Highlights AFF Cup: ĐT Việt Nam 2-0 ĐT Malaysia
Nhìn cách vận hành chiến thuật của ông Park trong cuộc đấu với "người Mã" tối 16/11 tại sân Mỹ Đình, nhiều người chắc chắn rất ngạc nhiên. Ông Park dùng cặp tiền vệ trung tâm vừa yếu về thể hình lẫn khả năng phòng ngự là Quang Hải - Xuân Trường để đối phó với sức mạnh và lối chơi cơ bắp của đối thủ.
Ông đưa cầu thủ trẻ Văn Đức chưa từng trải nghiệm ở trận đánh lớn nào thay thế vị trí của thủ lĩnh Văn Quyết. Tất cả yếu tố đó khiến các chuyên gia không khỏi lo ngại về một tuyến giữa yếu đuối, thất thế trước người Mã. Nhưng tất cả đều nằm trong tính toán của ông thầy người Hàn Quốc.
Chính cách lập trại kiểu "quay lưng ra sông" của thầy Park đã giúp toàn đội luôn giữ được sự tập trung cao độ, yếu tố từng khiến tuyển Việt Nam không ít lần phải trả giá trong quá khứ. Chính việc dùng cặp tiền vệ tưởng yếu đuối là Xuân Trường - Quang Hải đã kích thích người Mã dâng cao, và để lộ tử huyệt phía sau cho các "dũng tướng" Công Phượng, Anh Đức lập đại công.
Ông còn khéo léo sử dụng Văn Đức thay vì Văn Quyết để tận dụng sức trẻ, tốc độ của "tiểu tướng" này ngăn chặn vũ khí bí mật từ Phi châu Mohamadou Sumareh, đồng thời bọc lót cho bộ đôi Xuân Trường - Quang Hải.
Ông làm cho người Mã nghĩ rằng họ là phía mạnh hơn ở Mỹ Đình và khi đó cái bẫy bắt đầu được giăng ra.
Không có quy luật cho trí tuệ Park Hang-seo
Mỗi HLV đều có một chiến thuật ưa thích, một công thức chiến thắng riêng với những cầu thủ phù hợp nhất cho hệ thống đó. Càng thành công, càng lớn tuổi, càng giàu kinh nghiệm, HLV càng bị đóng khung trong công thức của riêng mình. Điều đó đôi khi là trở lực ngăn họ đến với những thành công lớn hơn.
Quy luật ấy từng đúng với 2 người tiền nhiệm của ông Park Hang-seo ở tuyển Việt Nam. Thời Hữu Thắng, nhắm mắt cũng biết đội tuyển sẽ đá 4-4-2 với Công Vinh trên cao và Xuân Trường ở vòng tròn giữa. Trước đó nữa, HLV Toshiya Miura đa dạng hơn về mảng miếng nhưng cách lựa chọn nhân sự luôn xoay quanh những cầu thủ cao to, mạnh mẽ như Chí Công, Ngọc Hải, Thanh Hiền...
Các HLV giỏi nhất, nguy hiểm nhất và cảm thấy an toàn nhất khi được làm mọi thứ theo đúng sở trường của họ. Nói thế để thấy, những người dám tự thay đổi, dám đặt sang một bên những vinh quang xưa cũ là rất hiếm gặp trong nghề huấn luyện - vốn luôn chịu áp lực nặng nề của thành tích.
Và thật may cho tuyển Việt Nam vì chúng ta đang sở hữu một con người như thế.
Nhìn vào đội hình xuất phát trận gặp Malaysia đêm qua, rất nhiều người sẽ phải giật mình. Ông Park ném đội trưởng Văn Quyết lên ghế dự bị, đặt cặp đôi nghệ sĩ Quang Hải, Xuân Trường vào giữa sân. Ông vẫn giữ Anh Đức ở lại và bất ngờ dùng cầu thủ non kinh nghiệm Văn Đức cho vị trí tiền đạo trái.
Sắp xếp ấy đi ngược lại mọi quy chuẩn về huấn luyện thường thấy. Trước một Malaysia mạnh mẽ, đầy kinh nghiệm, tuyến giữa ấy vừa thiếu tốc độ, vừa thiếu cơ bắp. Trong một thế trận phòng ngự phản công, Anh Đức quá lớn tuổi, còn Văn Đức chưa từng trải nghiệm những trận cầu có áp lực cao như trước Malaysia.
Sắp xếp của ông Park như trêu ngươi người hâm mộ và cả đối thủ. Nếu trên cabin huấn luyện của tuyển Việt Nam là một người khác, Malaysia đã có thể tặng cho 40.000 CĐV tại Mỹ Đình một cơn ác mộng nữa.
