Thế đâu gọi là chuyên nghiệp.
- Ông dự tính thế nào cho chặng đường sự nghiệp tiếp theo?
- Cũng có vài đề nghị, từ Trung Quốc, Myanmar và cả Trung Đông. Nhưng bây giờ, sau khi đã trải qua nhiều thứ, tôi muốn tới một nơi có mục tiêu rõ ràng, như lên hạng hoặc vào nhóm đầu có vé dự Cup châu lục chẳng hạn. Tôi cũng hiểu khán giả luôn nhìn vào danh hiệu, thành công làm thước đo cho một HLV. Điều đó không có gì sai cả. Đã đến lúc, tôi cần một thành tích nào đấy. Tôi vẫn cân nhắc các lựa chọn, có người đại diện với mạng lưới quan hệ rộng lớn và sẽ gật đầu khi cảm thấy phù hợp.
Làm việc tại Nhật Bản thì tôi nghĩ là không. Tôi nghĩ, bản thân đã mất kết nối với các hệ thống thi đấu của J-League. Đội tôi muốn thì họ không mời, đội tôi không thích thì lại liên tục nhắn tin, gọi điện. Bản thân tôi cũng hơi khác các HLV điển hình ở Nhật Bản. Họ thích ăn nhậu, chơi bạn bè bằng vai phải lứa với cầu thủ. Tôi thì khác, tôi không thể để bụng mình trương phềnh lên và tụt hậu được. Tôi luôn tự nhắc bản thân là khi nào béo phì, mình phải dừng nghề huấn luyện. Nếu tôi béo lên, đi lại ục ịch thì làm sao bảo ban được cầu thủ.
Một yếu tố khác ảnh hưởng tới việc huấn luyện ở Nhật Bản, là các tập đoàn có quan điểm dùng HLV trẻ, tương tự như Hàn Quốc. Tôi chưa già nhưng cũng không trẻ, có lẽ không còn phù hợp.
- Thế ông không sợ rằng nếu nghỉ lâu quá, cái tên Toshiya Miura sẽ dần đi vào quên lãng?
- Không sai, tôi cũng sợ nghỉ lâu khiến công việc đứt đoạn. Nhưng nếu vội vàng lao vào một công việc mà mình không chắc chắn, đổi lại sẽ chỉ là những trải nghiệm đáng quên. Tôi từng nói chuyện với cựu HLV đội tuyển Anh Glenn Hoddle và thấy rõ, ngay cả những HLV trên đỉnh cao cũng có thể "sợ" công việc mà họ gắn bó cả đời.
Bây giờ, tôi vẫn đọc sách, chạy bộ hàng ngày, trau dồi ngoại ngữ và chờ đợi một cơ hội chín muồi.
Theo An Ngọc (VnExpress.net)