Sau những thành công ban đầu, có vẻ như HLV Miura đã chạm tới giới hạn năng lực huấn luyện, khi sau hơn một năm, HLV trưởng người Nhật Bản không thể đem lại bộ mặt mới cho đội tuyển Việt Nam. Ngôn ngữ dân gian gọi đó là sự “kịch trần”. Nhưng, cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Nếu suy xét một cách cặn kẽ, HLV Miura có thể chỉ là “nạn nhân”.
HLV Toshiya Miura vừa mới đem lại chiến thắng cho đội tuyển Việt Nam trước Đài Loan (Trung Quốc), qua đó nuôi tiếp hy vọng cho nền bóng đá tham dự VCK Asian Cup 2019 bằng cửa chính. Nhưng ông vẫn bị không ít người đòi đưa lên “đoạn đầu đài”. Để đánh giá công việc, người ta cần một quá trình thẩm định, chứ không thể dựa vào một mắt xích trận đấu.
Xin hỏi, trước khi HLV Miura đến Việt Nam, nền bóng đá và các ĐTQG đang ở đâu? Chúng ta thất bại ở 2 kỳ AFF Cup liên tiếp thời hậu Henrique Calisto, bị loại khỏi vòng bán kết và vòng bảng SEA Games 26 & 27. Ở mặt trận vòng loại Asian Cup 2015, đội tuyển Việt Nam thời ông Hoàng Văn Phúc thậm chí không tìm nổi một chiến thắng.
HLV Miura sẽ vẫn được VFF giữ lại dù vấp phải không ít chỉ trích thời gian gần đây? Ảnh: Đoàn Nhật/VFF |
Một người thợ hàn đúng nghĩa, tiếp quản công việc với di sản gần như chỉ là đống đổ nát, thì sự tận tuỵ là điều rất đáng trân trọng. Dám hỏi trong chúng ta, mấy người được như HLV Toshiya Miura?!
Lưới thưa khó bắt cá kìm
Người Nam Bộ có một câu vè (ca dao) rất duyên: “Lưới thưa mà bủa cá kìm/Lòng qua bậu, bậu tìm nơi nao”? Sâu xa câu ca dao muốn đề cập đến tình yêu… đơn phương, nhưng cũng có thể suy ra, muốn làm nên nghiệp lớn, cần phải biết mình đang có cái gì, đang ở đâu và đối thủ như thế nào. Cái bất hợp lý nhất của bóng đá Việt Nam là đòi hỏi.
HLV Toshiya Miura, như đã nhắc, vốn không có một bản “CV” hoàn hảo. Không xuất thân từ cầu thủ chuyên nghiệp, HLV Toshiya Miura đến với nghiệp huấn luyện bóng đá (khi đang là giáo viên thể chất) bởi lòng đam mê và sự cầu tiến. Ông tin vào kiến thức mà mình học được, cùng những trải nghiệm (dù ít ỏi). Phải, làm gì cũng cần có niềm tin.
Nhưng, tin là một chuyện, còn năng lực lại là chuyện khác. HLV Miura có thể đã “giới thiệu” cho các ĐTQG một số gương mặt triển vọng và hiện đang phát tiết, nhưng với việc họ được cất nhắc cho đến khi toả sáng ở mức độ nhất định, đấy cũng là nỗ lực bản thân mà tự mỗi cầu thủ trẻ phải ý thức. HLV Toshiya Miura chỉ là cầu nối, là trung gian.
Sau tất cả những gì đã và đang diễn ra, với các ĐTQG và triều đại HLV Toshiya Miura, đến lúc này, nếu chúng ta vẫn không thể đưa ra kết luận (dù tạm thời) về hiệu quả công việc của người mà mình thuê (trên nguyên tắc bản hợp đồng thời hạn 2 năm), thì có phần hơi cả nể. Lưới thưa không thể “bủa” cá kìm, hay nói thẳng ra, tiền nào của nấy thôi.
60 So với các thời điểm còn dẫn dắt các CLB nhỏ ở Nhật Bản, HLV Miura đạt tỷ lệ (%) chiến thắng cao nhất từ trước đến nay khi “cầm” đội tuyển Việt Nam. Với 6 trận thắng, 2 hoà và 2 thua tại các giải đấu chính thức, HLV Miura đạt tỷ lệ 60%. Còn hiệu suất chiến thắng với U23 Việt Nam thậm chí lên tới 69,23%. 5 Các ĐTQG Việt Nam là “bến đỗ” thứ 5 của HLV Toshiya Miura, sau khi lần lượt ông thầy người Nhật Bản đã trải qua các CLB như: Omiya Ardija, Consadole Sapporo, Vissel Kobe và Ventforet Kofu. Tại các đội bóng này, tỷ lệ các trận thắng của HLV Miura chưa bao giờ vượt quá 33,33% (Omiya Ardija). 2 HLV Miura từng có nhiều năm tu nghiệp ở Đức và trước khi trở thành HLV chuyên nghiệp, ông từng trải qua các năm đầu sự nghiệp “học việc” ở 2 CLB là Brummell Sendai và Mito HollyHock (1997 – 1998). Về cơ bản, HLV trưởng đương nhiệm của đội tuyển Việt Nam chưa từng dẫn dắt các đội bóng lớn, chứ đừng nói ĐTQG. |