Tuyển Việt Nam phiên bản “ký ức Thường Châu”
Diễn biến trên sân cho thấy đội tuyển Malaysia thực sự rất mạnh và đáng gờm. Phải thi đấu tại Mỹ Đình, Malaysia vẫn kiểm soát bóng tới 68,6 % thời lượng, có 4 quả phạt góc (so với 1 của Việt Nam), làm chủ hoàn toàn thế trận và tạo ra không ít tình huống nguy hiểm. Chỉ với Xuân Trường, Quang Hải, tuyển Việt Nam thu mình phòng ngự, đồng thời chấp nhận nhường sân cho đối thủ.
Nếu mọi thứ chỉ dừng lại tại đây, 90 phút ở Mỹ Đình đơn giản là cuộc đấu của một đội yếu và một đội mạnh. Malaysia đóng vai kẻ mạnh, còn Việt Nam đương nhiên là đội yếu.
Nhưng chính trong thế trận ấy, tài trí của HLV Park Hang-seo lại được thể hiện.
Vì sao đội bóng mạnh hơn lại thua? Vì sao đội kiểm soát thế trận lại tạo ra ít cơ hội? Ông Park, bằng một cách kỳ lạ nào đó, đã kéo Malaysia vào cái bẫy chết người mà Australia, Iraq hay Qatar từng mắc phải ở Giải U23 châu Á hồi tháng 1. Họ đều mạnh hơn Việt Nam, đều kiểm soát toàn cục, đều chủ động tấn công. Nhưng họ đều thất bại.
Malaysia giữ bóng gần 70 % nhưng chỉ có đúng 2 cú dứt điểm trong 90 phút. Họ làm chủ mọi thứ nhưng không có nổi một bàn danh dự.
Bởi đối thủ của họ đêm qua là Việt Nam phiên bản đáng sợ nhất. Ông Park đã khéo léo kết hợp những phẩm chất và lối chơi của U23 Việt Nam ở Thường Châu vào hình hài tuyển quốc gia. Đội chủ nhà dứt điểm 4 lần, trúng đích 3 và ghi tới 2 bàn. Việt Nam tấn công ít nhưng mỗi khi lên bóng là có một cơ hội rõ rệt. Văn Lâm và đồng đội chọn đá phòng thủ nhưng cả trận không nhận một thẻ phạt (Malaysia nhận 2 thẻ vàng).
Lối chơi phòng ngự chủ động ấy từng phát huy hiệu quả đáng sợ ở U23 châu Á. Trước Malaysia, lối đá ấy càng vươn tới đẳng cấp cao hơn khi ông Park đã sở hữu những con người với phẩm chất vượt trội.
Con chốt mang tên Phan Văn Đức
Dưới tài điều binh khiển tướng của ông Park, những lựa chọn kỳ lạ ban đầu đều đã tỏa sáng. Anh Đức không cần chạy quá nhiều nhưng vẫn có 1 bàn. Xuân Trường, Quang Hải hoàn thành nhiệm vụ phòng ngự và tiếp tục có những đường phát động nguy hiểm.
Nhưng cái tên đáng chú ý nhất, chi tiết quan trọng nhất tạo nên sự khác biệt của Việt Nam ở trận này nằm ở cái tên Phan Văn Đức. Trước đấy chưa lâu, tiền đạo này từng tiết lộ anh đang được HLV Park Hang-seo thử nghiệm ở vai trò mới. 90 phút trước Malaysia đã chứng minh thử nghiệm ấy đang thành công rực rỡ.
Xuất phát ở vị trí tiền đạo trái trên hàng công 3 người, Văn Đức thực tế đã đảm nhiệm 2 vai: tiền đạo trái và hậu vệ trái. Tại mặt trận tấn công, anh là người có đường kiến tạo cho Anh Đức ghi bàn ấn định tỷ số 2-0.
Trên tuyến phòng ngự, Văn Đức cùng với Văn Hậu tạo thành tấm lá chắn kép, giúp Việt Nam vô hiệu hóa ngôi sao nhập tịch Mohamadou Sumareh. Cầu thủ này đã gây rất nhiều khó khăn cho Văn Hậu trong 15 phút đầu tiên trước khi ông Park Hang-seo kéo Văn Đức về tuyến sau hỗ trợ.
Việc một “chuyên gia thay người” như Văn Đức bất ngờ được đá chính và tỏa sáng cho thấy phần nào toan tính của ông Park. Cầu thủ người Nghệ An rõ ràng không phải một phương án chiến thuật được nghĩ ra từ đêm trước. Anh là một sự chuẩn bị dài hạn của thầy Park, được tính toán dựa trên năng lực của học trò và phân tích kỹ các đối thủ.
Việc Văn Đức tỏa sáng cũng là bằng chứng cho thấy ông Park có lẽ còn giấu nhiều lá bài khác cho chặng đường dài ở AFF Cup 2018.
Đá hai trận, giành 6 điểm, chiến thắng hai đối thủ khác nhau bằng hai phong cách gần như đối lập, tuyển Việt Nam của ông Park Hang-seo đã thể hiện một hình ảnh đa dạng và đầy biến ảo, một hình ảnh khiến người ta có thể hy vọng và tin tưởng.
Theo Minh Chiến (Tri Thức Trực Tuyến)